Giá gạo xuất khẩu Việt Nam lập kỷ lục mới, dự báo sẽ hưởng lợi lớn nếu Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

Giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong tháng 6/2023 lên tới 650 USD/tấn, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị trường tập tung theo dõi khả năng Ấn Độ cấm xuất khẩu các loại gạo thời gian tới.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao kỷ lục
 Giá gạo xuất khẩu cao kỷ lục đang đem lại niềm vui lớn cho các hộ nông dân và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo.

Cuối tuần trước, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 513 USD/tấn, tiếp tục tăng so với mức 500 – 510 USD/tấn được ghi nhận tuần đầu tháng 7. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu loại 25% tấm cũng tăng lên mức 493 USD/tấn.

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, trong nửa đầu năm nay, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 4,2 triệu tấn gạo, trị giá 2,26 tỷ USD, tăng 21% về lượng và 32% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức giá gạo xuất khẩu bình quân trong 6 tháng qua đạt 539 USD/tấn, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái và chạm mức cao nhất 10 năm qua. Đáng chú ý, tính riêng tháng 6 vừa qua, giá gạo xuất khẩu bình quân lên tới 650 USD/tấn, tăng 9,4% so với tháng 5 trước đó và tăng 20,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá gạo Việt Nam đang tiếp tục duy trì đà tăng trong bối cảnh nhu cầu đối với gạo Việt ở mức cao. Nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực thu mua gạo nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi hiện tượng El Nino được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động canh tác nông nghiệp trên toàn cầu.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam cao kỷ lục

Trong 5 tháng đầu năm nay, tăng trưởng xuất khẩu gạo của Việt Nam sang các thị trường truyền thống như Philippines và Trung Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng 2 chữ số. Đặc biệt, xuất khẩu gạo sang nhiều thị trường mới như Indonesia, Chile, Thổ Nhĩ Kỳ, Senegal… ghi nhận mức tăng đột biết từ 1.100% - 16.000% so với cùng kỳ năm trước.

Xem thêm bài viết: "Giá gạo xuất khẩu Việt Nam neo cao kỷ lục, cổ phiếu doanh nghiệp gạo nào hưởng lợi nhất?" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá gạo xuất khẩu tại các nước khác trong khu vực châu Á cũng có xu hướng tăng lên trong tuần qua khi nhu cầu tăng. Cụ thể, tại Thái Lan, giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm của nước này đang được chào bán quanh mức 517 USD/tấn, tăng nhẹ 2 USD/tấn so với tuần đầu tháng 7. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu loại 25% tấm của Thái Lan được giữ tại mức 483 USD/tấn.

Giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm và 25% tấm của Pakistan hiện lần lượt đạt 528 USD/tấn và 493 USD/tấn, tăng tới 10 USD/tấn so với tuần đầu tháng 7. Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ được giữ ổn định quanh vùng giá cao nhất hơn 5 năm trở lại đây, đạt 493 USD/tấn đối với gạo 5% tấm và 473 USD/tấn đối với gạo 25% tấm.

Hiện thị trường đang tập trung theo dõi các diễn biến xung quanh chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ. Hãng tin Reuters cho biết Chính phủ Ấn Độ đang xem xét cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo không phải là gạo basmati (loại gạo phổ biến của nước này) trong bối cảnh giá gạo bán lẻ tại thị trường nội địa tăng vọt và nguy cơ suy giảm nguồn cung gạo. Từ tháng 9/2022, Ấn Độ đã đã cấm xuất khẩu gạo tấm 100% và áp thuế xuất khẩu các loại gạo khác lên tới 20% để đảm bảo nguồn cung trong nước.

Ấn Độ hiện chiếm tới 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu. Nếu lệnh cấm xuất khẩu nêu trên được thông qua thì giá gạo trên thế giới sẽ tăng đáng kể; đồng thời, tạo điều kiện cho các nước xuất khẩu gạo khác như Việt Nam và Thái Lan gia tăng thị phần.

Duy Quang