Đưa ra 3 kịch bản kinh tế, VEPR lạc quan tăng trưởng cả năm 2020 đạt 4,2%

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã đưa ra 3 kịch bản về kinh tế Việt Nam trong năm 2020, dựa trên khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19 ở trong nước và trên cả thế giới.

Báo cáo Kinh tế vĩ mô Quý I/2020 vừa được VEPR công bố chiều ngày 13/4/2020, trong một cuộc tọa đàm trực tuyến.  

Trước đó, trong bối cảnh có nhiều biến động lớn liên tiếp, Tổng cục Thống kê cho biết, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng ở mức 3,82% trong Quý I, thấp nhất trong vòng 11 năm gần đây, đồng thời giá tiêu dùng có khuynh hướng tăng do giá thực phẩm và nhu yếu phẩm tăng.

Đánh giá về mức tăng trưởng này, PGS-TS Phạm Thế Anh, Chuyên gia kinh tế trưởng VEPR nhận định, đó là kết quả tích cực so với các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lây lan ở quy mô toàn cầu.

Tuy nhiên theo Chuyên gia của VEPR, mức tăng này chưa phản ánh hết tác động của dịch bệnh Covid-19 cũng như chưa tính đến các ảnh hưởng tác động với khu vực kinh tế phi chính thức.

tăng trưởng kinh tế
VEPR đưa ra 3 kịch bản kinh tế Việt Nam trong năm 2020, dựa trên khả năng kiểm soát đại dịch Covid-19 trong nước và thế giới, trong đó dự báo GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,2% theo kịch bản lạc quan nhất

Dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam trong 2020, VEPR đưa ra 3 kịch bản, được xây dựng dựa trên 3 kịch bản về khả năng kiểm soát bệnh dịch trong nước và trên thế giới.

Cụ thể, nếu diễn biến theo Kịch bản 1 (lạc quan), tức là bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường, đặt trong bối cảnh chung là thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa.

Theo đó, các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ, vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục bắt đầu vào cuối Quý II/2020.

Ngành chế biến chế tạo có thể có mức tăng trưởng âm, các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 2 - 3%).

Riêng khai khoáng được dự báo tăng trưởng âm trong cả năm.

Bị ảnh hưởng nặng nhất gồm vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 20 - 50%). Các ngành như: y tế, truyền thông hay tài chính, bảo hiểm, ngân hàng sẽ là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.

VEPR dự báo, bắt đầu từ Quý III/2020 cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng những năm gần đây.

Dự báo tăng trưởng các Quý theo Kịch bản 1, đó là Quý I đạt 3,8%; Quý II là - 3,3%; Quý III đạt 7,2%; Quý IV đạt 7,4% và cả năm đạt 4,2%.

Kịch bản 2 (trung tính): Trong bối cảnh thế giới tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch, do đó, xác hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối Quý III/2020.

Với kịch bản này, VEPR cho rằng, trong Quý II và Quý III, ngành chế biến chế tạo sẽ kéo dài mức tăng trưởng âm. Các ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản có thể có mức tăng trưởng âm (giảm 1,5 - 4%); Ngành vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 25 - 70%).

Riêng y tế, truyền thông hay tài chính, bảo hiểm, ngân hàng là những ngành duy trì tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống bệnh dịch.

Theo VEPR, bắt đầu từ Quý IV cho tới hết năm, tăng trưởng của các ngành có thể quay trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây.

Dự báo tăng trưởng các Quý theo kịch bản 2, đó là Quý I là 3,8%; Quý II là - 4,9%; Quý III là -1,1%; Quý IV đạt 7,0% và cả năm đạt 1,5%.

Kịch bản 3 (bi quan): Nếu bối cảnh giống kịch bản 2, thì các hoạt động kinh tế trên thế giới chỉ dần trở lại bình thường bắt đầu vào cuối Quý IV/2020.

Trong Quý II và Quý III, ngành chế biến chế tạo, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục tăng trưởng âm.

Vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí (mức giảm từ 25 - 70%), y tế, truyền thông hay tài chính, bảo hiểm, ngân hàng vẫn là những ngành duy trì tăng trưởng khá.

“Nền kinh tế chỉ có thể trở lại mức tăng trưởng của những năm gần đây một khi thế giới khống chế được bệnh dịch”, VEPR dự báo.

Dự báo tăng trưởng các Quý theo kịch bản 3, đó là Quý I 3,8%; Quý II  5,1%; Quý III -5,3%; Quý IV là 2,8% và cả năm -1%.

Theo PGS.TS. Phạm Thế Anh, phương pháp tính toán của VEPR dựa vào bảng tỷ trọng và mức tăng trưởng của những năm trước đây của từng ngành cấp 1 trong 3 khu vực Nông - lâm - thủy sản, khu vực Công nghiệp và xây dựng, và khu vực Dịch vụ để xem xét mức sụt giảm, triển vọng của từng ngành. Sau đó dựa trên tỷ trọng từng ngành để cho ra con số tăng trưởng của quý, từ đó tính toán ra số liệu tăng trưởng của năm.

Cùng với đó, Chuyên gia của VEPR cũng cho rằng, trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid-19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài cho tới khi thế giới hoàn toàn kiểm soát được bệnh dịch.

 

Hạ An