1. PGS. TS. Vũ Duy Lợi, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thư ký thuộc Ban Chỉ đạo CNTT của cơ quan Đảng.
Người lãnh đạo CNTT có vai trò quan trọng đối với hoạt động chung của đơn vị ở chỗ, tham mưu, giúp người đứng đầu cơ quan quyết định, đầu tư, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan m ột cách thiết thực, hiệu quả.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, trong thời gian qua, tôi cùng tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm CNTT đã tham mưu, giúp lãnh đạo cơ quan thực hiện được một số công việc thúc đẩy ứng dụng CNTT tại cơ quan, đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm theo dự án được phê duyệt; hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng CNTT đối với văn phòng các tỉnh uỷ, thành uỷ trong cả nước; hỗ trợ kỹ thuật ứng dụng CNTT đối với các cơ quan Đảng ở Trung ương. Kết quả ứng dụng CNTT tại cơ quan được lãnh đạo đánh giá là đúng hướng, thiết thực, tiết kiệm, góp phần vào việc thay đổi lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
Người lãnh đạo CNTT không chỉ cần có kiến thức về kỹ thuật công nghệ thông tin mà còn cần có hiểu biết nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Trên cơ sở đó mới có thể xác định được yêu cầu ứng dụng và cách thức tổ chức thực hiện ứng dụng CNTT sao cho “trúng”, cho “đúng”. Tôi ý thức rằng, hoạt động chung của đơn vị chính là hoạt động của từng bộ phận cấu thành và chính vì vậy, ứng dụng CNTT trong hoạt động của đơn vị cần được thực hiện ở từng bộ phận cấu thành đó. Do trình độ tổ chức, điều hành công việc và trình độ mỗi cán bộ, nhân viên ở từng bộ phận có khác nhau nên người lãnh đạo CNTT cần xác định thứ tự và mức độ ưu tiên ứng dụng CNTT ở mỗi bộ phận này một cách phù hợp. Cuối cùng, người lãnh đạo CNTT là người gương mẫu thực hiện ứng dụng CNTT ngay trong từng hoạt động thực hiện chức trách, công việc của mình; có như vậy mới có thể thuyết phục một cách “tâm phục, khẩu phục” đối với bản thân các đồng chí lãnh đạo khác cũng như đối với cán bộ, nhân viên trong cơ quan.
2. Ông Nguyễn Xuân Phi - Chủ tịch UBND Quận, Trưởng Ban chỉ đạo cải cách hành chính quận Ngô Quyền, Hải Phòng.
Người lãnh đạo CNTT phải luôn đi đầu, đưa ra những kế hoạch và thực thi một cách nghiêm túc, triển khai bài bản và khoa học từ đơn giản đến phức tạp theo một lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị mình.
Theo tôi, việc xây dựng và áp dụng thành công chính quyền điện tử vào trong cải cách hành chính (CCHC) tại quận Ngô Quyền là một khâu đột phá trong CCHC. Công tác CCHC có được thành công như hiện nay là nhờ Quận đã sớm đưa ứng dụng công ngệ thông tin vào trong quản lý hành chính. CNTT là một trong những công cụ hữu hiệu giúp cho việc lãnh đạo điều hành của lãnh đạo và làm việc của công chức có hiệu quả, thực hiện tốt những việc trước kia khi chưa ứng dụng CNTT không thể làm được. Việc ứng dụng CNTT giúp tiết kiệm thời gian, quản lý lưu trữ hồ sơ một cách khoa học, chia sẻ thông tin và cung cấp các dịch vụ công cho người dân ngày càng nhiều hơn. Sớm thấy đươc tầm quan trọng của việc ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính, quận Ngô Quyền đã quyết tâm triển khai và là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai chính quyền điện tử tại quận. Hiện nay, quận Ngô Quyền đã kết nối mạng tới tất cả các đơn vị, tổ chức trong toàn quận và ứng dụng phần mềm điều hành tác nghiệp ở toàn bộ các công viêc đã được quản lý và triển khai trên mạng, bước đầu đã đem lại hiệu quả.
Theo tôi, người lãnh đạo CNTT có vai trò rất quan trọng trong hoạt động chung của đơn vị nhất là ứng dụng CNTT. “Cán bộ nào phong trào ấy”. Vì vậy, người lãnh đạo CNTT phải gương mẫu đi đầu và thuyết phục được mọi người cùng tham gia và có sức lan toả đến mọi người, đưa ra những kế hoạch và thực thi một cách nghiêm túc, triển khai bài bản và khoa học từ đơn giản đến phức tạp lộ trình phù hợp với điều kiện của địa phương, đơn vị mình.
3. Ông Tống Viết Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty Viễn thông Quân đội Viettel.
Người lãnh đạo CNTT là những nhà kiến tạo ra các hệ thống công cụ CNTT, nhằm đạt được những mục đích đặt ra.
Chỉ sau 4 năm hoạt động, từ tháng 10/2004 đến nay, mạng thông tin di động của Viettel và đã trở thành mạng di động lớn nhất với số lượng khách hàng đông nhất (trên 25 triệu khách hàng) và hạ tầng mạng rộng nhất với hơn 11.000 trạm phát sóng trên toàn quốc. Để có được kết quả này, trước hết phải nói đến sự đóng góp không ngừng trong suốt 4 năm qua của tập thể hơn 10.000 cán bộ, công nhân viên Tổng Công ty Viễn thông Quân đội (TCTVTQĐ) và sự lãnh đạo sáng suốt của tập thể Đảng ủy, ban GĐ TCty.
Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông và CNTT, Viettel luôn ý thức được tầm quan trọng của CNTT trong hoạt động kinh doanh của mình. Chính vì vậy bên cạnh việc phát triển mạng lưới hạ tầng viễn thông, chúng tôi luôn trú trọng triển khai các ứng dụng và hạ tầng CNTT phục vụ cho việc quản lý và điều hành kinh doanh. Có thể nói, việc xây dựng các ứng dụng và hạ tầng CNTT của Viettel đã đi sát với chiến lược phát triển của Viettel. Hệ thống CNTT của VT đã được phát triển rộng khắp và có mặt trong mọi lĩnh vực hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, và là một trong những yếu tố chính tạo nên sự thành công nhanh chóng của Viettel ngày hôm nay. Vì vậy, hàng loạt các sản phẩm rất đặc thù Viettel được ra đời đáp ứng được nhu cầu của hàng chục triệu khách hàng, trong đó có thể kể đến các một số các dịch vụ chỉ có duy nhất ở Viettel đó là: Call me back, Ứng tiền, Pay199, Home phone, Happy zone, Parents & Childs, I-Share… và gần đây nhất dịch vụ Call block. Những dịch vụ này là sản phẩm của sự sáng tạo Viettel, đã đem lại nhiều tiện ích cho khách hàng đồng thời cũng góp phần tạo nên nguồn doanh thu đáng kể cho doanh nghiệp.
Trong công tác quản lý Viettel là đơn vị hàng đầu áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến dựa trên nền tảng ứng dụng CNTT. Hầu hết các qui trình nghiệp vụ nội tại doanh nghiệp đều được tin học hoá, trong đó phải kể đến hệ thống quản lý bán hàng, thu cước, quản lý doanh thu, chi phí, kho tàng, hàng hoá, tài sản, nhân sự... Chính nhờ áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nên mặc dù liên tục phải mở rộng qui mô mạng lưới cung cấp dịch vụ nhưng Viettel vẫn luôn đảm bảo kiểm soát được chất lượng dịch vụ và duy trì được hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Với tư cách là Phó TGĐ phụ trách CNTT hiện nay, tôi luôn tâm niệm rằng công nghệ thông tin là nền tảng của doanh nghiệp hiện đại. Tuỳ theo qui mô và loại hình kinh doanh của các doanh nghiệp mà hệ thống CNTT ở các đơn vị sẽ khác nhau. Tuy vậy, một hệ thống CNTT hiệu quả phải được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của từng doanh nghiệp và được định hướng theo chiến lược phát triển doanh nghiệp đó. Lãnh đạo doanh nghiệp, những nhà quản lý phải hiểu rất rõ mình muốn gì và chính họ là những nhà kiến tạo ra các hệ thống công cụ (CNTT) nhằm đạt được những mục đích đặt ra. Ngoài ra, các hệ thống CNTT không thể tự thân vận hành mà cần có tác động của con người. Chính vì vậy, bên cạnh việc xây dựng một hệ thống CNTT tốt, cần có một kế hoạch triển khai tốt, trong đó cần cân đối hài hoà giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn, cách thức tổ chức bộ máy và các hệ thống qui chế, qui trình, qui định trong doanh nghiệp. Thiếu hoặc không đặt những vấn đề này ở mức độ ưu tiên cần thiết, đều có thể dẫn đến thất bại của các dự án CNTT.
4. Ông Phí Quang Hưng – Giám đốc CNTT, Tổng Công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí.
Vai trò của người quản lý và điều hành trực tiếp hệ thống CNTT giúp cho các hoạt động CNTT tại PV Drilling có định hướng chiến lược rõ ràng trong quá trình phát triển CNTT, từ đó hoạt động sản xuất kinh doanh được thông suốt và có hiệu quả.
Hiện tại, PV Drilling đang trong quá trình phát triển ứng dụng CNTT vào phục vụ điều hành và sản xuất kinh doanh, trong đó có các ứng dụng phục vụ quản lý kinh doanh như: Hệ thống ERP Oracle EBS (Giai đoạn 1 – Hệ Quản lý tài chính và kế toán), hệ thống quản lý bảo trì, bảo dưỡng và vật tư tài sản cố định giàn khoan và các hệ thống ứng dụng phục vụ chuyên ngành dầu khí khác.
Hệ thống ứng dụng CNTT ERP Oracle EBS đã giúp cho PV Drilling có thể kiếm soát công việc quản lý tài chính - kế toán tập trung từ góc độ Tổng Công ty như: Thống nhất hệ thống tài khoản kế toán toàn Tổng công ty, kiểm soát đóng sổ kế toán theo định kỳ (hàng tháng, hàng quý và hàng năm) tập trung theo quy định; thực hiện công tác báo cáo kế toán quản trị phục vụ cho việc ra quyết định của Ban Tổng Giám đốc; quản lý ngân sách chi tiêu thực tế và nâng cao khả năng kiểm soát công việc chuyên môn từ Tổng Công ty. Hệ thống ứng dụng Quản lý tài sản vật tư, bảo trì bảo dưỡng của Giàn khoan (MAXIMO) đã giúp cho Xí nghiệp điều hành khoan trong công tác quản lý vật tư, bảo trì bảo dưỡng tài sản cố định của các giàn khoan mà PV Drilling đang sở hữu từ việc lên kế hoạch hoạch đến công tác kiểm soát và thực hiện theo kế hoạch mua sắm, thay thế và quản lý vật tư tài sản cố định của giàn khoan.
Có thể nói, các hệ thống ứng dụng CNTT đã giúp cho quản lý tổ chức hiệu quả hơn; tạo điều kiện thúc đẩy cho các cải tiến của tổ chức và tăng cường việc tuân thủ theo các chính sách quản lý của PV Drilling và làm gia tăng giá trị nội tại của PV Drilling.
Vai trò của người quản lý và điều hành trực tiếp hệ thống CNTT giúp cho các hoạt động CNTT tại PV Drilling có định hướng chiến lược rõ ràng trong quá trình phát triển CNTT dựa trên chiến lược phát triển kinh doanh của PV Drilling nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất kinh doanh được hoạt động thông suốt và có hiệu quả. Theo dõi và giám sát trực tiếp các dự án CNTT đang phát triển để làm sao đưa vào vận hành hỗ trợ hoạt động kinh doanh có hiệu quả tốt nhất.
5. Ông Lê Xuân Vũ – Phó Tổng Giám đốc – Giám đốc Trung tâm CNTT Ngân hàng Thương mại CP Kỹ thương Việt Nam.
Người lãnh đạo CNTT không chỉ thuần túy làm về công nghệ mà còn chịu trách nhiệm gắn kết hoạt động công nghệ với mục tiêu kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, tạo ra nhiều sản dịch vụ tiện ích cho khách hành và thị trường.
Techcombank có mạng lưới 145 chi nhánh và phòng giao dịch trên toàn quốc. Kể từ cuối năm 2003 đến nay, Techcombank đã khai thác một trong những hệ thống công nghệ thông tin ngân hàng tiên tiến nhất tại Việt Nam, hệ thống phần mềm ngân hàng lõi Globus – T24 của Tập đoàn Temenos, Thụy Sĩ. Hiện nay Techcombank đang sử dụng phiên bản mới nhất của hệ thống ngân hàng lõi T24 (T24r07), cho phép giao dịch liên tục 24/24, đồng thời tăng cường công tác quản lý rủi ro, tốc độ tự động hóa và kết nối trực tuyến trên toàn hệ thống.
Không chỉ được công nhận bởi các tổ chức trong nước, năm 2007, Financial Insights, một chi nhánh của Công ty Tư vấn công nghệ hàng đầu thế giới IDC (thuộc tập đoàn IDG - Tập đoàn hàng đầu thế giới hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu truyền thông) đã trao tặng Techcombank Giải thưởng về Công nghệ ngân hàng, công nhận những thành tựu về ứng dụng công nghệ đi đầu trong giải pháp phát triển thị trường của Techcombank.
Có rất nhiều định nghĩa về CIO và bình luận về vai trò của CIO, nhưng thực tế là trong bất cứ doanh nghiệp nào cho dù đã có hay chưa có chức danh CIO chính thức thì vai trò của họ vẫn đang hiện hữu và vai trò của họ ngày càng có tầm quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp. Trong khi các nước phát triển như: nước Mỹ hay châu Âu, nhanh chóng hơn trong việc khẳng định và xây dựng vị thế CIO trong doanh nghiệp thì Việt Nam tuy chậm nhưng cũng đã bước đầu xây dựng được vị thế này. CIO trong vị thế mới được khẳng định không chỉ thuần túy làm về công nghệ mà còn chịu trách nhiệm gắn kết hoạt động công nghệ với mục tiêu kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, tạo ra nhiều sản dịch vụ tiện ích cho khách hành và thị trường, cũng như chịu trách nhiệm trong việc tạo ra hệ thống thông tin quản trị hiệu quả, kiểm soát rủi ro, giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển mà còn phát triển bền vững. Trong thời đại mới, phẩm chất và kỹ năng của CIO không ngừng nâng cao, đổi mới để bắt kịp với nhu cầu phát triển của thị trường.