Giá dầu thô 22/8: Chịu áp lực giảm trở lại do lo ngại tình trạng mất điện diện rộng tại Trung Quốc

Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 22/8, giá dầu thô thế giới chịu áp lực giảm trở lại trước lo ngại tình trạng cắt điện diện rộng tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu sử dụng nhiên liệu của nước này. Bên cạnh đó, thị trường cũng lo ngại về việc FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất thời gian tới.
Giá dầu thô thế giới hôm nay
 Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày qua (Nguồn: Oil Price)

Vào lúc 9h30 sáng nay ngày 22/8 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 9/2022 giảm mạnh 1,10% xuống mức 95,69 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 9/2022 cũng giảm 1,08% xuống còn 89,69 USD/thùng.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô Brent và WTI đã tăng phiên thứ ba liên tiếp nhưng tính chung cả tuần, giá dầu thô thế giới đã giảm khoảng 1,5% trước lo ngại suy thoái tại nhiều nền kinh tế lớn sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu giảm xuống, và đồng USD mạnh lên.    

Giá dầu thô tiếp tục chịu áp lực giảm trong phiên giao dịch sáng nay khi thị trường lo ngại tình trạng cắt điện diện rộng tại một số khu vực của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động kinh tế của nước này, kéo theo đó là sự suy giảm về nhu cầu sử dụng dầu thô. Trung Quốc hiện là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

Tỉnh Tứ Xuyên, một trong những tỉnh lớn nhất của Trung Quốc với 84 triệu dân, đã yêu cầu đóng cửa toàn bộ các nhà máy trong vòng 6 ngày để tiết kiệm năng lượng, ưu tiên điện cho nhu cầu của khu dân cư. Yêu cầu này áp dụng với nhà máy của các doanh nghiệp hàng đầu thế giới như Foxconn và Intel.

Việc dừng hoạt động các nhà máy tại tỉnh Tứ Xuyên, trung tâm sản xuất chất bán dẫn và pin mặt trời của Trung Quốc, sẽ gây tác động mạnh đến chuỗi cung ứng của hàng loạt doanh nghiệp điện tử lớn trên toàn cầu. 

Tứ Xuyên và nhiều khu vực khác tại Trung Quốc đang trải qua đợt nắng nóng nghiêm trọng nhất trong vòng 60 năm trở lại đây, khiến nhiều nhà máy thuỷ điện gặp khó khăn trong việc đảm bảo nguồn phát điện.

Ông Hiroyuki Kikukawa, giám đốc bộ phận nghiên cứu tại công ty chứng khoán Nissan Securities (Nhật Bản), cho biết thị trường cũng lo ngại khả năng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tiếp tục tăng mạnh lãi suất trong thời gian tới, điều này sẽ khiến tăng tưởng kinh tế của Hoa Kỳ giảm tốc và kéo theo đó là suy giảm triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu.

Biên bản phiên họp chính sách của FED vào ngày 17/8 vừa được công bố cho thấy khả năng FED sẽ không xem xét đến việc hạ lãi suất cho đến khi lạm phát tại Hoa Kỳ “giảm đáng kể”. Biên bản này cũng cho thấy các quan chức FED không đưa ra lộ trình cụ thể cho các mức tăng lãi suất trong tương lai nhưng nhấn mạnh rằng họ sẽ theo dõi dữ liệu chặt chẽ trước khi đưa ra quyết định với quyết tâm đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%.

Giá dầu thô cũng chịu áp lực giảm khi đồng USD tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tuần trở lại đây đối với các đồng tiền chủ chốt khác. Điều này khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối  với các nhà đầu tư nắm giữ loại tiền tệ khác.

Thị trường hiện tập trung theo dõi các động thái của FED khi Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ có bài phát biểu khai mạc tại hội nghị ngân hàng trung ương toàn cầu tại Jackson Hole (Hoa Kỳ) vào cuối tuần này.

Bên cạnh đó, Nhà Trắng cho biết lãnh đạo Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Đức đã thảo luận về các nỗ lực “hồi sinh” thoả thuận hạt nhận năm 2015 với Iran. Tuy nhiên, thông tin chi tiết về phiên họp này không được công bố.

Trong tuần trước, Iran đã phản hồi tới Liên minh châu Âu (EU) về văn bản “cuối cùng” tại các cuộc đàm phán. Ngoại trưởng Iran đã kêu gọi Hoa Kỳ cần phải linh hoạt tháo gỡ các vấn đề còn tồn tại giữa Iran và các quốc gia có liên quan trong thoả thuận hạt nhân.

Tường Vy