Độc chiêu kinh doanh “liên hoàn cước” của Bầu Đức

Ở trong bất kỳ thời điểm nào, HAGL của Bầu Đức cũng đồng thời có những dự án đang đầu tư, đang đi vào sản xuất và đang cho ra sản phẩm, cho doanh thu, lợi nhuận.

Tạo thế “ỷ dốc”

Tính đến nay, Bầu Đức, ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai(HAGL) đã đầu tư hơn 900 triệu USD vào Lào với 3 dự án trồng cao su và mía đường; dự án cụm 4 nhà máy gồm có nhà máy đường, nhà máy nhiệt điện, nhà máy ethanol, nhà máy phân vi sinh. Gọi là cụm nhà máy vì chúng đều sử dụng một loại nguyên liệu là cây mía. Ngoài ra, Bầu Đức còn bỏ ra gần 500 triệu USD nữa vào bất động sản, khai khoáng, trồng rừng, khách sạn du lịch ở Cam pu chia, Thái Lan và Myanma.

Hơn 20 năm hoạt động, HAGL của Bầu Đức được người ta nhớ đến như một nhà sản xuất, xuất khẩu đồ gỗ nội thất cao cấp hàng đầu Việt Nam. Từ 2003 trở lại đây, cái tên HAGL còn gắn liền với những dự án kinh doanh khách sạn, resort và trở thành đơn vị có quy mô lớn, chiếm vị trí số một trên thị trường bất động sản Việt Nam với 22 dự án, xây dựng 17.000 căn hộ ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Đà Lạt, Gia Lai. Cũng tự tin như ở lĩnh vực trồng và chế biến cao su, HAGL đã “bạo tay” chi 20,4 triệu USD cho dự án xây dựng cao ốc HAGL Bangkok Apartment 25 tầng tại Thái Lan. Nhưng đình đám hơn cả, là dự án HAGL Myanmar Centre bao gồm khách sạn quốc tế 5 sao với hơn 400 phòng, Trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng và căn hộ dịch vụ cho thuê, với số vốn đầu tư lên đến 300 triệu USD. Bộ trưởng khách sạn và Du lịch Myanmar khẳng định rằng "HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên rót vốn vào lĩnh vực khách sạn và du lịch, mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất, chiếm 26% tổng vốn FDI vào lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại Myanmar".

Khi mọi người thắc mắc sao HAGL đầu tư ra nước ngoài không tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là trồng rừng và chế biến gỗ, mà “lan man” thế, Bầu Đức gật gù chia sẻ: trồng rừng, chế biến cao su, khai khoáng, kinh doanh bất động sản sẽ tạo thành thế “ỷ dốc”- liên hoàn bổ trợ cho nhau về thị trường, dòng vốn, lĩnh vực hoạt động giữa trong và ngoài nước. Theo tính toán của ông, dự án trồng cao su ở Lào sẽ hỗ trợ cho hoạt động chế biến mủ cao su vào sản xuất đồ gỗ nội thất ở Gia Lai. Các nhà máy chế biến gỗ ở Gia Lai, sản xuất đá Granit ở Đà Nẵng sẽ giúp làm giảm chi phí đầu vào cho dự án xây cao ốc ở Thái Lan. Ngược lại, sau khi cao ốc HAGL Bangkok Apartment đi vào hoạt động, sẽ hỗ trợ và khuếch trương thương hiệu đồ gỗ nội thất HAGL ở Thái Lan; đồng thời, doanh thu và lợi nhuận do cao ốc này mang lại, sẽ tiếp sức cho dự án khai thác mỏ đồng ở Lào trong tương lai không xa. Và với tất cả lợi nhuận của các dự án ở Lào, Cam pu chia, Thái Lan, ông dồn sức cho dự án địa ốc ở Myanmar nhằm đón đầu thời kỳ bất động sản nóng lên trong 5 năm tới ở nước này. Ở trong bất kỳ thời điểm nào, HAGL cũng đồng thời có những dự án đang đầu tư, đang đi vào sản xuất và đang cho ra sản phẩm, cho doanh thu, lợi nhuận. Có thể coi HAGL là một điểm sáng trong chiến lược đầu tư ra nước ngoài và là nhân tố tích cực cổ vũ doanh nghiệp nước ta mạnh dạn bơi ra biển lớn.

Chiến lược PR

Nếu chỉ là một tập đoàn, dù sản xuất đa ngành , HAGL cũng chẳng thể nổi danh đến thế. Mặt khác, so với doanh nghiệp có quy mô tương tự, HAGL ở thế “hạ phong” về tuyên truyền: ở cả 4 loại hình thông tin đại chúng gồm báo viết, báo tiếng, báo hình, báo điện tử, HAGL hầu như không xuất hiện trên trang quảng cáo nào. Thế nhưng, tất cả người Việt Nam, phần lớn người Thái Lan, người Lào, người Cam pu chia đều cảm nhận sự thân thuộc trong danh xưng HAGL. Bí quyết của Bầu Đức là đánh trúng vào niềm đam mê môn thể thao vua của mọi người. Năm 2001, HAGL thành lập đội bóng HAGL và là đội bóng đầu tiên của nước ta có cầu thủ ngoại, mà lại là tiền đạo số 1 Đông Nam Á đang ở đỉnh cao phong độ, Kiatisuk, với mức lương 2000USD/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức thu nhập của các cầu thủ Thái Lan lúc đó. Gần như ngay lập tức, thương hiệu đồ gỗ nội thất cao cấp HAGL được người Thái biết đến rộng rãi, và sản lượng xuất khẩu đồ gỗ của HAGL sang Thái Lan tăng liền mạch 100%/năm trong 3 năm đầu tiên. Điều này tương tự như Tập đoàn Lifan thuê Huỳnh Đức nhằm gây thanh thế cho nhãn hiệu xe máy Lifan tại thị trường Việt Nam. Ở trong nước, chức vô địch đầu tiên của đội bóng phố núi trong mùa giải 2003- 2004 và luôn đứng ở top 5 cho đến nay đã khiến thương hiệu HAGL được biết đến rộng rãi nhất. Ở nước bạn Lào, HAGL được biết đến trong vai một mạnh thường quân hào phóng. Tháng 6/2008, HAGL tặng chính phủ Lào 4 triệu USD và cho vay 10 triệu USD không tính lãi suất để triển khai dự án xây dựng 1.000 phòng ở cho vận động viên cùng các công trình phụ cho Sagames 25 với 42.000m2 sàn xây dựng. Bên cạnh đó, để phục vụ cho các dự án nói trên, HAGL đã đầu tư 35 triệu USD không hoàn lại cho các dự án bệnh viện, hạ tầng giao thông, nhà ở tặng cho hai tỉnh Attapeu và Xê Kông của Lào.Ngoài ra, các hoạt động bảo trợ xã hội, giải quyết việc làm và đảm bảo mức thu nhập khá cho lao động Lào tại các dự án trồng cao su đã giúp cho thương hiệu HAGL có chỗ đứng vững chắc tại đất nước triệu voi.

Sự khởi đầu thành công với bóng đá đã thôi thúc nhiều doanh nghiệp trong nước nối gót HAGL, mở ra một trào lưu “kết hôn” giữa doanh nghiệp - đội bóng: Đồng Tâm- Long An, SHB-Đà Nẵng, Tài chính Dầu khí- Sông Lam Nghệ An, Hòa phát- Hà Nội, Thép miền Nam- Cảng Sài Gòn... Song được lợi nhất, gắn bó với bóng đá sâu đậm và bài bản nhất vẫn là HAGL, khi sở hữu đội bóng mang thương hiệu luôn ở top dẫn đầu giải ngoại hạng, xây dựng Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, và mời được Katisuk làm giám đốc điều hành- một đảm bảo cho sự thành công- dự án cao ốc văn phòng 25 tầng tại Thái Lan.

Tự lớn bằng “luật chơi”

Rất nhiều người đặt câu hỏi, HAGL lấy đâu ra tiền để liên tục đầu tư vào những dự án có số vốn lên đến hàng chục, hàng trăm triệu USD, như dự án khu căn hộ cao cấp New Sài Gòn trên 30 triệu USD; khu phức hợp cao tầng ven sông Hàn(Đà Nẵng) 150 triệu USD, tổ hợp chung cư cao tầng Thạc Giám 30 triệu USD, khu Resrot 5 sao Đà Lạt, khu căn hộ cao cấp và siêu thị Pleiku... chưa kể hàng trăm triệu USD đầu tư vào Thái Lan và Myanmar

Đi lên từ mô hình xí nghiệp tư doanh, Bầu Đức thấu hiểu tình cảnh “lực bất tòng tâm” của những doanh nghiệp khát khao mở rộng quy mô hoạt động, vì thế đã quyết định CPH xí nghiệp vì “quy mô xí nghiệp tư doanh không còn phù hợp nữa, chiếc áo quản lý đã chật. Việc CPH chắc chắn sẽ tốt hơn”. Điều đặc biệt, Bầu Đức cho CPH toàn bộ. Tức là ngoài Công ty cổ phần HAGL (công ty mẹ) là hàng loạt công ty con cũng được CPH: Công ty CP Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh, Công ty CP Đầu tư và xây dựng nhà Hoàng Nguyên, công ty CP Đắc Lắc, Công ty CP cao su Hoàng Anh-Quang Minh, Công ty CP Thủy điện HAGL, Công ty CP khoáng sản HAGL, công ty CP Hoàng Anh-Mang Yang...

Mô hình CP đã giúp HAGL mở rộng năng lực và lĩnh vực hoạt động. Bầu Đức bật mí: Điều quan trọng là HAGL đưa ra được “luật chơi” công bằng. Luật chơi mà ông nói ở đây là một cơ chế cho phép thâu nạp cả vốn và trí tuệ của các thành phần kinh tế. Nghĩa là các đối tác có nghĩa vụ đóng góp vốn thì cũng có quyền tham quản lý. Luật chơi ấy đã biến xí nghiệp HAGL từ mấy chục tỷ đồng vốn điều lệ thành một Tập đoàn HAGL có số vốn điều lệ lên tới 1200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế năm 2013 ước gấp 2,5 lần vốn điều lệ, khoảng 3100 tỷ đồng.

Cũng chính vì đưa ra được luật chơi sòng phẳng, Bầu Đức đã mời gọi được các đối tác chính tham gia vào tất cả các lĩnh vực hoạt động của mình từ sản xuất, phân phối đồ gỗ, xây dựng và kinh doanh khách sạn, resort, trồng chế biến các sản phẩm từ cây cao su, đầu tư khai thác thủy điện, trong đó có nhiều dòng vốn từ các đối tác nước ngoài và các quỹ đầu tư có uy tín tại Việt Nam: Quỹ đầu tư Dragon Capital; Caledonia Investment(Anh); Asiavantage Global Limited (Nhật Bản); Quỹ đầu tư Jacar (Pháp); Temasec (Singgapore) Công ty quản lý quỹ Vietcombank; Công ty chứng khoán Sacombank; Công ty CP chứng khoán Sài gòn v.v...

Hơn 20 năm liên tục mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động của mình, đủ để Bầu Đức thấu hiểu rằng, sự luân chuyển dòng vốn thành công ra thị trường nước ngoài khó đến với những doanh nghiệp eo hẹp về tài chính, nhưng vẫn sẽ đến với doanh nghiệp vừa và nhỏ nếu biết xây dựng thương hiệu và “tự lớn lên” bằng sự hợp tác, thâu nạp các dòng vốn, tài năng quản lý trong và ngoài nước.

Nguyễn Văn