“Đổi mới sáng tạo” - Hệ động lực, khát vọng của cả dân tộc

Khát vọng đưa đất nước đi lên, chinh phục những đỉnh cao mới các giai đoạn 2025, 2030, 2045 đã mở đường cho “Đổi mới sáng tạo” trở thành hệ động lực quan trọng nhất của cả dân tộc trong phát triển.

dai hoi dang

 

Đại hội XIII của Đảng được tổ chức từ ngày 25/1 đến ngày 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội là một sự kiện chính trị trọng đại của Đảng và của dân tộc.

Chủ đề của Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Chủ đề Đại hội như trên gồm 4 thành tố:

Một là, khẳng định chủ thể lãnh đạo, quản lý, gồm Đảng và hệ thống chính trị.

Hai là, nêu động lực phát triển đất nước: “Phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại”.

Ba là, phản ánh phương thức phát triển: “Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước”.

Bốn là, nêu mục tiêu phát triển: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Nhìn tổng quát, nội hàm của chủ đề Đại hội lần này bắt đầu từ hành động của chủ thể (tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị), đến động lực thúc đẩy phát triển (ý chí, khát vọng, sức mạnh dân tộc, thời đại), đến phương thức phát triển (đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững) và mục tiêu của phát triển (trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa). 4 thành tố ấy có sự gắn kết chặt chẽ với nhau.

Một điểm mới hết sức quan trọng chưa từng được đề cập trong Chủ đề các Đại hội trước đây là việc bổ sung thêm thành tố khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc được hình thành, bồi đắp trên một cơ sở khoa học về lộ trình hướng đích với những bước đi được dự liệu rõ ràng. Đó là phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Khát vọng phát triển đất nước với những mục tiêu đích đến của từng giai đoạn 2025, 2030, 2045 dựa trên hệ động lực của phát triển, bao gồm: Đại đoàn kết toàn dân tộc; Nguồn nhân lực chất lượng cao; Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Hệ động lực này được tích lũy từ 35 năm Đổi mới, được quan tâm phát triển qua các kỳ Đại hội Đảng, trong đó thành tố “ Đổi mới sáng tạo” được đánh giá là động lực quan trọng nhất, là sự thể hiện cao nhất của thành tố “Khát vọng phát triển”

Bước vào giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, “Đổi mới sáng tạo” được nâng lên tầm mức mới, dựa trên sự cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ của Cách mạng Công nghiệp 4.0 vào lãnh đạo, quản lý, sản xuất, kinh doanh, tạo ra sự phát triển trên các lĩnh vực, các khu vực, các địa bàn...

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Nghị quyết nêu 4 quan điểm chỉ đạo, trong đó nhấn mạnh: “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư yêu cầu phải đổi mới tư duy về quản lý kinh tế, quản lý xã hội, xây dựng, hoàn thiện thể chế cho phù hợp. Cần có cách tiếp cận mở, sáng tạo, cho thí điểm những vấn đề thực tiễn mới đặt ra, tạo mọi thuận lợi cho đổi mới sáng tạo”.

Có thể nói, khát vọng đưa đất nước đi lên, chinh phục những đỉnh cao mới các giai đoạn 2025, 2030, 2045 đã mở đường cho “Đổi mới sáng tạo” trở thành hệ động lực quan trọng nhất của cả dân tộc trong phát triển.

 

Hương Giang