Đề xuất sửa đổi phạm vi miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Bộ Công Thương đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại.
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tin sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT về phòng vệ thương mại
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tin sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT về phòng vệ thương mại

Cần sửa đổi phù hợp với yêu cầu của thực tiễn

Để hướng dẫn thi hành Nghị định số 10/2018/NĐ-CP ngày 15/1/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại, trong giai đoạn 2018-2020, Bộ Công Thương đã ban hành 2 Thông tư hướng dẫn, gồm Thông tư 06/2018/TT-BCT ngày 20/4/2018 quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại và Thông tư số 37/2019/TT-BCT ngày 29/11/2019 quy định quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 06/2018/TT-BCT.

Theo đó, sau gần bốn năm tổ chức thực thi, Thông tư 37/2019/TT-BCT là văn bản quy phạm pháp luật giúp Cục Phòng vệ thương mại và Bộ Công Thương có cơ sở pháp lý rõ ràng trong việc xử lý các hồ sơ đề nghị và việc quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại một cách kịp thời, hợp lý, đúng quy định, bảo đảm hiệu quả của biện pháp trên thực tế.

Tuy nhiên, trong quá trình rà soát nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật phòng vệ thương mại nói chung và Thông tư 37/2019/TT-BCT nói riêng, Cục Phòng vệ thương mại nhận thấy một số vấn đề cần sửa đổi trong quy định về việc quyết định miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại tại Thông tư 37/2019/TT-BCT để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.

Về phạm vi miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại 

Hiện tại, theo quy định tại Điều 10 Thông tư 37/2019/TT-BCT, Bộ Công Thương xem xét việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo 6 trường hợp, trong đó có trường hợp: "Hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước". Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra hiện tượng một số doanh nghiệp viện dẫn quy định này để nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ.

Vì vậy, cần loại bỏ quy định xem xét miễn trừ trong trường hợp hàng hóa tương tự, hàng hóa cạnh tranh trực tiếp được sản xuất trong nước không đáp ứng đủ lượng sử dụng trong nước.

Bên cạnh đó, Thông tư 37/2019/TT-BCT đang quy định thành phần hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thiếu cụ thể, tách bạch để cá nhân, tổ chức đề nghị miễn trừ có thể hiểu rõ nghĩa vụ cung cấp đầy đủ các tài liệu, thông tin trong hồ sơ. Thực tế nộp hồ sơ đề nghị miễn trừ cho thấy cá nhân tổ chức đề nghị thường nộp thiếu thành phần hồ sơ do hiểu không đúng về danh mục, thành phần hồ sơ.

Thông tư sửa đổi bổ sung đề xuất quy định nhằm làm rõ và chi tiết các đầu mục hồ sơ cần cung cấp, là các tài liệu, hồ sơ bắt buộc, có sẵn của doanh nghiệp liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và thủ tục miễn trừ, không làm mất thời gian, phiền hà cho doanh nghiệp, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính.

Về thủ tục kiểm tra sau miễn trừ và chế tài xử lý vi phạm

Thực tiễn công tác kiểm tra sau miễn trừ thời gian qua cho thấy nhiều doanh nghiệp không tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của Thông tư 37/2019/TT-BCT nhưng thủ tục kiểm tra sau miễn trừ và chế tài xử lý vi phạm theo Thông tư này chưa cụ thể và chưa đủ giáo dục và răn đe. Cần bổ sung chế tài tương ứng với việc không tuân thủ/tuân thủ không đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định, sẽ thiết kế các chế tài như: Thu hồi quyết định hưởng miễn trừ, không xem xét cho tiếp tục hưởng miễn trừ trong thời gian cụ thể hoặc cho đến khi biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng chấm dứt, yêu cầu cơ quan hải quan truy thu thế đối với một phần/toàn bộ hàng hóa đã được hưởng miễn trừ.

Về thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

Hiện tại, Thông tư 37/2019/TT-BCT đang quy định thời hạn miễn trừ của mỗi hồ sơ đề nghị miễn trừ biện pháp phòng vệ thương mại là 18 tháng, Thông tư sửa đổi, bổ sung đề xuất phương án rút ngắn thời hạn này còn 12 tháng. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp được hưởng miễn trừ trong việc hoàn thuế phòng vệ thương mại theo từng năm tài chính, đồng thời cơ quan quản lý và cơ quan hải quan cũng thuận tiện hơn trong việc kiểm soát và xử lý hổ sơ xuất nhập khẩu.

Việc miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có thời hạn 12 tháng, không giới hạn số lần đề nghị cấp miễn trừ bổ sung trong khi tổng thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại không thay đổi.

Từ đó đặt ra yêu cầu làm rõ quy định về thời hạn miễn trừ, trong đó thống nhất khoảng thời gian tối đa cho một lần cấp miễn trừ căn cứ theo hồ sơ đề nghị miễn trừ của doanh nghiệp và không giới hạn số lần cấp miễn trừ bổ sung nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp cũng như bảo đảm hiệu quả của biện pháp phòng vệ thương mại trên thực tế.

Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong 23 vụ việc
Tính đến nay, Bộ Công Thương đã tiến hành điều tra tổng cộng 25 vụ việc phòng vệ thương mại, trong đó đã quyết định áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại trong 23 vụ việc

Tạo lập khung khổ pháp lý toàn diện, hợp lý, khả thi 

Bộ Công Thương cho biết, việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 37/2019/TT-BCT nhằm mục đích đảm bảo thi hành các quy định tại Nghị định 10 và khắc phục những tồn tại, hạn chế của các quy định hiện hành. Kế thừa những quy định còn phù hợp, tiên tiến và áp dụng trong thực tiễn có hiệu quả của Thông tư 37/2019/TT-BCT, bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hoạt động miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi hành Thông tư 37/2019/TT-BCT.

Đồng thời, tạo lập khung khổ pháp lý toàn diện, hợp lý, khả thi nhằm đảm bảo cho công tác miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đúng pháp luật, đạt hiệu quả, chất lượng, góp phần hữu hiệu vào công cuộc đấu tranh phòng, chống, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật phòng vệ thương mại trong bối cảnh thực tiễn.

Dự thảo Thông tư gồm 4 Điều:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung, thay thế một số khoản của các điều của Thông tư số 37/2019/TT-BTC

Điều này sửa đổi, bổ sung đối với 9 điều khoản của Thông tư 37/2019/TT-BCT như sau:

(1) Sửa đổi khoản 5 Điều 6 về bên liên quan trong vụ việc điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

(2) Sửa đổi, bổ sung Điều 11 về Thời hạn miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại

(3) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 13 về Tiêu chí xem xét và hình thức miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

(4) Sửa đổi, bổ sung điểm d, điểm i khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 14 về Hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và Hồ sơ miễn trừ bổ sung.

(5) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 15 về Nộp và theo dõi hồ sơ đề nghị miễn trừ.

(6) Sửa đổi, bổ sung điểm a, điểm b khoản 1, khoản 4 và khoản 5 Điều 16 về Thông báo tiếp nhận Hồ sơ miễn trừ và yêu cầu Hồ sơ đề nghị miễn trừ bổ sung.

(7) Sửa đổi, bổ sung Điều 20 về nghĩa vụ nộp Báo cáo định kỳ.

(8) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 23 về Kiểm tra sau miễn trừ.

(9) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 26 về Thu hồi quyết định miễn trừ.

Điều 2. Bãi bỏ khoản 5 Điều 10 của Thông tư số 37/2019/TT-BTC

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Điều 4. Điều khoản chuyển tiếp

Dự thảo Thông tư cũng quy định về điều khoản chuyển tiếp theo hướng đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đã được tiếp nhận và đã ban hành Quyết định miễn trừ trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 37/2019/TT-BCT, đối với các hồ sơ đề nghị miễn trừ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại chưa tiếp nhận hoặc chưa ban hành Quyết định miễn trừ từ ngày Thông tư này có hiệu lực thì được xem xét, áp dụng theo quy định của Thông tư này, trừ trường hợp văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn có quy định khác.

Ngoài ra, để đảm bảo phù hợp với tính biến động liên tục của hệ thống pháp luật, Thông tư quy định trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được dẫn chiếu để áp dụng tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.

Xem toàn văn Dự thảo Thông tư tại đây.

Thy Thảo