ECB có thể đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ kinh tế khu vực Châu Âu

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được dự báo sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế cho khu vực các quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro (Eurozone) khi ECB nhóm họp phiên cuối cùng của năm 2020 vào ngày 10/12 tới đây.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cam kết sẽ tung ra thêm các biện pháp kích thích kinh tế trong bối cảnh nhiều quốc gia Châu Âu tiếp tục vật lộn với làn sóng lây nhiễm đại dịch Covid-19 lần hai (Ảnh: Metropol TV)

Thị trường kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) sẽ có các biện pháp hỗ trợ kinh tế phù hợp trong bối cảnh khu vực Eurozone đang vật lộn đối phó làn sóng lây nhiễm đại dịch Covid-19 lần hai. Giới quan sát nhận định ECB có thể bổ sung thêm khoảng 500 tỷ EUR (tương đương 600 tỷ USD) cho chương trình mua trái phiếu khẩn cấp (PEPP) vốn trị giá 1.350 tỷ EUR và gia hạn chương trình này cho đến tháng 6/2021.

Chương trình PEPP nhằm giúp hạ mức lãi suất cho vay xuống thấp, giúp khơi thông dòng vốn tín dụng, khuyến khích các hoạt động chi tiêu, đầu tư, qua đó thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế. ECB được dự báo có thể cung cấp nhiều khoản vay dài hạn lãi suất thấp hơn cho các ngân hàng để các ngân hàng có nguồn vốn giá rẻ thực hiện hoạt động cho vay lại.

Dự kiến ECB sẽ tiếp tục giữ lãi suất ở mức thấp kỷ lục. Hồi tháng 10 vừa qua, Chủ tịch ECB bà Christine Lagarde hồi tháng 10 đã hứa hẹn sẽ gia tăng thêm các biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế thông qua việc điều chỉnh các công cụ chính sách trong cuộc họp cuối tháng 12/2020. Dự kiến trong phiên họp này, ECB sẽ công bố các dự báo kinh tế mới đối với khu vực Eurozone và khả năng các dự báo này sẽ điều chỉnh giảm triển vọng trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 tại khu vực này ở mức cao, buộc nhiều nơi phải tái áp dụng các biện pháp phong toả chặt chẽ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Các vấn đề về EU của Pháp Clement Beaune cảnh báo EU sẽ loại Ba Lan và Hungary ra khỏi kế hoạch phục hồi kinh tế nếu hai quốc gia này tiếp tục chống lại các nỗ lực giải ngân tiền từ ngân sách của EU.Kế hoạch ngân sách và gói phục hồi kinh tế của EU có tổng trị giá khoảng 1.800 tỷ Euro, vốn được các nhà lãnh đạo EU thống nhất hồi tháng 7 vừa qua, hiện đang rơi vào thế bế tắc sau khi Ba Lan và Hungary phản đối điều kiện gắn kèm dự luật ngân sách dài hạn của toàn liên minh với một cơ chế yêu cầu các quốc gia thành viên tuân thủ nguyên tắc pháp quyền EU. Ba Lan và Hungary cũng từ chối thông qua kế hoạch ngân sách nói trên.

Theo quy định của EU, các kế hoạch này sẽ không thể triển khai nếu không nhận được sự đồng thuận của tất cả các nước thành viên và Nghị viện châu Âu, đồng nghĩa gói phục hồi kinh tế của EU vẫn chưa được triển khai trong bối cảnh hàng trăm doanh nghiệp và hàng triệu lao động thất nghiệp ở Châu Âu đang đối mặt nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra.

[Quảng cáo]

Quang Đặng (Tham khảo Reuters)