Đổi tên "căn cước công dân" thành "căn cước"

Đây là một trong những nội dung của dự thảo Luật Căn cước được Quốc hội thảo luận trong chương trình Kỳ họp thứ 6.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước. Bên cạnh đó, một số ý kiến đề nghị giữ nguyên tên Luật Căn cước công dân và tên thẻ căn cước công dân như luật hiện hành.

thẻ căn cước
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước

Về tên gọi của dự thảo Luật và tên gọi của thẻ căn cước, ông Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với đa số ý kiến tán thành tên gọi Luật Căn cước và tên thẻ căn cước.

Lý do là việc sử dụng tên gọi Luật Căn cước thể hiện rõ tính khoa học, sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch; phù hợp với bản chất và mục tiêu quản lý căn cước của Nhà nước ta; phù hợp với phương thức quản lý trong thời kỳ cách mạng 4.0, xây dựng Chính phủ số, xã hội số.

Đổi tên thẻ căn cước như trong dự thảo Luật cũng phù hợp với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào thẻ căn cước. Việc đổi tên thẻ căn cước sẽ không làm phát sinh thủ tục, chi phí đổi thẻ với người dân.

đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn
Đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn phát biểu ý kiến

Về việc đổi tên Luật Căn cước và tên thẻ căn cước, đại biểu Quốc hội Võ Mạnh Sơn (Thanh Hóa) nhận định là hoàn toàn phù hợp vì đối tượng áp dụng của luật không chỉ là công dân Việt Nam mà còn là người gốc Việt đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, người di cư tự do sống dọc biên giới Việt Nam với các nước láng giềng, cơ sở, tổ chức, cá nhân có liên quan, có thể là người nước ngoài không có quốc tịch Việt Nam đang sinh sống lâu dài ở Việt Nam. Việc đổi tên luật thành Luật Căn cước là tất yếu trong công tác quản lý dân cư hiện nay.

Ngọc Châm