Doanh nghiệp Dệt May đang khan hiếm đơn hàng

Hiện tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, xảy ra ngay cả ở các doanh nghiệp lớn như, May 10, May Việt Tiến, May Nhà Bè...

Lượng đơn hàng của nhiều DN mới chỉ bằng khoảng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.

Thông tin này được ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiêp hội Dệt May Việt Nam (VISTA) đưa ra tại cuộc họp báo sáng 19/7/2019 tại Hà Nội của VITAS về Tổng kết tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm ngành Dệt May Việt Nam, đồng thời bàn phương hướng giải pháp phát triển 6 tháng cuối năm 2019. 

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch VITAS chủ trì buồi Họp báo

 

Theo đó, ông Trương Văn Cẩm cho biết thêm: Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may Việt Nam 6 tháng ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, hàng may mặc đạt 14,02 tỷ USD, tăng 8,71%. Mặt hàng vải đạt 1,02 tỷ USD tăng 29,9%, các mặt hàng xơ, sợi đạt 2,01 tỷ USD tăng 1,1%, vải địa kỹ thuật tăng 16,9%, phụ liệu dệt may giảm 0,29%.

Kim ngạch nhập khẩu (KNNK) ước đạt 11,39 tỷ USD tăng 5,66%. Trong đó, nhập khẩu bông đạt 1,52 tỷ USD giảm 1,99%, nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 1,23 tỷ USD tăng 6,65%, nhập khẩu vải đạt 6,75 tỷ USD tăng 7,56%, nhập khẩu phụ liệu đạt 1,89 tỷ USD tăng 5%. Giá trị nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu đạt 9,56 tỷ USD tăng 7,04%. Giá trị nội địa của hàng hóa dệt may xuất khẩu đạt 8,4 tỷ USD tăng 10,45%.

Về thị trường xuất khẩu hàng vải và may mặc: Hoa kỳ vẫn là thị trường lớn nhất với KNXK 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 46,9%; tiếp đó là các nước CPTPP đạt 2,57 tỷ USD tăng 11,13%, chiếm tỷ trọng 16,71% (riêng Nhật Bản đạt 1,79 tỷ USD, tăng 5,6% và chiếm 11,68%); EU đạt 2,05 tỷ USD tăng 10,46%, chiếm tỷ trọng 13,36%; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD tăng 5,59% chiếm tỷ trọng 8,91%.  

Tình hình thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam: Trong 5 tháng có 63 dự án với số vốn đạt khoảng 700 triệu USD, trong đó có 17 dự án FDI Trung Quốc với vốn đăng ký đạt 205 triệu USD; Hàn Quốc có 12 dự án vốn đăng ký 22 triệu USD… nâng tổng số vốn FDI đầu tư vào dệt may đến tháng 5/2019 lên 18,6 tỷ USD. Trong đó, Hàn Quốc có 429 dự án và 4,73 tỷ USD, Đài Loan 126 dự án và 2,97 tỷ USD, Trung Quốc 176 dự án  và 2,16 tỷ USD và Hongkong 134 dự án và 2,1 tỷ USD.

Nhấn mạnh về nguyên nhân dẫn đến tình trạng khan hiếm đơn hàng tại các doanh nghiệp dệt may Việt Nam hiện nay, ông Trương Văn Cẩm đã chia sẻ với báo giới rằng: Một trong những nguyên nhân chính là do hiệp định thương mại tự do Việt Nam –EU được ký kết nhưng vẫn chưa có hiệu lực do vậy mà các doanh nghiệp dệt may Việt Nam xuất khẩu sang các nước EU vẫn phải cạnh tranh so với các nước khác vì thuế xuất vào cá thị trường EU vẫn chịu đến 9,6%  

Việt Nam tuy đã đạt 17,9 tỷ USD, nhưng từ nay đến cuối năm 2019, ngành dệt may phải tăng trưởng 11 đến 12%  thì mới có thể đạt được mục tiêu 40 tỷ USD trong năm nay.

Đến nay chúng ta mới tăng trưởng chưa đến 9%, tuy đó ngành Dệt May vẫn còn hy vọng trong 6 tháng cuối năm là những tháng giao hàng nhiều, có giá trị cao như  hàng về áo Jacket, vestong, thể thao mùa đông…

Kế hoạch sản xuất của ngành Dệt May Việt Nam trong năm 2019 phấn đấu cán đích 40 tỷ USD tổng KNXS, vì thế ông Cẩm đã cảnh báo, để đạt được con số trên các doanh nghiệp phải cố gắng nhiều, trong đó cần nhất tìm kiếm đơn hàng đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm, đồng thời các doanh nghiệp trong ngành cần phối hợp chia sẻ hỗ trợ cùng phát triển.

Theo đó, bà Hoàng Ngọc Ánh, Phó tổng thư ký VITAS cho rằng các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định khắt khe từ những nhãn hàng lớn về yêu cầu chất lượng sản phẩm,  cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động…

Tại cuộc họp báo, VITAS đã bàn tới giải pháp hoạt động 6 tháng cuối năm 2019, tiếp tục đồng hành cùng DN, tham mưu, vận động chính sách tạo môi trường hoạt động thuận lợi cho DN, giảm chi phí tuân thủ, chi phí sản xuất, chính sách tiền lương, làm thêm giờ, chế độ BH…, chính sách thuế, thủ tục hải quan, các loại phí, phụ phí, chính sách cấp phép đầu tư vào khâu dệt, nhuộm…

Để cán đích 40 tỷ USD Tổng KNXK trong năm 2019, các DN Dệt May Việt Nam cần nỗ lực hơn nhiều, ông Trương Văn Cẩm nhấn mạnh tại cuộc Họp báo

 

Một số chương trình trọng điểm sắp tới của VITAS đó là tổ chức hiệu quả các chương trình XTTM quốc gia 2019 như: Hội chợ "Sourcing at Magic" từ 11 – 14/8/2019 tại Las Vegas, Hoa Kỳ; Hội chợ “The Sourcing Connection - Premiere Vision Paris”từ 17 – 20/9/2019 tại Pháp; Hội chợ "Federal Trade Fair Textillegprom" từ 18 - 21/9/2019 tại Moscow, Nga; Hội chợ HANOITEX 2019: Thời gian: từ ngày 23 - 25/10/2019 tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE Hà Nội - 91 Trần Hưng Đạo- Hà Nội.

Đặc biệt VITAS sẽ tập trung tổ chức các chương trình hội thảo, đào tạo về phát triển bền vững ngành Dệt May Việt Nam với các tổ chức quốc tế IDH, V-LEEP của USAID Mỹ, WWF, GIZ…, nhấn mạnh các hội thảo có chủ đề về tác động của CPTPP và EVFTA đến dệt may…

Hướng đến kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hiệp hội Dệt May Việt Nam sẽ được tổ chức vào cuối tháng 12/2019 cũng nằm trong các nhiệm vụ trọng tâm của của Hiệp hội trong 6 tháng cuối năm, Ông Trương Văn Cẩm, phó Chủ tịch VISTA đã thông tin.

 

Thu Hoài