Đồng hành cùng doanh nghiệp Việt xúc tiến thương mại

Nhằm hỗ trợ các đơn vị trong nước về một số vấn đề thực tế liên quan tới xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có buổi trao đổi và làm việc trực tiếp với các Tham tán Thương mại, lã
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; text-align: justify; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh trực tiếp điều hành Hội nghị và khẳng định, đây là nỗ lực của Bộ Công Thương trong việc tiếp cận và kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp. Trong không khí cởi mở và nhiệt tình, nhiều Tham tán Thương mại Việt Nam tại hơn 60 quốc gia trên thế giới đã có mặt để lắng nghe những sẻ chia, cũng như nguyện vọng của các đơn vị trong nước.

Đại diện một doanh nghiệp hoạt động trong ngành dệt may kéo sợi tại Thái Bình cho biết, nguyên liệu phục vụ sản xuất được nhập khẩu gần như 100%, tuy nhiên tại một số thị trường còn gặp nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp đều khá lo ngại về vấn đề gian lận thương mại khi chất lượng nguyên liệu nhập về có thể không đúng như cam kết, dù các phương án thanh toán đều đã rõ ràng và hoàn tất. Bên cạnh đó, giữa một “rừng” các nhà cung cấp ở những thị trường nước ngoài rộng lớn, doanh nghiệp cũng rất khó để xác định được đối tác uy tín và đảm bảo. Từ đó bày tỏ mong muốn các Tham tán Thương mại tiếp tục trở thành cầu nối, cung cấp thông tin về một số đối tác đáng tin cậy và có những biện pháp kịp thời để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt.

Đại diện doanh nghiệp dệt may tại Thái Bình thảo luận về khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu

Trước thực tế đó, ông Bùi Trung Thướng - Tham tán Thương mại tại Ấn Độ khẳng định Thương vụ đã, đang và sẽ giữ vững vai trò là đầu mối thông tin cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tham khảo trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương về các khuyến nghị, cảnh báo liên quan tới việc nhập khẩu hàng hoá, nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là ở các thị trường chủ yếu hoạt động qua hình thức trung gian. Về lĩnh vực kéo sợi, Tham tán cũng cho biết sẽ cung cấp cho doanh nghiệp thông tin về các vùng trồng bông tại Ấn Độ cùng với chất lượng bông ở từng vùng, đồng thời hỗ trợ liên hệ với Ủy ban Bông Ấn Độ để có thể lấy được danh sách những nhà cung cấp uy tín trên thị trường.

Tham tán Thương mại Bùi Trung Thướng giải đáp vướng mắc của doanh nghiệp

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh gợi ý rằng các doanh nghiệp có thể đầu tư thêm một chút chi phí để giảm thiểu rủi ro bằng cách làm việc với các công ty giám định, xác nhận chất lượng nguyên liệu từ đầu nguồn trước khi vận chuyển tới Việt Nam, giữ vững chất lượng sản phẩm.

Tại Hội nghị không chỉ có các doanh nghiệp, ngành hàng tới dự mà còn có sự tham gia của các bên đang cùng nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề liên quan tới hành lang pháp lý. Ông Ngô Văn Hiệp - luật sư đã có nhiều năm làm việc với các công ty ở Việt Nam về tranh chấp quốc tế trong xuất nhập khẩu hàng hoá cho rằng, vai trò của các Tham tán là vô cùng to lớn từ bước tìm hiểu thông tin về đối tác trước khi ký kết hợp đồng hay trong trường hợp xảy ra tranh chấp. Luật sư chia sẻ, gần đây cũng đã nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình từ Thương vụ ở Nhật Bản khi Tham tán đến tận địa điểm cụ thể tìm hiểu để giúp đỡ giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.

Luật sư Ngô Văn Hiệp cảm ơn sự hợp tác của các Tham tán Thương mại trong việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp thương mại

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, các Tham tán sẵn sàng hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và đơn vị tư vấn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nghiệp vụ của các Tham tán là kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động thương mại, và hệ thống nhân sự ở các Thương vụ cũng còn mỏng, những nghiệp vụ nằm ngoài chuyên môn như điều tra, thẩm định có thể không hiệu quả bởi nhiều yếu tố khách quan như thời gian, áp lực tiến độ và thời sự của công việc, chi phí,… nên mong các đơn vị có thể hiểu và phối hợp nhịp nhàng với các Tham tán. Đồng thời, Thứ trưởng gợi ý rằng với tư cách là đối tác tư vấn pháp luật, luật sư và cộng sự có thể chú trọng vào việc tư vấn cho doanh nghiệp một số biện pháp phòng ngừa rủi ro từ trước, tránh dẫn đến việc xảy ra vấn đề không mong muốn.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đưa ra những đóng góp thực tiễn giải quyết vấn đề

Đáng chú ý, Hội nghị cũng đã đề cập đến vấn đề được nhiều doanh nghiệp hiện nay rất quan tâm, đó là phát triển kênh B2C (Business-to-Consumer) song song với B2B (Business-to-Business). Ông Lê Quốc Khánh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cho biết, Rạng Đông là nhà sản xuất với số lượng sản phẩm xuất khẩu chiếm tới khoảng 50% tổng sản phẩm làm ra, đi tới nhiều quốc gia trên thế giới như Brazil, Trung Đông, Ai Cập, Hàn Quốc chủ yếu theo hình thức B2B. Với mong muốn mở rộng hơn nữa thị trường của hàng Việt nhưng nguồn lực vẫn hạn chế, doanh nghiệp hy vọng được hướng dẫn triển khai kênh bán hàng B2C trực tiếp tới người tiêu dùng. Có thể mở cửa hàng lớn bán sản phẩm hoặc thông qua hình thức hiện đại hoá là thương mại điện tử ở các thị trường trọng tâm như Argentina, Chile, Mexico,…

Những doanh nghiệp trăn trở với vấn đề đưa hàng Việt ra ngoài thị trường quốc tế

Trả lời ông Lê Quốc Khánh, Tham tán Thương mại tại Panama là ông Lưu Vạn Khang giới thiệu về mô hình kinh doanh Colón. Colón là Khu Thương mại Tự do thuộc Panama - một trong những thị trường trung chuyển lớn nhất thế giới với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi. Tại Colón có nhiều cách thức hợp tác khác nhau, ví dụ như các doanh nghiệp Panama ký kết hợp đồng trưng bày sản phẩm và nhận hàng mẫu hoặc cả hàng bán sang, đưa nhân viên bán hàng vào cửa hàng và triển khai cả bán lẻ với bán buôn. Với những đơn hàng buôn số lượng lớn, doanh nghiệp xuất khẩu có thể trực tiếp chuyển hàng sang nước cần mua mà không cần thông qua hệ thống ở Colón nữa. Doanh thu từ việc kinh doanh được trả cho các đơn vị cung cấp sau khi đã trừ chi phí như thoả thuận giữa hai bên. Đây là một trong những hình thức kinh doanh rất có lợi trong việc đẩy mạnh sự thâm nhập của hàng Việt vào thị trường quốc tế và phát triển mở rộng của doanh nghiệp.

Tham tán Thương mại Lưu Vạn Khang với mô hình Colón - Panama thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp

Cũng tại Hội nghị, Bộ Công Thương đã bố trí 4 khu vực làm việc để doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp xúc và trao đổi trực tiếp với các Tham tán Thương mại. Các doanh nghiệp đều cho thấy sự hứng khởi và hào hứng khi có cơ hội bày tỏ ý kiến cũng như được giải đáp các thắc mắc về quy trình và phương hướng hoạt động cụ thể. Có thể nói, đây là dấu hiệu tích cực cho một năm 2018 phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp Việt Nam và nền kinh tế chung của đất nước.

Tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá và danh bạ các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài
Các Tham tán Thương mại tư vấn cho từng doanh nghiệp về những thách thức trong hoạt động xúc tiến thương mại
Không khí làm việc tích cực và hiệu quả của Hội nghị
Thy Thảo