Gạo Việt Nam gặp bất lợi về thị trường xuất khẩu

5 tháng đầu năm, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu.

Trước tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2019 gặp nhiều bất lợi về thị trường, sáng 24/6/2019, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 và bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu các tháng cuối năm.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tình hình xuất khẩu gạo những tháng đầu năm gặp nhiều diễn biến bất lợi về thị trường. Ngoài thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong nửa đầu năm và dự báo sẽ là cả năm 2019.

xuất khẩu gạo
Ngoài thị trường Philippines, các thị trường nhập khẩu gạo lớn, truyền thống của Việt Nam như Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh đều đồng loạt giảm nhập khẩu trong những tháng cuối năm

Nguyên nhân là tồn kho gạo từ vụ cũ ghi nhận ở mức cao tại Trung Quốc, năm bầu cử ở Indonesia. Trong khi đó, Bangladesh không những khôi phục sản xuất sau lũ lụt vào 2017, mà còn lên kế hoạch xuất khẩu gạo trong năm nay.

Sự sụt giảm nhập khẩu cùng lúc từ 3 thị trường này đã làm cho kết quả xuất khẩu gạo của 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới là Ấn Độ, Thái-lan và Việt Nam đều khá ảm đạm.

Đối với Việt Nam, 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu gạo sang ba thị trường trên đạt 1,44 triệu tấn thì 5 tháng đầu năm nay chỉ được 239 nghìn tấn.

Tại Thái Lan, tổng xuất khẩu sang ba thị trường trong 5 tháng đầu năm trên cũng giảm 71,6% so với cùng kì năm trước, làm cho tổng lượng xuất khẩu gạo của Thái Lan trong 4 tháng năm 2019 giảm tới 16% so với cùng kì.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng cho thấy, 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 2,76 triệu tấn, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm 2018, trị giá đạt khoảng 1,18 tỷ USD, giảm 20,4%.

Việc xuất khẩu gạo sụt giảm cũng khiến giá gạo xuất khẩu bị ảnh hưởng. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu trung bình 5 tháng đầu năm khoảng 427,5 USD/tấn, giảm khoảng 76,8 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2018.

5 tháng đầu năm, Philippines trở thành thị trường xuất khẩu chính với 38,6% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam, đạt 1,06 triệu tấn với giá trị 423,3 triệu USD.

Xuất khẩu gạo sang Philippines đã tăng gần 3 lần về lượng và 2,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

xuất khẩu gạo
Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 3 chính sách lớn để thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo

Có nhiều nguyên nhân khiến tình trạng xuất khẩu gạo của Việt Nam và các nước khác như Thái Lan, Ấn Độ suy giảm. Nguyên nhân chính là những năm gần đây, nhiều nước tiêu dùng, nhập khẩu gạo đã có những sự thay đổi sâu sắc về chính sách đối với mặt hàng lúa gạo.

Nhiều quốc gia đã thực hiện thuế hóa mặt hàng gạo; thay đổi phương thức nhập khẩu gạo cho phép nhiều nguồn cung tham gia các đợt thầu G2P để có nguồn cung gạo với giá cạnh tranh và chất lượng cao hơn...

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu cũng nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất trong nước hướng đến tự chủ về lương thực. Các nước sản xuất tập trung tận dụng lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai, khí hậu, điều kiện canh tác để sản xuất gạo có chất lượng và có thương hiệu...

Đặc biệt, một số quốc gia trên thế giới như Myanmar, Campuchia, Pakistan đều nỗ lực gia tăng sản lượng gạo xuất khẩu. Trung Quốc không chỉ là nước nhập khẩu gạo lớn nhất mà cũng trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo lớn của thế giới.

Trước xu thế toàn cầu trên, Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực triển khai các biện pháp, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mặt hàng gạo Việt Nam, mở rộng thị trường xuất khẩu, góp phần tiêu thụ hết lúa gạo cho người nông dân.

Để đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong thời gian tới, Chính phủ và các Bộ, ngành đã ban hành 3 chính sách lớn để thúc đẩy xuất khẩu, tiêu thụ lúa gạo, như: Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Cũng trong Hội nghị, các đại biểu tại cho rằng, trong tình hình mới, xuất khẩu gạo cần được tiếp tục đẩy mạnh theo hướng đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, hướng đến thị trường yêu cầu sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng cao.

Qua đó, góp phần xây dựng cơ sở cho công tác tổ chức sản xuất trong nước với cơ cấu, yêu cầu chất lượng sản phẩm phù hợp nhu cầu thị trường.

Về phía Bộ Công Thương, Bộ và các cơ quan chức năng liên quan sẽ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm và khai thác các thị trường truyền thống, các thị trường tiềm năng gắn với xây dựng thương hiệu. Trong đó, tập trung xác định các thị trường mục tiêu, chủng loại mục tiêu và cách thức phối hợp, đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại.

Hạ An