Du lịch miệt vườn: Sức hấp dẫn đang vơi đi?

ĐBSCL vốn có lợi thế về địa hình sông nước và những nét riêng đặc trưng của văn hóa Nam bộ, rất thích hợp để du lịch sinh thái phát triển, tuy nhiên việc khai thác tiềm năng này đang bộc lộ nhiều bất

Tại hội thảo Vườn cây ăn trái - gắn với phát triển du lịch miệt vườn, một trong những sự kiện quan trọng nằm trong Festival Trái cây Việt Nam lần thứ nhất đang diễn ra tại Tiền Giang, TS. Trần Văn Ngợi, Giám đốc Ban điều hành Dự án phát triển du lịch Mekong cho rằng, ở ĐBSCL có những vườn cây ăn trái, có những món ăn dân dã và có loại hình đờn ca tài tử… có thể làm mê lòng du khách trong nước cũng như quốc tế.

Kinh doanh kiểu “cây nhà, lá vườn”

Du lịch sinh thái, du lịch sông nước là một nét riêng của ĐBSCL. Tuy nhiên, theo TS.Ngợi, thế mạnh này đang mất dần sự quan tâm của các nhà kinh doanh du lịch do khâu tổ chức còn khá sơ sài, chưa được đầu tư để tạo dấu ấn trong bức tranh phát triển chung của ngành du lịch quốc gia.

Bên cạnh đó, các mô hình sinh thái trong vùng còn giống nhau, gây nhàm chán cho du khách. Các địa phương còn lúng túng, chưa tìm ra được bản sắc riêng cho mình, cũng như xác lập để đầu tư cho sản phẩm đặc trưng.

Nhiều công ty tổ chức tour du lịch sinh thái đến khu vực ĐBSCL đều có chung nhận định, đó là ngoài chợ nổi trên sông, vào vườn bẻ trái cây, hay tát nước bắt cá và nghe đờn ca tài tử thì các điểm tham quan không còn “chiêu” nào để níu chân khách.

Đây là một ví dụ cho thấy phần nào sự nghèo nàn về sản phẩm du lịch của vùng ĐBSCL, vốn được xem là giàu tiềm năng để phát triển du lịch. Vì thế, TS.Ngợi cho rằng, du khách đến TP.HCM không phải chi quá nhiều tiền và thời gian để đến các tỉnh thành xa xôi, mà chỉ cần “xẹt” xuống Tiền Giang hoặc một tỉnh lân cận, là đã có thể khám phá được sản phẩm du lịch của cả vùng ĐBSCL rộng lớn.

“Thực tế là cá địa phương đang giẫm chân lên nhau trong việc tạo ra sản phẩm du lịch. Có thể, nguyên nhân chính là ĐBSCL chưa có quy hoạch nên du lịch được phát triển na ná nhau. Đến nơi này cũng sông nước, sinh thái, đờn ca, nơi khác cũng vây”, ông Ngợi nhận định.

Ở một góc độ khác, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân, Hiệu trưởng Trường Du lịch Sài Gòn cho rằng, có thể nói rằng chính việc tổ chức chưa chuyên nghiệp, kinh doanh kiểu “cây nhà, lá vườn” đang là một thực trạng mà các điểm du lịch sinh thái ở khu vực này mắc phải. Bên cạnh đó, nguồn nhân lực không ổn định, thiếu chiều sâu, khiến chưa thể hút khách về với vùng sông nước này.

Thực tế, các doanh nghiệp làm du lịch ở ĐBSCL có quy mô vừa và mang tính chất gia đình nên họ không muốn đưa nhân viên đi đào tạo, bồi dưỡng vì sợ tốn kém, mất thời gian… Do vậy, ở phần lớn những cơ sở tham quan du lịch, đội ngũ chuyên nghiệp vẫn thiếu và yếu, hầu hết chỉ sử dụng lực lượng lao động phổ thông, chưa qua đào tạo.

Theo ý kiến của một doanh nghiệp du lịch tại TP.HCM, các công ty lữ hành rất cần sự hợp tác của du lịch địa phương trong việc cung cấp thông tin về sản phẩm, dịch vụ mới cũng như tổ chức dịch vụ ngay tại điểm đến. Với sự hợp tác này, các công ty địa phương cũng sẽ nắm bắt được nhu cầu thực tế của du khách để tạo nên những sản phẩm và dịch vụ du lịch phù hợp hơn.

Cần một đầu tàu

Với những lợi thế sẵn có, hiện nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL đang lên kế hoạch phát triển du lịch gắn với vườn cây ăn trái nhằm thu hút du khách về địa phương mình. Nhiều doanh nghiệp của từng địa phương cũng dốc sức cho những dự án du lịch miệt vườn, tuy nhiên vẫn làm theo kiểu “mạnh ai nấy làm”, không tạo được sự đặc trưng của từng địa phương.

Nếu các sản phẩm du lịch trong vùng đều na ná giống nhau, thì du khách chỉ cần đến một nơi là đủ. Điều này cần được các địa phương nhận ra và đầu tư để tạo ra nét riêng nhằm kéo du khách đến với mình. Tuy nhiên, trước tiên, du lịch ĐBSCL cần có một đầu tàu trong việc thu hút đầu tư vào du lịch cũng như tạo ra sự khác biệt giữa các địa phương.

Theo TS. Ngợi, đầu tư vào các vườn cây ăn trái phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng. Nếu đầu tư thiếu quy hoạch, thì không phát huy hiệu quả tổng thể của đầu tư, dẫn đến tình trạng manh mún, thiếu tập trung như hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Tiền Giang hoàn toàn có thể làm đầu tàu trong việc thu hút đầu tư vào du lịch, bởi có thể xem tỉnh này là cửa ngõ của ĐBSCL. Ngoài ra, Tiền Giang có nhiều lợi thế hơn để phát triển các loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái miệt vườn, khi cự ly với TP.HCM được rút ngắn đáng kể do đường cao tốc TP.HCM – Trung Lương đã hoàn thành.

Hàng năm, Tiền Giang đón gần 1 triệu khách du lịch, trong đó trên 50% là khách quốc tế. Số lượng đơn vị lữ hành cũng đông nhất so với các địa phương trong vùng. Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Thanh, Công ty Cổ phần Việt Phong Mekong, Tiền Giang có tiềm năng, cộng với những điều kiện về nguồn nhân lực và phương tiện vận chuyển tương đối đáp ứng nhu cầu, nếu đầu tư đúng hướng sẽ phát triển rất nhanh.

Theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2010, diện tích cây ăn trái cho thu hoạch tại ĐBSCL khoảng 300 ngàn ha, với sản lượng trái cây đạt chuẩn chất lượng 3 triệu tấn. Sản lượng trái cây ở vùng ĐBSCL chiếm hơn 70% sản lượng cả nước. Các loại cây đặc sản như xoài, nhãn, bưởi, sầu riêng.. tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp và Bến Tre.

Với những ưu thế trên, vị chuyên gia này đề xuất, ngành du lịch ĐBSCL nên cử ra một “đại diện”, có thể là Trung tâm Xúc tiến Du lịch Tiền Giang, hoặc thành lập một tổ chức mới (hỗn hợp các tỉnh trong vùng) để làm đầu mối xử lý việc thu hút đầu tư vào các vườn cây ăn trái trong vùng, từ đó có được sự quy hoạch tổng thể và phân bổ sản phẩm đồng đều ở từng địa phương.

Như vậy, du lịch ĐBSCL mới có thể hút khách từ tỉnh này qua tỉnh khác với những sản phẩm riêng biệt, đặc trưng, đồng thời giữ du khách lưu trú lâu hơn với những dịch vụ du lịch được đầu tư bài bản.

Ca Hảo

  • Tags: