Đức - Pháp - Anh không sử dụng đồng USD trong trao đổi thương mại với Iran

Đức, Pháp và Anh vừa chính thức thành lập một hệ thống thanh toán nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh của châu Âu với Iran bất chấp những đe dọa trừng phạt trước đó từ Mỹ.

Theo Đài Phát thanh và truyền hình NDR của Đức, Phương tiện Phục vụ mục đích đặc biệt (SPV) này của châu Âu sẽ được đặt tên là INSTEX, một công cụ hỗ trợ hoạt động trao đổi thương mại.

Ý tưởng thành lập SPV do Đức, Pháp và Anh - 3 nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, đưa ra nhằm bảo vệ các doanh nghiệp cộng tác với Iran cũng như  cũng như duy trì trao đổi thương mại giữa hai bên.

Cơ chế này sẽ được sử dụng trong các giao dịch nhỏ với Iran liên quan tới lương thực, thuốc men và nhân đạo, không sử dụng trong các giao dịch liên quan tới dầu mỏ - lĩnh vực của Iran vốn chịu nhiều thiệt hại do các biện pháp trừng phạt của Mỹ gây ra.

Mặc dù, cơ chế này không thể giúp khôi phục thương mại với Iran, song một nhà ngoại giao châu Âu nhận định đây là một thông điệp chính trị quan trọng tới Iran rằng châu Âu quyết tâm cứu thỏa thuận hạt nhân với Iran (có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện - JCPOA) và tới Mỹ rằng châu Âu bảo vệ lợi ích của mình bất chấp việc Mỹ áp đặt trừng phạt Iran.

Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đầu tháng này đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên đối với Iran kể từ năm 2015, năm ký thỏa thuận hạt nhân giữa Teheran và các cường quốc thế giới, nhằm đáp trả việc Iran tiến hành các vụ thử tên lửa đạn đạo và "lên kế hoạch thực hiện các vụ ám sát trên lãnh thổ châu Âu", điều mà chính quyền Tehran đã nhiều lần bác bỏ.

Các nước thành viên châu Âu cũng đang hoàn tất một tuyên bố chung về Iran nhằm bày tỏ lo ngại về các chính sách của Tehran trong khu vực cũng như chương trình tên lửa đạn đạo của nước này. Mặc dù vậy, các nước thành viên EU vẫn bày tỏ mong muốn duy trì JCPOA với Iran. 

Hiện 5 nước thành viên EU có trao đổi thương mại lớn nhất với Iran bao gồm Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp, Hy Lạp. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Iran sang thị trường EU bao gồm nhiên liệu hóa thạch, dầu mỏ, khoáng sản và sắt thép, trái cây… Trong khi đó, các mặt hàng Iran nhập khẩu chính từ EU gồm lò phản ứng hạt nhân, nồi hơi, máy móc, thiết bị cơ khí và các bộ phận, máy móc và thiết bị điện.

T.H