Dự án khu công nghiệp gần 4.000 tỷ đồng của Tổng Công ty Viglacera (VGC) đón tin vui

Dự án Khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2 tại tỉnh Thái Nguyên do Tổng Công ty Viglacera (mã cổ phiếu VGC) vừa chính thức được chấp thuận chủ trương đầu tư, tiến tới có thể sớm triển khai trong thời gian tới.
Tổng công ty Viglacera
Tổng công ty Viglacera hiện sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.000 ha.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 7/3/2024 chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp Sông Công II giai đoạn 2, tỉnh Thái Nguyên.

Dự án do Công ty Cổ phần Viglacera Thái Nguyên - đơn vị thành viên của Tổng Công ty Viglacera - CTCP (mã cổ phiếu VGC - sàn HoSE) làm chủ đầu tư. Tổng vốn đầu tư của dự án là 3.985 tỷ đồng, trong đó, vốn góp của nhà đầu tư là hơn 597 tỷ đồng, tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.

Dự án này được chia làm 2 phân khu, trong đó khu số 1 có quy mô 175,52 ha, khu số 2 có quy mô 120,72 ha.

Hiện Tổng công ty Viglacera sở hữu và vận hành 12 khu công nghiệp trên cả nước với tổng diện tích hơn 4.000 ha, trở thành một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất cả nước.

Vừa qua, doanh nghiệp này đã công bố việc phát triển dự án Khu công nghiệp Thuận Thành I (quy mô 262 ha) tại tỉnh Bắc Ninh theo hướng khu công nghiệp xanh và thông minh với tên thương mại Thuận Thành Eco-Smart IP, có tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Tổng công ty Viglacera cho biết, những nỗ lực thu hút vốn FDI tập trung vào phân khúc các nhà máy công nghệ cao, năng lượng sạch…. của công ty đã có những kết quả tích cực. Điển hình, giữa thán 10/2023, Nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Amkor Technology với tổng vốn đầu tư 1,6 tỷ USD đã chính thức đi vào vận hành tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (tỉnh Bắc Ninh) từ giữa tháng 10/2023, cùng với đó là loạt các nhà máy công nghệ cao khác tại các khu công nghiệp của Tổng công ty Viglacera.

Tính đến hết năm 2023, các khu công nghiệp của Tổng công ty Viglacera đã thu hút hơn 300 doanh nghiệp với tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lên tới 16 tỷ USD và đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh nhất khu vực.

Giá cổ phiếu VGC Tổng công ty Viglacera
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu VGC của Tổng Công ty Viglacera từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Xem thêm: "Tổng Công ty Viglacera (VGC): Lãi 2 tháng đầu năm vượt 128%, đẩy mạnh kênh xuất khẩu" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Xét về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Tổng Công ty Viglacera ghi nhận doanh thu thuần 13.194 tỷ đồng và lãi ròng 1.162 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và 30% so với mức nền cao kỷ lục của năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu do mảng vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong công tác tiêu thụ, giá bán giảm, sản lượng tiêu thụ giảm dẫn đến doanh thu giảm.

Hiện nhiều tổ chức tài chính nhận định kết quả kinh doanh của Tổng Công ty Viglacera sẽ phục hồi tích cực trong năm nay khi thị trường bật động sản hồi phục sẽ thúc đẩy kết quả kinh doanh mảng vật liệu xây dựng. Đồng thời, mảng khu công nghiệp sẽ hưởng lợi từ làn sóng FDI thứ 4 vào Việt Nam.

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc ngày 8/3, thị giá cổ phiếu VGC đạt 54.200 đồng/cổ phiếu.

Duy Quang