Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh nâng cao công tác quản lý vận hành, kinh doanh điện năng

Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh thuộc Công ty CP Điện lực Khánh Hòa với nhiệm vụ quản lý vận hành, kinh doanh điện năng trên địa bàn 31 xã, 02 thị trấn của hai huyện Diên Khánh và Khánh Vĩnh (18 xã v

Nhiều năm trước, Công ty Điện lực 3 (nay là Tổng công ty Điện lực miền Trung - EVN CPC) đã đầu tư xây dựng nhiều công trình trên địa bàn. Trong đó có công trình lớn: Cải tạo và phát triển lưới điện phân phối thị trấn Diên Khánh, vay vốn Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), khởi công ngày 01/4/2002, hoàn thành đưa vào vận hành ngày 26/12/2006. Công trình có quy mô: xây dựng mới và cải tạo 91,3 km đường dây trung áp; 105,7 km đường dây hạ áp; 183 TBA phụ tải với tổng dung lượng 23.290kVA; lắp đặt 7.166 công tơ các loại với 119,8 km đường dây đấu nối vào nhánh rẽ công tơ; giá trị quyết toán 54,3 tỉ đồng. Ngoài ra, năm 2001 EVN CPC còn triển khai xây dựng công trình: Đường dây 110kV Nha Trang - Diên Khánh và TBA 110kV Diên Khánh (quy mô: xây dựng mới 5,5 km đường dây 110kV, TBA 110kV x 25.000kVA, giá trị quyết toán 22 tỉ đồng) nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải khu vực Diên Khánh, đồng thời làm chức năng liên lạc và hỗ trợ qua lại giữa các TBA 110kV trong khu vực Cam Ranh - Suối Dầu - Diên Khánh - Nha Trang, tăng cường khả năng cung cấp điện, nâng cao chất lượng điện năng, giảm tổn thất điện năng trên lưới, đáp ứng tốt yêu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng của khu vực.

Cùng với việc đầu tư nâng cấp hàng năm của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh hiện quản lý vận hành 331,5 km đường dây trung áp; 411,3 km đường dây hạ áp; 463 TBA phân phối với tổng dung lượng 86.975kVA; 41.874 khách hàng sử dụng điện; sản lượng điện thương phẩm năm 2012 đạt 125,7 triệu kWh, tăng 7,88% so với năm 2011; 10 tháng đầu năm 2013 đạt 110,8 triệu kWh, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó tỉ trọng cho công nghiệp là 41,2%; Doanh thu tiền điện đạt 106,7 tỉ đồng bằng 81,54% so với kế hoạch năm 2013; Tỉ lệ điện dùng để truyền tải và phân phối 5,87% xấp xỉ kế hoạch được giao; Giá bán điện bình quân: 1.495,34 đồng, tăng 25,34 đồng so với kế hoạch.

Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh là một trong những đơn vị trong toàn ngành hoàn thành xóa bán tổng rất sớm (từ tháng 8 năm 2002), bán điện trực tiếp cho các khách hàng. Huyện Diên Khánh có tiềm năng lớn phát triển công nghiệp và TTCN. Đây là một trong những chương trình trọng điểm của huyện nhằm tạo động lực, tiền đề để công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trên địa bàn huyện hiện đang hình thành và phát triển các cụm công nghiệp: Diên Thọ; Suối Hiệp - Diên Toàn; Diên Sơn - Diên Điền; nhà máy khai thác đá Granite Suối Tiên. Ngoài ra còn có các ngành TTCN truyền thống như: sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, đồ mộc dân dụng, chế biến lương thực thực phẩm. Đây là những khách hàng tiêu thụ điện năng lớn, giá bán điện bình quân tăng, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi về công tác quản lý vận hành, kinh doanh điện năng, ông Phan Thanh Tâm, Giám đốc Điện lực Diên Khánh - Khánh Vĩnh cho biết: “Địa bàn quản lý của đơn vị rất rộng (33 xã, thị trấn của hai huyện) trong đó Khánh Vĩnh là huyện miền núi, địa hình phức tạp, nhiều đồi núi và vùng sâu, vùng xa. Bằng các giải pháp quyết liệt, CBCNV đơn vị luôn coi trọng việc đảm bảo an toàn hành lang lưới điện, giảm suất sự cố, giảm tổn thất điện năng, tăng sản lượng điện thương phẩm, không ngừng nâng cao công tác quản lý vận hành và hiệu quả kinh doanh, đáp ứng tốt nhất nhu cầu tiêu thụ điện của khách hàng”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Việc đảm bảo an toàn hành lang tuyến, nhất là khu vực huyện miền núi Khánh Vĩnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là cây keo sinh trưởng và phát triển chiều cao rất nhanh ngay dưới đường dây; Tất cả các công trình đầu tư xây dựng lưới điện mới đơn vị đều tự làm, vừa đảm bảo chất lượng, thời gian, vừa tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Đơn vị tham gia đấu thầu các công trình xây lắp điện trên địa bàn, tham gia khảo sát, lắp đặt hệ thống điện theo yêu cầu của khách hàng. Thường xuyên kiểm tra, bão dưỡng đường dây cùng các TBA để hạn chế thấp nhất sự cố. Theo chủ trương của Công ty CP Điện lực Khánh Hòa, từ tháng 6 đến tháng 8 hàng năm, đơn vị dừng hoàn toàn việc xây dựng và sửa chữa lớn vì liên quan đến cắt điện. Bởi đây là thời gian sản lượng điện tăng tốt nhất, giá bán điện bình quân tăng tốt nhất. Việc mua sắm vật tư thiết bị phục vụ xây dựng và sửa chữa lớn luôn đảm bảo, hạn chế thấp nhất tồn kho, giảm chi phí. Những giải pháp nêu trên nâng cao công tác quản lý vận hành, kinh doanh điện năng, đảm bảo cung ứng điện phục vụ tốt mọi nhu cầu của khách hàng, tăng doanh thu, đem lại lợi nhuận cho các cổ đông.