Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm: Muốn đồng hành, để cùng đi xa hơn

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau” – phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam năm 2017 đã trở thành thông điệp mạnh mẽ được truyền tải t

Thực hiện Quyết định số 20 ngày 4/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chiến lược Quốc gia an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 – 2020 và tầm nhìn 2030; Kế hoạch của Bộ Công Thương thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm, tại Quyết định số 4870, Bộ Công Thương giao Tạp chí Công Thương thực hiện Chương trình truyền thông về an toàn thực phẩm trong kinh doanh thực phẩm ngành Công Thương với tên gọi “Hành động vì an toàn thực phẩm”, trong đó có Hội thảo “Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn”.

Tại Hội thảo, các cơ quan hữu quan, các hiệp hội ngành hàng, nhà phân phối cũng như các doanh nghiệp, chuyên gia đã cùng nhau trao đổi, phân tích về những vấn đề xoay quanh câu chuyện an toàn thực phẩm tại thị trường Việt Nam, hướng tới mục tiêu cuối cùng là tìm kiếm những giải pháp cùng doanh nghiệp phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn. Đặc biệt, vai trò của các bên “đi cùng nhau” để “đi xa” hơn trong xây dựng thị trường thực phẩm an toàn đã được đưa ra thảo luận cụ thể.

Hội thảo Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn đã tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ giữa nhiều bên xung quanh vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm


Cơ quan quản lý nhà nước: Hoàn thiện cơ chế quản lý an toàn thực phẩm

Chia sẻ tại Hội thảo về chính sách phát triển mạng lưới các cơ sở kinh doanh thực phẩm an toàn, bà Lê Việt Nga – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2018, nhằm khuyến khích hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn tại các địa phương và hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa đặc sản, đặc trưng, bảo đảm an toàn của các vùng miền, Bộ Công Thương tổ chức các chương trình giới thiệu, quảng bá thực phẩm an toàn và đặc sản vùng miền tại hệ thống các siêu thị lớn. Những doanh nghiệp phân phối tham gia các chương trình sẽ trở thành một địa chỉ tin cậy, là cầu nối để quảng bá hàng nông sản, đặc sản an toàn, giúp hàng Việt cạnh tranh với chất lượng đảm bảo, giá thành hợp lý đến với người tiêu dùng.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga cho biết: Trong năm 2018, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh các hoạt động kết nối, hỗ trợ đưa đặc sản, nông sản an toàn vào hệ thống phân phối hiện đại

Ông Trịnh Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) thẳng thắn nhận định, mặc dù, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt nhưng các vụ vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn diễn ra hết sức phức tạp. “Để đẩy lùi thực trạng này, bên cạnh công tác thanh kiểm tra, một trong những giải pháp căn cơ là phải chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng”, ông Tuấn Anh cho biết. Thời gian qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng đã tiếp nhận nhiều phản ánh của người tiêu dùng về chất lượng sản phẩm thực phẩm và thông tin kịp thời tới các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp không ngừng cải thiện chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho người tiêu dùng.

"Phải chung tay hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn để cung cấp cho người tiêu dùng", Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Trịnh Anh Tuấn khẳng định.

Nhiều người tham gia Hội thảo đều tỏ ra quan tâm tới Nghị định số 15 mới đây được Thủ tướng Chính phủ ban hành thay thế Nghị định số 38, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn Thực phẩm và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày ký. Ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho biết, điểm mới nhất của Nghị định 15 là cho phép doanh nghiệp được phép tự công bố sản phẩm với thủ tục đơn giản mà không cần chờ phê duyệt, tạo cơ chế thông thoáng đề cao trách nhiệm của chính doanh nghiệp đối với chất lượng sản phẩm. Nghị định này được đánh giá là đã tạo đột phá trong phương thức quản lý An toàn Thực phẩm khi chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời thể hiện sự thay đổi tư duy quản lý, phân quyền mạnh mẽ hơn và nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp lên đến 100% đối với sản phẩm của mình để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Huy Hoàn - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp xung quanh thủ tục tự công bố theo Nghị định số 15 mới được Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Doanh nghiệp thực phẩm: Tự kiểm soát an toàn từ đầu vào tới đầu ra

Cũng tại Hội thảo, nhiều đại diện từ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn cũng đã có những trao đổi xung quanh kinh nghiệm xây dựng và phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn từ thực tiễn tại doanh nghiệp.

Là một doanh nghiệp có rất nhiều sản phẩm đồ uống chủ lực, việc đảm bảo an toàn thực phẩm đối với Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (HABECO) có thể nói mang ý nghĩa sống còn. Ông Vũ Xuân Dũng - Phó Tổng Giám đốc HABECO cho biết, bên cạnh việc đảm bảo các quy tắc về an toàn thực phẩm trong sản xuất và phân phối sản phẩm, HABECO chú trọng đầu tư nhiều vào các phòng thí nghiệm để nghiên cứu và giám sát nghiêm túc quy trình sản xuất, cũng như đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm của sản phẩm thông qua việc đào tạo người lao động tại Tổng Công ty và các cơ sở.

Phó Tổng Giám đốc HABECO khẳng định doanh nghiệp cần kiểm soát vấn đề an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất tới phân phối, lưu thông sản phẩm trên thị trường

Ông Nguyễn Văn Toản - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Hải Đăng HB chia sẻ những lợi ích của việc các doanh nghiệp đi theo mô hình VietGAP từ kinh nghiệm áp dụng thực tế tại doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu thực phẩm an toàn từ chính đặc sản địa phương. Đối với sản phẩm cá Sông Đà, ông Toản cho rằng VietGAP đã giúp truy xuất nguồn gốc xuất xứ từ khâu lấy giống đến quy trình nuôi và phân phối sản phẩm, từ đó xây dựng được những pháp đồ điều trị tốt nhất qua từng năm. “Việc phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn quan trọng nhất là ở mỗi công ty, mỗi hộ dân từ khâu nuôi trồng, sau đó các cơ quan quản lý nhà nước mới có thể đồng hành hỗ trợ về chính sách được”.

Nhờ có chương trình kết nối của Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, nhiều doanh nghiệp kinh doanh cá Sông Đà sạch đã thu về nhiều đơn hàng lớn

Đại diện cho Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát, Giám đốc Đối ngoại Nguyễn Phan Huy Khôi khẳng định, thực phẩm an toàn gắn liền với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giai đoạn hiện nay thực chất đã trở thành từ khóa cho sự tồn vong của doanh nghiệp. Trải qua nhiều sóng trong khủng hoảng truyền thông liên quan tới vấn đề an toàn thực phẩm của sản phẩm, Tân Hiệp Phát đã nhận thức sâu sắc nguyên lý đó và thực hiện minh bạch, triệt để các cam kết về dây chuyền, công nghệ, con người, nguyên liệu, hướng đến chất lượng sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng chứ không phải chỉ sử dụng các mĩ từ để làm truyền thông quảng cáo.

Giám đốc Đối ngoại của Tân Hiệp Phát chia sẻ thẳng thắn những kinh nghiệm xử lý khủng hoảng truyền thông liên quan tới an toàn thực phẩm

Bà Lê Thị Mai Linh - Phó Chủ tịch điều hành Quan hệ đối ngoại và Truyền thông Tập đoàn Central Group chia sẻ, một trong những thế mạnh đặc trưng của hệ thống siêu thị Big C chính là “Điểm đến của thực phẩm tươi sống”. Trong khi lý do người tiêu dùng lựa chọn siêu thị chủ yếu là vì an toàn thực phẩm, thực phẩm tươi sống đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn an toàn và thị hiếu người tiêu dùng cũng cần đặt lên hàng đầu. Thông qua hoạt động thu mua tận vườn nông sản sạch, Big C đã nhận thức được rõ ràng vai trò của các nhà bán lẻ đối với người nông dân và các cơ sở sản xuất nông sản trong việc định hướng kế hoạch sản xuất an toàn, đúng quy trình, từ đó tăng cường rút ngắn các quy trình đưa thực phẩm an toàn vào hệ thống cho các đối tác, đồng thời tích cực chia sẻ các kiến thức cơ bản về đảm bảo chất lượng an toàn cho nông sản Việt.

Central Group luôn ý thức rõ ràng vai trò của một nhà bán lẻ như siêu thị Big C đối với quy trình sản xuất - phân phối nông sản an toàn

Một trong những đơn vị có nhiều thành công trong phong trào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn theo Chuỗi bền vững, góp phần thực hiện chương trình đổi mới phát triển kinh tế tập thể, HTX ở nhiều địa phương có lẽ phải kể đến Liên hiệp Hợp tác xã Tiêu thụ nông sản an toàn (UCA). Chủ tịch Liên hiệp Phạm Anh Tuấn cho biết, nhờ vào sự chung sức của các bộ, ngành cùng hệ thống báo chí, truyền thông cả nước, xu thế phát triển, sản xuất thực phẩm an toàn có kiểm soát đang dần thay đổi trong tư duy của người nông dân. UCA hy vọng, thông qua các hoạt động thuyết phục, tuyên truyền bà con tại địa phương, có thể xây dựng một nền nông sản sạch, một thị trường thực phẩm an toàn bền vững tại Việt Nam. Chủ tịch Phạm Anh Tuấn cũng bày tỏ mong muốn đồng hành cùng Big C và Central Group để kết nối hàng trăm, hàng nghìn Hợp tác xã với hệ thống phân phối hiện đại, sẵn sàng cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng nông sản an toàn cung cấp mỗi ngày.

Liên hiệp Hợp tác xã Tiêu thụ Nông sản an toàn hy vọng sẽ đồng hành cùng Big C cam kết phân phối nông sản an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Chia sẻ với quan điểm của Chủ tịch UCA, ông Trần Mạnh Chiến - Giám đốc Chuỗi cửa hàng thực phẩm Bác Tôm cũng cho rằng cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền trực tiếp, gắn kết và thấu hiểu với người nông dân là đối tượng sản xuất, cung cấp nguồn thực phẩm an toàn, từ đó doanh nghiệp mới có thể tìm ra hướng đi đúng nếu muốn thành công trên thị trường. Đó không chỉ là quyền lợi và trách nhiệm của nhà cung cấp mà còn của doanh nghiệp phân phối thực phẩm đối với người tiêu dùng, bất kể quy mô và cách thức vận hành, ông Chiến khẳng định.

Đại diện chuỗi cửa hàng thực phẩm an toàn Bác Tôm nhấn mạnh vai trò gắn kết giữa người nông dân cũng như nhà cung cấp thực phẩm với người tiêu dùng của các doanh nghiệp phân phối

Hiệp hội ngành hàng: Đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp và người tiêu dùng

Thời gian qua, các tổ chức, hiệp hội ngành hàng trong nước đã và đang tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp như thế nào trong việc hỗ trợ phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn cũng như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo hướng vừa phát triển sản xuất kinh doanh vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đối với Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng (Vinatas), Phó Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, đồng hành với quyền lợi người tiêu dùng là con đường xây dựng thương hiệu nói chung và thực phẩm an toàn nói riêng một cách nhanh và bền vững nhất. Lòng tin người tiêu dùng là rất quan trọng, và để chiếm được lòng tin ấy thì việc quảng cáo mỹ lệ không phải là con đường nên lựa chọn. “Doanh nghiệp quảng cáo gì nếu thực tế chẳng có gì để quảng cáo?”, ông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định quan trọng nhất vẫn là chất lượng và giá cả sản phẩm gắn liền với yếu tố an toàn thực phẩm. Khi có vấn đề xảy ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý tới trải nghiệm của khách hàng đối với thương hiệu, doanh nghiệp thông qua việc sẵn sàng thừa nhận, rút kinh nghiệm sau khi sai phạm, dần củng cố niềm tin và thiện cảm nơi khách hàng.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VINATAS Nguyễn Mạnh Hùng lưu ý doanh nghiệp trong việc xây dựng trải nghiệm tốt đẹp của khách hàng đối với thương hiệu sau khủng hoảng

Doanh nghiệp là vậy, nhưng câu chuyện đối với tiểu thương, hộ kinh doanh cá nhân tại các chợ còn đặt ra bài toán khó hơn rất nhiều trong quản lý an toàn thực phẩm. Để giải quyết vấn đề này, Hiệp hội Phát triển Chợ Việt Nam thời gian qua đã rất tích cực kết nối các nguồn cung cấp thực phẩm có chất lượng an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc rõ ràng cho hệ thống chợ trên toàn quốc. Bà Trần Thị Lan Hương - Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội cho biết, đối với mạng phân phối - tiêu thụ lớn và phổ biến là chợ, sẽ cần sự chung tay góp sức của các bộ, ngành cùng Hiệp hội và các cơ sở, doanh nghiệp cung cấp thực phẩm an toàn.

Bài toán an toàn thực phẩm tại hệ thống chợ ở Việt Nam sẽ cần đến sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bên liên quan

Ban tổ chức Hội thảo "Đồng hành cùng doanh nghiệp, phát triển thương hiệu thực phẩm an toàn" khẳng định, những trao đổi, phân tích, đánh giá tích cực tại Hội thảo có ý nghĩa quan trọng đối với sự lớn mạnh, phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, góp phần cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập mà quan trọng hơn là bảo vệ quyền lợi, sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng cả trong và ngoài nước.