Giá dầu thô giảm tuần thứ tư liên tiếp, Hoa Kỳ bế tắc trong khủng hoảng trần nợ công, Trung Quốc đối mặt nguy cơ giảm phát

Tính chung cả tuần này, giá dầu thô giảm 1,5%, xác lập tuần giảm giá thứ tư liên tiếp trong bối cảnh rủi ro suy thoái tại Hoa Kỳ tăng lên vì cuộc khủng hoảng trần nợ công và Trung Quốc đối mặt nguy cơ giảm phát.
Diễn biến giá dầu thô thế giới
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giảm hơn 1% còn 74,17 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm gần 1,2% xuống mức 70,04 USD/thùng. Tính chung cả tuần này giá dầu thô Brent và WTI đã giảm 1,5%, xác lập tuần giảm giá thứ tư liên tiếp.

Giá dầu thô chịu áp lực giảm trong bối cảnh giới đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại về nguy cơ Hoa Kỳ sẽ rơi vào suy thoái khi Chính phủ Hoa Kỳ vẫn bế tắc trong đàm phán trần nợ công, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tiếp tục giữ quan điểm siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát, và hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ có thể tiếp tục chứng kiến thêm nhiều ngân hàng khu vực (regional bank) phá sản.

Trong đó, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đảng Dân chủ đề xuất nâng mức trần nợ mà không đi kèm điều kiện nào, nhưng phía đảng Cộng hòa đề nghị các khoản chi tiêu công phải được cắt giảm thì mới đồng thuận nâng mức trần nợ. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thông báo Hoa Kỳ có nguy cơ vỡ nợ từ ngày 1/6 tới đây nếu trần nợ công của nước này không được nâng lên.

Nếu các bên không đạt được giải pháp cho cuộc khủng hoảng trần nợ lần này, thị trường chứng khoán Hoa Kỳ sẽ đối mặt nhiều thách thức, nhiều bộ phận của Chính phủ Hoa Kỳ sẽ phải ngừng hoạt động, và nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ phải hứng chịu những tổn thất lâu dài.

Hồi tháng 3, hãng nghiên cứu Moody's Analytics đã cảnh báo rằng một vụ vỡ nợ kéo dài có thể khiến hơn 7 triệu người tại Hoa Kỳ thất nghiệp, và khiến quá trình suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn. Chuyên gia kinh tế trưởng Mark Zandi tại Moody’s Analytics lo ngại: "Chúng ta cần chấm dứt tình trạng bế tắc chính trị này càng sớm càng tốt. Nếu không, nền kinh tế  Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái".

Bên cạnh đó, một số chuyên gia nhận định FED có thể tiếp tục giữ quan điểm cứng rắn về vấn đề lạm phát và sẽ chưa có đợt giảm lãi suất nào trong tương lai gần. Dữ liệu mới nhất cho thấy chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 của Hoa Kỳ đã tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022. Con số này tuy thấp hơn mức dự báo tăng 5% của giới chuyên gia, cũng như là mức tăng thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn gấp đôi so với mức mục tiêu 2% của FED. Đồng thời, tốc độ giảm của CPI tại Hoa Kỳ đang có dấu hiệu chậm lại trong khi đó thị trường lao động tại đây vẫn ở mức tích cực, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục. Điều này khiến rủi ro lạm phát kéo dài dai dẳng tăng lên, buộc FED khó có thể sớm nới lỏng chính sách tiền tệ.

Thống đốc FED Michelle Bowman cũng vừa nhấn mạnh giá cả hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và FED có thể sẽ cần tiếp tục tăng lãi suất lên cao hơn nữa nếu lạm phát không giảm rõ rệt trong những tuần tới.

Ngoài ra, giá  dầu thô còn chịu tác động tiêu cực từ việc chỉ số lạm phát tháng 4 tại Trung Quốc tăng ở mức thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây. Lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới không có cải thiện bất chấp việc Ngân hàng Trung ương nước này đã hạ lãi suất và bơm thêm tiền vào hệ thống tài chính.

Giới phân tích cho rằng lo lắng về triển vọng kinh tế khiến các hộ gia đình Trung Quốc tiếp tục tiết kiệm tiền thay vì chi tiêu. Các công ty cũng ngần ngại đầu tư mới. Việc này có thể gây ra vòng xoáy giảm giá – giảm lương khiến nền kinh tế khó hồi phục hoàn toàn. Điều này tác động tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô của Trung Quốc trong thời gian tới.

Tường Vy