Giá dầu thô tăng quá cao gây ảnh hưởng tiêu cực đến các quốc gia

Các chuyên gia quan sát thị trường dầu thô đã đưa ra cảnh báo đà tăng giá mạnh của dầu thô trong thời gian gần đây sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các khách hàng sử dụng dầu thô.

Đà tăng giá của dầu thô hiện nay có nhiều nét tương đồng với lần tăng giá mạnh trong giai đoạn năm 2007 – 2008 và giai đoạn năm 2010 – 2012. Đặc biệt, các nét tương đồng này càng được thể hiện rõ nếu như giá dầu thô được tính bằng đồng EUR hay đồng Yên Nhật để loại bỏ tác động của việc đồng USD tăng mạnh trong thời gian này.

Theo đó, giá dầu thô Brent đã tăng lên gần 75 EUR/thùng, mức tương tự đã đạt được hồi tháng 5/2008, và nếu tiếp tục đà tăng như hiện nay thì giá dầu thô Brent có thể đạt tới mốc đỉnh 93 EUR/thùng tương tự như hồi tháng 7/2008. Giá dầu thô quy đổi theo đồng Yên Nhật hiện cũng ở mức tương đương giá hồi tháng 10/2007 và đang hướng tới mức đỉnh 15.300 Yên/thùng được xác lập trong tháng 7/2008. Giá dầu thô quy đổi theo đồng Rupee Ấn Độ hiện cũng ngang với mức giá cao nhất hồi năm 2008 và có thể tiếp tục tăng lên mức cao kỷ lục của năm 2013.

Các nhà phân tích nhấn mạnh việc đồng USD lên giá so với các đồng tiền chính khác đang che mờ đi việc giá dầu thô đang cao như thế nào tại các nước tiêu thụ dầu chính ngoài Hoa Kỳ. Trong quá khứ, nhiều lần giá dầu thô tăng quá cao đã làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số quốc gia lớn, thậm chí toàn cầu và kéo theo đó khiến nhu cầu sử dụng dầu thô giảm xuống.

Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (EIA) nhận định việc giá năng lượng tăng cao trở lại tại thời điểm không được tốt đối với nền kinh tế toàn cầu; đồng thời nhấn mạnh đây là thời điểm chủ chốt để tất cả các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà sản xuất và nhà xuất khẩu dầu thô xem xét lại trạng thái thị trường và thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định thị trường. Trong khi đó những nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn vẫn đang tranh cãi nguyên nhân khiến giá dầu thô tăng. Trong đó, Hoa Kỳ đổ lỗi cho Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga, Ả-rập Xê-út thì đổ lỗi cho hành vi đầu cơ của các nhà đầu tư.

Theo các chuyên gia, trên thực tế, toàn bộ các yếu tô gồm ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ áp đặt lên Iran, việc OPEC và một số quốc gia khai thác dầu lớn kiềm chế sản lượng khai thác và việc đầu cơ của các quỹ phòng hộ đã khiến giá dầu thô tăng vọt. Trong đó, việc Hoa Kỳ áp đặt các lệnh cấm vận, gồm cấm xuất khẩu dầu lên Iran đã khiến cả thị trường lo ngại về nguồn cung dầu thô trong tương lai gần và đặt ra câu hỏi liệu OPEC có đủ gia tăng sản lượng để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung từ Iran hay không.

OPEC và một số quốc gia sản xuất dầu lớn đã thành công trong việc ép mức dự trữ dầu thô toàn cầu giảm xuống dưới mức trung bình 5 năm. Các yếu tố như nhu cầu sử dụng dầu thô trên thị trường đã tăng nhanh hơn nhiều so với hầu hết dự đoán của các nhà phân tích đưa ra vào hồi đầu năm nay và một số nguồn cung dầu thô nằm ngoài tổ chức OPEC không có mức tăng đạt kỳ vọng đã góp phần đẩy thị trường vào tình trạng căng thẳng.

Các nhà phân tích cũng cho biết sự mất cân bằng cung – cầu và tình trạng căng thẳng thị trường là dấu hiệu quan trọng đối với sự đảo xu hướng giá trong tương lai nhưng lại không chỉ ra được hiện tượng đảo giá này sẽ diễn ra nhanh thế nào và mức giá sẽ có thể tăng đến bao nhiêu.

Các dữ liệu lịch sử cho thấy trong giai đoạn năm 2007 và 2008, giá dầu tiếp tục xu hướng tăng trong vài tháng, thậm chí ngay cả khi các nhà phân tích đã cảnh báo đà tăng giá của dầu thô không bền vững. Giá dầu có xu hướng tăng quá đà (vào các năm 2008 và 2011) giống như chúng đã thực hiện theo chiều giảm (vào các năm 1998, 2009 và 2016).

 

Duy Quang