Dệt may TNG: Lãi 8 tháng đầu năm giảm 39%, chấp nhận đơn hàng ít lãi để duy trì sản lượng

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, mã cổ phiếu TNG) vừa công bố kết quả kinh doanh 8 tháng đầu năm nay với lãi ròng giảm 39% và biên lợi nhuận gộp giảm đáng kể so với cùng kỳ.

Lãi 8 tháng đầu năm của Dệt may TNG giảm 39%

Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG, cổ phiếu TNG - sàn HNX) vừa công bố báo cáo tài chính riêng tháng 8/2023 với doanh thu thuần đạt 721 tỷ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, doanh thu hoạt động tài chính tăng tới gần 27%, đạt 9 tỷ đồng.

Tuy nhiên, các khoản chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong tháng 8/2023 của Dệt may TNG đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, doanh nghiệp này chỉ ghi nhận lãi ròng đạt 23 tỷ đồng trong tháng 8/2023, giảm 39% so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh thu Dệt may TNG Tạp chí Công Thương
Doanh thu của Dệt may TNG qua các tháng (tỷ đồng). (Nguồn: Dệt may TNG)

Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2023, Dệt may TNG ghi nhận tổng doanh thu thuần 4.838 tỷ đồng tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lãi ròng chỉ đạt 143 tỷ đồng, giảm 30% so với giai đoạn 8 tháng đầu năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí tài chính (chủ yếu là chi phí lãi vay) và chi phí bán hàng đã tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

So với kế hoạch kinh doanh đã đề ra, Dệt may TNG đã thực hiện được 71% mục tiêu doanh thu và 48% mục tiêu lợi nhuận cả năm sau 8 tháng vừa qua. Theo đánh giá của một số tổ chức tài chính, trong bối cảnh toàn ngành dệt may đối mặt sự sụt giảm đơn hàng do nhu cầu yếu, việc Dệt may TNG vẫn duy trì doanh thu tăng trưởng dương là yếu tố tích cực so với mặt bằng chung, nhờ việc chấp nhận các đơn hàng có biên lợi nhuận thấp để duy trì sản lượng. Điều này được phản ánh rõ nét qua việc biên lợi nhuận gộp của Dệt may TNG trong 8 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 13,2%, thấp hơn mức 14,5% của cùng kỳ năm 2022 và thấp hơn mặt bằng chung.

FPT Securities (FPTS) cho biết tiến độ đặt đơn hàng mới từ các đối tác của Dệt may TNG đang diễn ra tương đối chậm so với năm ngoái. Tới tháng 8 vừa qua, Dệt may TNG mới nhận đủ đơn hàng đến hết tháng 10 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho quý 4/2023. Trong khi vào tháng 7/2022, Dệt may TNG đã nhận đủ đơn hàng cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm.

Đối với thị trường EU, FPTS dự báo doanh thu xuất khẩu của Dệt may TNG sang khu vực này trong năm 2023 sẽ giảm 9,2% so với năm 2022, chủ yếu do sụt giảm đơn hàng của khách hàng lớn Decathlon (chiếm 90% doanh thu của hãng này tại EU). Tuy nhiên, sự sụt giảm này sẽ được bù đắp bằng đơn hàng từ các thị trường khác. Đồng thời, doanh thu xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ được nhận định sẽ đi ngang so với năm 2022 nhờ các đơn hàng nhỏ.

Giá cổ phiếu TNG Dệt may TNG
Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu TNG của Dệt may TNG kể từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 21/9, cổ phiếu TNG đạt 22.300 đồng/cổ phiếu - mức cao nhất 12 tháng trở lại đây. So với thời điểm đầu năm nay, thị giá cổ phiếu TNG đã tăng hơn 86%.

Nhiều doanh nghiệp dệt may ghi nhận đơn hàng vẫn ở mức thấp

Tình trạng đơn hàng thấp, chậm cũng đang được ghi nhận tại nhiều doanh nghiệp dệt may lớn niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Như Tạp chí Công Thương đã thông tin, Công ty Cổ phần Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Dệt may Thành Công, mã cổ phiếu TCM - sàn HoSE) chỉ nhận được đơn hàng tương đương 80% kế hoạch của quý 3/2023 và mới nhận được khoảng 83% kế hoạch của quý 4/2023.

Tương tự, Công ty Cổ phần Dệt may Hòa Thọ (mã cổ phiếu HTG - sàn UPCoM) dự báo nhu cầu vẫn ở mức thấp trong những tháng cuối năm 2023. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã cổ phiếu VGT - sàn UPCoM) nhận định ngành dệt may Việt Nam đã bước qua giai đoạn “xấu nhất” nhưng tình trạng nhu cầu thấp của thị trường thế giới có thể kéo dài sang nửa đầu năm 2024.

Xem thêm: "Dệt may Thành Công (TCM): Đơn hàng cho quý 4/2023 mới chỉ đạt 83%" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Theo chia sẻ mới đây của ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex sự suy giảm về kim ngạch xuất khẩu và thị phần dệt may của Việt Nam trong thời gian gần đây, ngoài lý do khách quan về sự ảm đạm trong thị trường chung, xu hướng chuyển dịch đơn hàng sang các nước có lợi thế về mặt địa lý, còn do năng lực cạnh tranh ngành dệt may Việt Nam bị suy giảm, nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố.

Trong đó, mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhưng doanh nghiệp dệt may vẫn chịu áp lực lãi suất cho vay cao của các ngân hàng thương mại và sự tiếp cận vốn vay khó hơn so với các quốc gia cạnh tranh như Trung Quốc, Bangladesh và Indonesia. Chi phí logistics và chi phí tiền lương cao cũng bào mòn sức cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Duy Quang