Dự thảo Thông tư quy định phương pháp xác định các yếu tố hình thành giá cơ sở xăng dầu có 13 Điều, trong đó có Điều 6, 7, 12 được bổ sung mới so với Thông tư liên tịch số 39/TTLT-BCT-BTC, để phân biệt giữa nguồn xăng dầu nhập khẩu từ nước ngoài về cảng Việt Nam và nguồn trong nước của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Cụ thể, tại Điều 6, dự thảo đã đưa ra phương pháp xác định khoản chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu, trong đó có ghi rõ công thức tính chi phí về thuế nhập khẩu xăng dầu. Các mức thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu được xác định tương ứng với từng nguồn nhập khẩu theo thực tế thống kê từ cơ quan hải quan.
Tỷ trọng sản lượng để xác định khoản chi phí về thuế nhập khẩu trong giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu được xác định bằng sản lượng xăng dầu nhập khẩu tương ứng với từng mức thuế suất thuế nhập khẩu chia (:) cho tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu trong kỳ tính toán.
Tại Điều 7 bổ sung phương pháp xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng xăng và mặt hàng xăng sinh học. Việc xác định giá tính thuế TTĐB trong giá cơ sở được căn cứ trên các yếu tố hình thành giá và phân biệt đối với nguồn xăng trong nước và nhập khẩu.
Điều 12 của dự thảo đưa ra phương pháp xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở các mặt hàng xăng dầu. Theo đó, sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước để tính tỷ trọng là sản lượng xăng dầu bán ra của các nhà máy lọc dầu trong nước (không bao gồm dung môi, nhiên liệu bay; không bao gồm sản lượng xăng dầu tự dùng và xuất khẩu) trên tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và tổng sản lượng xăng dầu bán ra trong nước của các nhà máy lọc dầu trong nước trong kỳ báo cáo. Trên cơ sở số liệu cung cấp về lượng xăng dầu nhập khẩu của Bộ Tài chính và báo cáo lượng bán xăng dầu trong nước của các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ tính toán, xác định tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn trong nước và nhập khẩu để tính giá cơ sở theo quy định.
Thông tư này quy định về phương pháp xác định các yếu tố hình thành giá cơ sở xăng dầu theo quy định tại khoản 23, khoản 24 Điều 1 Nghị định số /2021/NĐ-CP ngày tháng năm 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (sau đây gọi chung là Nghị định số /2021/NĐ-CP).
Thông tư này áp dụng đối với:
- Cơ quan có thẩm quyền điều hành giá bán xăng dầu trong nước và các cơ quan khác có liên quan; các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu theo quy định tại Nghị định số..... /2021/NĐ-CP.
- Thông tư này không áp dụng đối với: thương nhân nhập khẩu, sản xuất và pha chế các loại xăng, dầu chuyên dùng cho nhu cầu riêng của mình, không bán ra thị trường theo quy định của pháp luật; thương nhân được phép nhập khẩu xăng, dầu vào trong nước theo quy định của Luật Đầu tư để làm hàng mẫu quảng cáo, dự hội chợ triển lãm, hoặc là hàng viện trợ hoàn lại và không hoàn lại; thương nhân sản xuất xăng, dầu bán xăng, dầu cho thương nhân nhập khẩu xăng, dầu; thương nhân đầu mối mua lại xăng, dầu thành phẩm của thương nhân đầu mối khác để cung ứng ra thị trường trong nước; thương nhân đầu mối có lượng xăng, dầu thành phẩm mua về làm nguyên liệu để sản xuất, pha chế thành xăng, dầu thành phẩm khác.