Đề xuất, dự báo một số xu hướng phát triển của bưu chính trong tương lai

Trần Thanh Mai (Bộ môn Phát triển Kỹ năng - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)

TÓM TẮT:

Theo từ điển tiếng Việt, “xu hướng” có nghĩa là xu thế thiên về một chiều nào đó. Sự thiên về những hoạt động nào đó nhằm một mục tiêu có ý nghĩa đối với bản thân trong một thời gian lâu dài. Từ định nghĩa đó, ta có thể hiểu xu hướng bưu chính là xu thế thiên về một chiều hướng nào đó của bưu chính, có mục tiêu, ý nghĩa và ảnh hưởng trong thời gian dài, tác động đến hệ thống bưu chính của thế giới nói chung cũng như bưu chính Việt Nam nói riêng. Do đó, việc nghiên cứu, xác định và phân tích các tác nhân chính dẫn tới thay đổi, thách thức và các vấn đề có liên quan khác cho ngành Bưu chính trong tương lai sẽ giúp định hướng bản chất của ngành Bưu chính thế giới về các vấn đề như: dịch vụ, thị trường, nhân lực, ứng dụng công nghệ thông tin… trong các năm tới có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng với công tác dự báo, định hướng, xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển bưu chính trong thời gian tới.

Từ khóa: Xu hướng phát triển bưu chính, tư nhân hóa bưu chính, công nghệ thông tin trong bưu chính, dịch vụ tài chính bưu chính.

I. Xu hướng phát trển bưu chính trong tương lai

Trong môi trường toàn cầu hóa ngày nay, sự thay đổi không ngừng của các nhân tố bên trong và bên ngoài thị trường đang gây ra những áp lực lớn đối với các doanh nghiệp bưu chính đang hoạt động trên thị trường. Công nghệ thông tin và viễn thông ngày càng phát triển cùng với sự chuyển dịch tự do nguồn nhân lực và vốn giữa các quốc gia trên thế giới được coi là những yếu tố không thể thiếu được trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các hàng rào thuế quan đang dần được xóa bỏ, vai trò của Chính phủ không còn là nắm giữ độc quyền trong ngành Bưu chính mà chỉ còn là điều tiết sự phát triển của ngành.

Các quốc gia, các vùng và các tổ chức khác nhau trên thế giới đang thúc đẩy việc tăng cường và hợp tác trong mọi vấn đề và cụ thể là vấn đề chuyển phát hàng hóa và thư tín. Ngoài ra, tại nhiều khu vực trên thế giới, những liên minh giữa các nhà quản lý điều hành bưu chính đã được thiết lập và phối hợp hoạt động, liên minh với các ngành khác như: Tài chính - Ngân hàng, Bảo hiểm và Viễn thông… Một số nước đã tập trung vào việc nghiên cứu xây dựng những tiêu chuẩn ngành nhằm thống nhất chung giá cước và đồng bộ hóa hệ thống thanh toán quốc tế. Các nghị định, quy định, hướng dẫn được chính phủ các nước ban hành đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa để mọi thành phần kinh tế là nhà nước, tư nhân, liên doanh, nước ngoài… đều có khả năng tham gia vào việc cung cấp các dịch vụ bưu chính. Sự cạnh tranh trên thị trường ngày một tăng do phạm vi thị trường hiện nay có xu hướng không chỉ bó hẹp trong phạm vi biên giới các quốc gia mà mở rộng ra thị trường quốc tế. Do đó, ngày càng có nhiều các công ty đa quốc gia tham gia vào việc kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính. Toàn cầu hóa và tự do hóa đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, công bằng trên thị trường, nhờ đó chất lượng dịch vụ ngày một được nâng cao với giá thành ngày càng hợp lý.

Làn sóng tư nhân hóa đã diễn ra từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, ở mức độ rất thấp và chậm chạp, khi đó nhà nước vẫn nắm quyền sở hữu chính trong các doanh nghiệp. Nhưng đến những năm cuối của thập kỷ này, làn sóng tư nhân hóa thực sự trỗi dậy mạnh mẽ ở các nước OECD, EU, các quốc gia đang phát triển ở châu Mỹ La Tinh, châu Á… Tính đến cuối năm 1999, hoạt động tư nhân hóa đã đạt tới khoảng 145 tỷ đôla tăng 10% so với năm 1998 tại các quốc gia OECD, hoạt động tư nhân hóa đóng góp vào 2,3% GDP. Đầu năm 2000, xu hướng này bắt đầu phát triển tại các quốc gia đang phát triển hoạt động tư nhân hóa đóng góp khoảng 0.5% vào GDP, ước tính đạt khoảng 410 tỷ đô la Mỹ, đến năm 2003 trên thế giới đã có khoảng 140 quốc gia tiến hành tư nhân hóa. Xu hướng tư nhân hóa đã diễn ra bởi nhiều nhân tố tác động như: Xu hướng giảm vai trò kiểm soát của nhà nước trong nền kinh tế, sự giới hạn của ngân sách trong công tác đầu tư và phát triển, sự cần thiết lôi cuốn đầu tư, sự thay đổi của công nghệ cùng với xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa trong sản xuất và thị trường tài chính… Mỗi một ngành nghề, mỗi một lĩnh vực trong nền kinh tế sẽ chịu những tác động khác nhau của những nhân tố này và từ đó dẫn đến mức độ tư nhân hóa cũng sẽ khác nhau. Bưu chính là một ngành thuộc kết cấu hạ tầng của quốc gia nên lĩnh vực bưu chính ở các nước đều được Nhà nước bảo hộ, vì vậy, việc tiến hành tư nhân hóa sẽ cần cân nhắc rất kĩ càng và tiến hành muộn hơn so với các ngành kinh tế khác. Bên cạnh đó, tư nhân hóa trong lĩnh vực bưu chính phải xem xét tới cả khía cạnh về sự phát triển văn hóa, xã hội, truyền thống, thương mại của mỗi nước thông qua các dịch vụ bưu chính đang được cung cấp, phải xem xét cách thức điều tiết sao cho phù hợp để các doanh nghiệp cạnh tranh một cách công bằng và tự do, phải tạo được một môi trường để dẫn tới sự tăng trưởng và phát triển cho lĩnh vực bưu chính. Từ trước tới nay, không có tiêu chuẩn nào cho việc tư nhân hóa bưu chính ở mỗi quốc gia. Tuy nhiên qua những kinh nghiệm của các quốc gia đã tiến hành thì thấy rằng, sự độc lập về quản lý và tài chính, vấn đề về chủ sở hữu (tư nhân hóa ở mức độ nào) là vấn đề mà các nhà quản lý cần phải quan tâm.

Tại Hà Lan, chính phủ đã tư nhân hóa thị trường bưu chính khi quyết định bán 52% cổ phần của Royal PTT Nertheland (KPN), bao gồm cả PTT Post trong năm 1995. Tháng 8/1996, PTT Post đã mua lại một hãng vận chuyển của Úc và đổi tên thành TNT. Mặc dù hầu hết là các sở hữu tư nhân, nhưng TPG vẫn giữ độc quyền của thị trường thư khối lượng dưới 500gam. Tháng 6/1998, KPN giữ lại viễn thông và tách các hoạt động bưu chính về TNT Post Group (TPG), tổ chức giờ đây hoạt động với tên gọi là Royal PTT Post và TNT Express.

TPG - Công ty bưu chính tư nhân đầu tiên trong lịch sử, nay đã có một ban giám đốc và không còn nhận được hỗ trợ của chính phủ. Chính phủ Hà Lan giữ khoảng 45% cổ phần và phần lớn cổ phần còn lại được trao đổi trên các thị trường chứng khoán Amsterdam, New York, London và Frankfurt. Tư nhân hóa bưu chính tại Hà Lan, đã tạo ra một sức ép cạnh tranh cho doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả hơn, tồn tại và phát triển bằng chính năng lực của mình chứ không nhận được sự bảo hộ nào của nhà nước. Tuy doanh nghiệp chịu trách nhiệm cung cấp dịch vụ bưu chính công ích nhưng hiện nay không còn nhận trợ cấp từ Nhà nước. Dịch vụ công ích được Nhà nước quản lý bởi một ủy ban riêng biệt, chính vì vậy chất lượng của dịch vụ luôn được đảm bảo.

Tại Bỉ, Công ty bưu chính De Post là một doanh nghiệp hoạt động trong rất nhiều lĩnh vực như là thư, chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu kiện, báo chí, bán lẻ, tài chính bưu chính, bảo hiểm, ngân hàng, các giải pháp gia công cho các công ty với khối lượng thư lớn, đã giữ độc quyền pháp lý trong lĩnh vực dịch vụ bưu chính. De Post được tổ chức và hoạt động như là một doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Quản lý thông qua hợp đồng và tài chính của DePost là hai công cụ để giám sát DePost của nhà nước. DePost đã được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo luật quản lý nhà nước ngày 17/3/2000. Kể từ năm 2005, Chính phủ đã cho phép các cổ đông có liên quan tham gia vào quá trình quản lý DePost. Tuy nhiên, dù tiến hành tư nhân hóa nhưng chính phủ vẫn nắm giữa trên 50% cổ phần của DePost.

Ngày nay, công nghệ thông tin đang phát triển và có những tiến bộ vượt bậc. Nó được ứng dụng trong hầu hết mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Sự tham gia của các ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu suất lao động giảm chi phí sản xuất, xóa bỏ được khoảng cách về không gian và các hạn chế về thời gian. Ngành Bưu chính cũng không ngừng được cải tiến nhờ việc ứng dụng các tiến bộ công nghệ thông tin vào trong quá trình sản xuất của mình. Ứng dụng công nghệ thông tin làm các dịch vụ bưu chính trở nên đa dạng và linh hoạt hơn với nhiều dịch vụ mới, dịch vụ giá trị gia tăng như định vị theo dõi thư, bưu kiện của khách hàng, lưu trữ thông tin về bưu phẩm, bưu kiện, thư của khách hàng tránh mất cắp, nhầm lẫn địa chỉ, thư được chuyển đến tay người nhận nhanh hơn thông qua dịch vụ bưu chính điện tử… Hầu hết các quốc gia có nền bưu chính phát triển là những quốc gia đã nắm bắt được xu hướng này và áp dụng vào ngành Bưu chính từ rất sớm. Chẳng hạn như: Bưu chính Úc, trong suốt hai mươi năm cuối thế kỉ XX, Bưu chính Úc đã có những bước đột phá rất lớn trong việc đổi mới trên cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin đặc biệt là công nghệ trong các hoạt động quản lý, kinh doanh, khai thác để cải tiến và phát triển các kênh cung cấp sản phẩm và dịch vụ bưu chính có giá trị cao, như: thư thông minh, quản lý địa chỉ, bưu cục điện tử, chuyển tiền điện tử…

Với kỳ vọng trở thành một trong những tập đoàn bưu chính tầm cỡ quốc tế có mạng lưới tiên tiến và hiện đại hóa nhằm thỏa mãn mọi nhu cầu của khách hàng, bưu chính Úc đã xây dựng chương trình “Bưu chính của tương lai” đây là chương trình có thời gian thực hiện 5 năm có giá trị lên tới 600 triệu USD để tổ chức lại mạng lưới bưu chính. Chương trình “thư thông minh” là một cải tiến thông minh cho các bức thư trong quá trình xử lý thư tín, thực hiện quản lý dữ liệu khách hàng và hoạt động marketing trực tiếp với chi phí thấp.

Hiện nay, trên thị trường dịch vụ bưu chính thế giới, dịch vụ thư vẫn được coi là dịch vụ cốt lõi của hầu hết các nhà khai thác lớn tại các nước phát triển, các nước châu Mỹ và châu Phi (hơn 60%), tại các nước châu Á - Thái Bình Dương, các nước Arập, dịch vụ thư cũng chiếm tới hơn 30% trong cơ cấu dịch vụ. Các dịch vụ bưu kiện và hậu cần thì phát triển mạnh hơn tại các nước đang phát triển và các nước châu Mỹ với hơn 20% thị phần, riêng các nước châu Á dịch vụ tài chính bưu chính lại là nhóm dịch vụ phát triển mạnh nhất khi chiếm tới 45% trong cơ cấu dịch vụ bưu chính.

- Các dịch vụ giá trị gia tăng: Rất nhiều nhà khai thác bưu chính đang tìm kiếm phát triển các dịch vụ bưu chính giá trị gia tăng nhằm tăng tạo ra nguồn thu mới và tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Các dịch vụ đang phát triển hiện nay chủ yếu như:

- Dịch vụ gia công (outsourcing): Là dịch vụ được quan tâm nhiều và có tiềm năng mang lại doanh thu lớn cho lĩnh vực bưu chính trong tương lai. Với các dịch vụ kì vọng sẽ phát triển, như: dịch vụ chuẩn bị thư, dịch vụ quản lý tài liệu, dịch vụ chăm sóc khách hàng…

- Dịch vụ marketing trực tiếp: Bưu chính tiếp tục tìm kiếm và mở rộng vai trò của mình trong lĩnh vực marketing trực tiếp. Tuy nhiên, lúc này lĩnh vực hoạt động của bưu chính không chỉ giới hạn trong phạm vi là thư quảng cáo để bán hàng (truyền thống), mà còn mở rộng các hoạt động chăm sóc khách hàng, quản lý mối quan hệ với khách hàng… Các doanh nghiệp bưu chính sẽ thực hiện việc cung cấp địa chỉ cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, quản lý dữ liệu và khai thác, quản lý sự phản hồi của khách hàng và phân phối các dịch vụ đa phương tiện…

II. Đề xuất, dự báo một số xu hướng phát triển của bưu chính trong nước trong thời gian tới

1. Xu hướng phát triển thị trường

Luật Bưu chính ra đời đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện môi trường pháp lý về bưu chính, đảm bảo quyền được tiếp cận các dịch vụ bưu chính cho toàn dân, tạo dựng và hoàn thiện môi trường cạnh tranh công bằng, bình đẳng, minh bạch cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ, hướng tới sớm đưa bưu chính nhanh chóng trở thành nền kinh tế năng động. Có thể thấy rõ trong thời gian tới, thị trường bưu chính Việt Nam sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia cung ứng dịch vụ bưu chính.

2. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế

Các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bưu chính hiện nay thường thiếu kinh nghiệm và công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý so với các doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng tính cạnh tranh trên thị trường tạo nên sự thay đổi nhiều mặt các doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh trên thị trường bưu chính thì hội nhập là xu thế tất yếu. Xu hướng mở cửa thị trường sẽ giúp cho thị trường bưu chính đầy tiềm năng phát triển mạnh hơn.

Trong quá trình đàm phán gia nhập WTO, Việt Nam đã xây dựng lộ trình mở cửa thị trường dịch vụ bưu chính, sau ngày 1/11/2012, thị trường bưu chính Việt Nam mở cửa hoàn toàn cho các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài tham gia kinh doanh dịch vụ theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam. Do đó, mức độ cạnh tranh sẽ ngày càng quyết liệt hơn.

3. Xu hướng phát triển các dịch vụ mới

Với sự phát triển mạnh mẽ của viễn thông và công nghệ thông tin, dịch vụ chuyển phát thư, tài liệu, ấn phẩm… của các doanh nghiệp bưu chính đang ngày càng sụt giảm, đặc biệt là khi dịch vụ chữ ký số được sử dụng phổ biến. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào quản lý kinh doanh thay vì bị chính những công nghệ đó lấn lướt trên thị trường buộc các doanh nghiệp bưu chính phải phát triển một kênh cung cấp với một chuỗi các dịch vụ bưu chính. Trong hoàn cảnh đó, Bưu chính điện tử ra đời (E-Post) sẽ hỗ trợ cho bưu chính truyền thống phát triển.

Bưu chính điện tử là các hoạt động kinh doanh điện tử được ứng dụng trong bưu chính. Hàng loạt thuật ngữ mới ra đời cùng với bưu chính điện tử như bưu cục điện tử (E-Post office); Thanh toán hóa đơn điện tử (E-Paybill); Tem điện tử (E-stamp); Dịch vụ trọn gói (E-fulfillment); Dịch vụ thu mua trực tuyến (E-Procurement)…

Hoạt động bưu chính điện tử gồm 4 lĩnh vực chính: Quản lý mối quan hệ khách hàng (customer relationship mângement); thương mại điện tử (electronic commerce); quản lý kênh cung ứng (supply chain mângement) và quản lý nguồn nhân lực doanh nghiệp (enterprise resource planing)…

Bưu chính Viettel cũng đã xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách hàng lớn. Với mảng kinh doanh dịch vụ này, Viettel Post cũng đang xây dựng chiến lược phát triển thương mại điện tử, tăng cường hợp tác với các sàn thương mại điện tử lớn để chuyển phát hàng, bưu gửi cho các khách hàng mua - bán hàng qua mạng, nghiên cứu xây dựng chợ thương mại điện tử để các doanh nghiệp tham gia vào giao dịch. Cùng với việc cung cấp dịch vụ chuyển hàng, dịch vụ COD cho khoảng 40 doanh nghiệp bán lẻ, Viettel Post đang nghiên cứu phát triển các ứng dụng, công nghệ hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh thương mại điện tử…

Những dịch vụ mới này sẽ giúp cho các doanh nghiệp bưu chính cân bằng được doanh thu đang có chiều hướng giảm từ các dịch vụ bưu chính truyền thống.

4. Xu hướng ứng dụng khoa học công nghệ

Công nghệ thông tin phát triển đã tạo ra rất nhiều phần mềm cho bưu chính trong quản lý, khai thác và lưu trữ số liệu. Các máy tính có tốc độ xử lý cao được kết nối nhau thông qua mạng internet giúp cho việc truyền đưa tin tức có hiệu quả và nhanh chóng cho phép ứng dụng trong việc truy tìm hay định vị các sản phẩm bưu chính, từ đó tạo điều kiện cho việc hoàn thiện chất lượng các dịch vụ sẵn có và phát triển các dịch vụ mới như: Dataposst, Letter to mail hay Mail to letter, E-Post…

Tài liệu tham khảo:

1. Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội.

2. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.

3. Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25/5/2002.

4. Nghị định số 157/2004/NĐ-CP của Chính phủ.

5. Quyết định số158/2001/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Bưu chính - Viễn thông đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

6. Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 Quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính về đầu tư trong lĩnh vực bưu chính.

Proposing and forecasting some future trends of postal development

TRAN THANH MAI

Lecturer of Skill development Department

Posts and Telecommunications Institute of Technology

Abstract:

According to the Vietnamese dictionary, "trend" means a tendency toward one direction. The tendency for certain activities to have a meaningful goal for themselves over a long period of time. From that definition, we can understand that the postal trend is a tendency toward a certain direction of the post, with long-term goals and inffluences, affecting the postal system of the world in general as well as Vietnamese postal system in particular. Therefore, the study, identification and analysis of key drivers of change, challenges and other related issues for the postal sector in the future will help guide the nature of the postal secto such as services, markets, human resources, information technology application, et. Hence it is an organic and dialectical relationshipbetween forecasting and planning strategies for postal development in the coming time.

Keywords: Postal development trend, post privatization, postal technology, postal finance services.