Điện Biên: Các nhà máy thủy điện đều phát huy hiệu quả đầu tư

Do đặc điểm địa hình, độ dốc dòng chảy lớn, lưu lượng dòng chảy mạnh nên có tiềm năng thủy điện khá phong phú và đa dạng về quy mô. Đây là tiềm năng để xây dựng phát triển các công trình thủy điện kết hợp với khai thác thủy lợi, cung cấp nguồn điện cho điện lưới quốc gia và tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thời gian qua, Điện Biên đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực thủy điện. Đến nay, các dự án thủy điện đã và đang góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tính đến ngày 31/5/2020 trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 47 dự án thủy điện vừa và nhỏ, với tổng công suất lắp máy khoảng 522MW. Trong đó có 11 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác, tổng công suất lắp máy 137,3MW, 21 dự án thủy điện đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, tổng công suất lắp máy dự kiến là 301,1MW (trong đó có 06 dự án đang thi công xây dựng, tổng công suất lắp máy 123MW). 7 dự án được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập dự án đầu tư, tổng công suất lắp máy dự kiến 46MW, 7 dự án đang kêu gọi đầu tư tổng công suất lắp máy dự kiến 26,6MW, 1 dự án đang hoàn thiện thủ tục cấp chủ trương đầu tư, công suất lắp máy 11MW.

Ngoài ra trên địa bàn tỉnh có 5 dự án ngoài quy hoạch đã được UBND tỉnh cho chủ trương nghiên cứu khảo sát, lập hồ sơ dự án bổ sung quy hoạch, tổng công suất lắp máy dự kiến 40MW (trong đó có 02 dự án đã trình Bộ Công Thương xem xét thẩm định phê duyệt bổ sung quy hoạch, tổng công suất dự kiến là 20MW).

Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 (huyện Ðiện Biên Ðông)

Các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng, vận hành khai thác, đang thực hiện đầu tư xây dựng chủ yếu là các công trình thủy điện vừa và nhỏ, số hộ dân và điện tích đất đai bị ảnh hưởng không lớn, chủ yếu là bồi thường về đất nương, đất sông suối, hạn chế sử dụng diện tích đất ruộng và đất rừng, không phải thực hiện di dân tái định cư. Việc đầu tư các dự án thủy điện tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tăng nguồn thu ngân sách địa phương, tăng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặt khác sản xuất một sản lượng điện năng đáng kể hoà vào lưới điện quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Tuy gặp nhiều khó khăn về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng còn nhiều trở ngại, kéo dài, gây khó khăn trong việc triển khai các dự án thủy điện đúng tiến độ, chưa có hướng dẫn cụ thể trong công tác lập, trình, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh các dự án nguồn điện vào quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017 nên trong quá trình triển khai, thực hiện gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, việc đầu tư xây dựng, vận hành khai thác các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư tại tỉnh, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Đến nay, nhìn chung các nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác trên địa bàn tỉnh cơ bản đều phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần tăng thu ngân sách, chấp hành tốt các quy định hiện hành của nhà nước về bảo vệ an toàn đập, vận hành quy trình hồ chứa theo quy trình vận hành. Các dự án đã thực hiện trồng bù rừng thay thế hoặc nộp tiền trồng bù rừng thay thế (đối với các dự án thuộc đối tượng phải trồng rừng thay thế), chi trả dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Các dự án thủy điện đang thi công xây dựng cơ bản đều chấp hành tốt các quy định pháp luật của nhà nước về đầu tư xây dựng, đảm bảo chất lượng và an toàn lao động trong thi công xây dựng.

Việc thu hút đầu tư, phát triển thủy điện sẽ tạo cơ hội phát triển kinh tế - xã hội địa phương, song cần xem xét, quy hoạch khoa học, phù hợp thực tế địa phương, quá trình triển khai dự án phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định như đã cam kết của chủ đầu tư, đặc biệt liên quan đến lợi ích người dân vùng dự án và vấn đề môi trường.

Hoàng Lâm