Giá dầu thô vượt mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây

Giá dầu thô hiện chạm mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây, tiệm cận mức 118 USD/thùng trong bối cảnh căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu có thể trở nên nghiêm trọng hơn và nhu cầu sử dụng dầu thô đang bước vào mùa cao điểm.
giá dầu thô
 Diễn biến giá dầu thô Brent và dầu thô WTI trong vòng 1 tháng trở lại đây (Đồ hoạ: Oil Price)

Chốt phiên giao dịch ngày 26/5, giá dầu thô xác lập phiên tăng giá thứ 6 liên tiếp, chạm mức cao nhất trong 2 tháng trở lại đây. Cụ thể, giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 bật tăng mạnh 3% lên 117,40 USD/thùng; giá dầu thô WTI giao tháng 6/2022 cũng tăng tới 3,4% lên 114,09 USD/thùng. Trong phiên giao dịch sáng nay (ngày 27/5, theo giờ Việt Nam), giá dầu thô thế giới tiếp tục tăng; trong đó, giá dầu thô Brent tiệm cận mức 118 USD/thùng.

Đà tăng của giá dầu thô hiện đang được hỗ trợ nhờ tình trạng căng thẳng nguồn cung trên toàn cầu trong khi đó nhiều nền kinh tế chuẩn bị bước vào mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu. Dữ liệu mới nhất cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã sụt giảm mạnh 1 triệu thùng khi các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này đạt công suất hoạt động cao nhất kể từ hồi tháng 12/2019.

Các nhà máy lọc hoá dầu đang tăng cường hoạt động nhằm chuẩn bị cho mùa Hè – mùa cao điểm di chuyển tại Hoa Kỳ với nhu cầu sử dụng nhiên liệu đạt mức cao nhất trong năm. Đồng thời, hoạt động xuất khẩu sản phẩm lọc hoá dầu của Hoa Kỳ cũng đã tăng đáng kể trong tuần trước.

Tại châu Âu, Liên minh châu Âu đang nỗ lực thuyết phục Hungary đồng thuận với kế hoạch ngưng nhập khẩu toàn bộ dầu thô từ Nga. Trước đó, Hungary đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này và yêu cầu EU phải hỗ trợ khoản tài chính lên tới 800 triệu USD để nước này đảm bảo an ninh năng lượng khi từ bỏ hoàn toàn nguồn cung dầu thô từ Nga.

Trong ngày 25/5, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) ông Charles Michel cho biết ông tự tin về việc EU sẽ đạt được sự đồng thuận về việc ngưng nhập khẩu dầu từ Nga trước khi phiên họp đặc biệt của EC diễn ra vào ngày 30 và 31/5 tới đây. Nếu kế hoạch này thành hiện thực thì giá dầu thô trên thế giới có thể sẽ tăng cao hơn nữa do nhu cầu của EU đối với các nguồn dầu thô ngoài Nga tăng vọt.

Giới quan sát cho biết ngay cả khi EU chưa có quyết định chính thức về việc cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga thì các giao dịch chính thức đối với dầu thô Nga trên thị trường quốc tế đã giảm đi do lo ngại các biện pháp trừng phạt mới của phương Tây.

Trong khi đó, giới quan sát nhận định nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sẽ phục hồi đáng kể khi quốc gia này nới lỏng các biện pháp phong toả kiểm soát dịch Covid-19.

Về phía nguồn cung, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết sản lượng khai thác dầu thô của Nga trong năm nay sẽ chỉ đạt từ 480 – 500 triệu tấn, thấp hơn đáng kể so với mức 524 triệu tấn trong năm 2021.

Liên minh OPEC+, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) do Saudi Arabia lãnh đạo và các nước khai thác dầu thô đồng minh do Nga đứng đầu, sẽ nhóm họp vào ngày 2/6 tới đây để quyết định mức sản lượng khai thác hàng tháng. Dự kiến liên minh OPEC+ sẽ tiếp tục duy trì kế hoạch sản xuất như đã đề ra trước đây với mức tăng sản lượng khai thác trong tháng 7/2022 thêm 432.000 thùng/ngày.

Phát biểu bên lề tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos (Thuỵ Sĩ), ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành tập đoàn Saudi Aramco, cảnh báo công suất khai thác dầu dự phòng trên toàn cầu chỉ còn dưới 2%. Sự sụt giảm công suất khai thác dầu dự phòng cho thấy thị trường dầu mỏ toàn cầu không còn bộ đỡ “đủ dày” để chống đỡ các rủi ro về nguồn cung.

Đồng thời, ông Amin Nasser cũng cho biết Saudi Aramco không thể tăng công suất khai thác nhanh hơn so với mức đã cam kết. Saudi Aramco là tập đoàn khai thác dầu thô lớn nhất thế giới và thuộc sự chi phối của Chính phủ Saudi Arabia.

Duy Quang