Giá gạo xuất khẩu cao nhất trong 9 năm qua

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn.

8 tháng năm 2020, trong khi nhiều nông sản chịu cảnh xuất khẩu sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh thì mặt hàng gạo lại lội ngược dòng, mang về 2,2 tỷ USD với gần 4,5 triệu tấn, tăng 10,4% về trị giá và giảm 1,7% về lượng so với cùng kỳ 2019.

Cụ thể, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn.

Trong tháng 8/2020, gạo đồ 5% tấm Ấn Độ tăng từ 380-385 USD/tấn lên 383-389 USD/tấn. Gạo tiêu chuẩn 5% tấm Thái Lan tăng từ 463-485 USD/tấn lên mức 480-500 USD/tấn, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2020.

Gạo 5% tấm Việt Nam tăng từ 470 USD/tấn lên 480-490 USD/tấn, mức cao nhất kể từ cuối năm 2011.

Về thị trường, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm với 35,3% thị phần. Trị giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 1,5 triệu tấn và 688,3 triệu USD, tăng 2,7% về khối lượng và tăng 17,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Các thị trường có trị giá xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất gồm Senegal (gấp 19,8 lần), Indonesia (gấp 3,1 lần) và Trung Quốc (tăng 84%). Trong khi thị trường có trị giá xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Iraq (giảm 61,2%).

Về chủng loại, xuất khẩu gạo trắng chiếm 45,2% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 36,6%; gạo nếp chiếm 13,7%; gạo Japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,5%.

Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam cho biết, sở dĩ gạo trong nước đang được các nhà nhập khẩu thu mua với giá cao do chất lượng gạo Việt Nam đã được cải thiện.

Với những thuận lợi về thị trường, đặc biệt là nhu cầu gạo thế giới tăng cao từ đợt dịch Covid-19, các doanh nghiệp thương mại gạo nước ta đang có cơ hội đẩy tăng sản lượng lẫn giá xuất khẩu.

Đặc biệt, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ ngày 1/8 đã giúp một số doanh nghiệp sở hữu chuỗi sản xuất lúa gạo quy mô lớn, đáp ứng các tiêu chí của thị trường khó tính chốt được giá xuất khẩu cao đối với một số chủng loại gạo đặc biệt. Đơn cử, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ) đã ký hợp đồng bán 3.000 tấn gạo cho 3 khách hàng của CHLB Đức với 2 giống gạo thơm là ST20 và Jasmine.

Trong đó, giá gạo ST20 mà Trung An xuất khẩu sang EU đạt trên 1.000 USD/tấn, gạo Jasmine đạt khoảng 600 USD/tấn. Đây đều là mức giá mơ ước, kỷ lục của gạo Việt trong xuất khẩu từ trước đến nay.

Trước khi EVFTA có hiệu lực, giá gạo ST20 xuất khẩu sang EU khoảng chỉ khoảng 800 USD/tấn, Jasmine 520 USD/tấn. Việc được giảm thuế cộng với thị trường gạo đang sôi động đã đẩy giá gạo tăng cao.

gạo xuất khẩu
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn

Bộ NN&PTNT cho biết, năm 2020 diện tích gieo trồng lúa là 7.364.000 ha với sản lượng dự kiến đạt 43,5 triệu tấn thóc. Bộ NN&PTNT đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp, để hoàn thành kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 như trên đảm bảo cho các nhu cầu cân đối lớn.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thóc trong nước là 30 triệu tấn thóc. Trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,3 triệu tấn thóc; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn thóc; phục vụ chăn nuôi là 3,4 triệu tấn thóc; dùng làm giống, giống dự phòng là 1,0 triệu tấn thóc; dự trữ trong nước là 3,8 triệu tấn thóc.

Với xuất khẩu, dự báo sản lượng gạo xuất khẩu năm 2020 từ 6,5-6,7 triệu tấn gạo (tương đương 13-13,5 triệu tấn thóc).

Theo thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 8/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,7 triệu tấn, giảm khoảng 0,2% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 490,9 triệu tấn, tăng khoảng 1,4% so với năm 2019.

 

Hạ An