Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng tuần thứ ba liên tiếp, nhu cầu nhập khẩu ở mức rất cao

Trong tuần này, giá gạo xuất khẩu của các nước châu Á đồng loạt tăng nhờ nhu cầu thu mua ở mức cao; trong đó, giá gạo Việt Nam được chào bán lên tới 510 USD/tấn - mức cao nhất trong hơn 2 năm trở lại đây.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng tuần thứ ba liên tiếp
 Giá gạo xuất khẩu Việt Nam hiện ở mức cao nhất trong hơn hai năm trở lại đây khi nhiều nước tăng cường nhập khẩu để đảm bảo an ninh lương thực.

Cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam được chào bán quanh mức 500 - 510 USD/tấn, tăng so với mức giá 495 - 505 ghi nhận vào tuần trước. Qua đó, xác lập tuần tăng giá thứ ba liên tiếp; đồng thời, đây cũng là vùng giá cao nhất kể từ tuần đầu tháng 4/2021 đến nay.

Một thương nhân xuất khẩu gạo tại TP.Hồ Chí Minh cho biết nhu cầu đối với gạo Việt Nam hiện ở mức rất mạnh, khi các nước nhập khẩu gạo đang tìm cách củng cố lượng dự trữ gạo, nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất, tính từ đầu năm 2023 đến ngày 15/06/2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 3,9 triệu tấn gạo, trị giá 2,08 tỷ USD, tăng gần 12% về lượng và tăng gần 22% về kim ngạch xuất khẩu. Mức giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam trong nửa đầu năm nay đạt 533 USD/tấn, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét về cơ cấu thị trường, Philippines tiếp tục là nước nhập khẩu gạo Việt Nam nhiều nhất. Theo đánh giá của Thương vụ Việt Nam tại Philippines (Bộ Công Thương), bất chấp các lo ngại trước đây rằng Philippines có thể giảm nhập khẩu gạo trong năm 2023 do chi phí nhập khẩu tăng cao và định hướng phát triển sản xuất nội địa nhằm tự chủ lương thực của nước này, nhu cầu nhập khẩu gạo của Philippines hiện vẫn rất lớn khi nước này đẩy mạnh tích trữ lương thực để đối phó với rủi ro khô hạn do hiện tượng El Nino gây ra.

Philippines được dự báo sẽ phải nhập khẩu tới 2,8 triệu tấn gạo cho niên vụ 2022/2023 khi lượng dự trữ gạo của nước này đã giảm mạnh.

Xem thêm bài viết Việt Nam tiếp tục là nhà cung cấp gạo lớn nhất Philippines trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam
Diễn biến khối lượng và giá gạo xuất khẩu của Việt Nam kể từ đầu năm 2022 đến tháng 5/2023.

Đối với các loại gạo xuất khẩu của Thái Lan, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của nước này hiện được giao dịch ở mức trung bình 515 USD/tấn, tăng 10 USD/tấn so với tuần trước. Đây đang là mức giá cao nhất kể từ hồi tháng 3/2021.

Một thương nhân kinh doanh gạo tại Bangkok (Thái Lan) cho biết giá gạo xuất khẩu tăng là do nhu cầu nhập khẩu của các nước khu vực châu Á và châu Phi đang tăng lên trong bối cảnh nguồn cung gạo từ Ấn Độ lại bị hạn chế.

Ngoài ra, theo một thương nhân Thái Lan khác cho biết, giá gạo Thái Lan còn được hỗ trợ khi nguồn cung gạo của nước này đang chủ yếu được chuyển đến Indonesia và Philippines nhằm đáp ứng các hợp đồng đã ký trước đây, khiến lượng gạo có sẵn cho các thị trường khác suy giảm.

Tại Ấn Độ, gạo đồ loại 5% tấm của nước này đang được xuất khẩu ở mức 409 – 416 USD/tấn, tăng mạnh so với mức 397- 405 USD của tuần trước. Đây là tuần thứ 5 liên tiếp ghi nhận giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng, hiện giá đã chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2018.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, lý giải giá gạo đang tăng cao hơn là do nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, tại ngưỡng giá này, nhu cầu từ các khách hàng tại châu Phi đối với gạo Ấn Độ đang giảm xuống.

Giá gạo xuất khẩu khu vực châu Á nói chung, của Việt Nam nói riêng neo ở mức cao kỷ lục đang tạo điều kiện cho hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trong chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam bứt phá.

Theo đánh giá của VietFirst Securities, trong số các doanh nghiệp ngành gạo niêm yết, Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (mã cổ phiếu: LTG – sàn: UPCoM) và Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (Gạo Trung An, mã cổ phiếu: TAR – sàn: HNX) sẽ là những doanh nghiệp hưởng lợi tốt nhất khi thị trường gạo xuất khẩu ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực.

Quỳnh Trang