Giá khí LNG khu vực Châu Á tiếp tục lập đỉnh giá mới

Hãng tin Reuters cho biết giá khí tự nhiên hoá lỏng (LNG) giao tháng 1/2022 đến khu vực Đông Bắc Á đã đạt mức 15,60 USD/mmBtu, tăng 1,15 USD/mmBtu so với tuần trước. Nếu ngoại trừ mức giá cao lịch sử được xác lập hồi tháng 1 vừa qua thì mức giá hiện nay đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 2014.

Giá khí LNG tại Châu Á hiện đang tăng cao trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực trải qua mùa hè nắng nóng nghiêm trọng, khiến nhu cầu sử dụng khí LNG để sản xuất điện năng phục vụ hoạt động làm mát tăng vọt. Dữ liệu của hãng Refinitiv Eikon (Hoa Kỳ) cho thấy nhiệt độ tại các vùng đô thị lớn tại Châu Á như Bắc Kinh, Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản) sẽ đều tăng cao hơn mức thông thường trong vòng 2 tuần tới.

Bên cạnh đó, một số quốc gia cũng đang tích cực tăng cường dự trữ khí LNG nhằm phục vụ nhu cầu sưởi ấm cho mùa đông sắp tới trong bối cảnh nguồn cung khí ở mức thấp trên toàn cầu. Mặc khác, lượng tồn trữ khí LNG tại Châu Âu hiện đang ở mức rất thấp sau khi khu vực này trải qua mùa đông dài hơn thường lệ. Do đó thị trường đang chứng kiến sự giành giật giữa các thương nhân Châu Á và Châu Âu, góp phần đẩy giá khí LNG trên thị trường quốc tế tăng cao.

Tàu chở khí LNG
 Nhu cầu điện năng để làm mát tăng vọt đã đẩy giá khí LNG tại khu vực Châu Á đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây (Ảnh: Reuters)

Tại Vương quốc Anh, giá khí LNG đã chạm ngưỡng cao nhất kể từ năm 2005. Các quốc gia khác tại Châu Âu cũng đang chứng kiến giá khí LNG lên đến 14 USD/mmBtu.

Hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin cho biết các thương nhân Pakistan hiện sẵn lòng trả hơn mức 15 USD/mmBtu cho các lô khí được giao vào tháng 9/2021 nhằm đảm bảo nguồn cung khí cho phát điện tại nước này. Các nguồn tin cũng cho biết Pakistan đang tìm mua nhiều lô khí LNG khác giao trong quý 4 năm nay.

Giới phân tích nhận định nhu cầu sử dụng khí LNG sẽ còn tiếp tục tăng lên tại khu vực Châu Á trong thời gian tới. Bộ phận nghiên cứu của tập đoàn tài chính Citigroup (Hoa Kỳ) dự báo giá khí LNG sẽ còn tiếp tục tăng lên trong nửa cuối năm nay nhưng với tốc độ tăng chậm hơn so với giai đoạn vừa qua.

Citigroup cũng nhận định tình trạng căng thẳng nguồn cung khí trên thị trường Châu Á sẽ được giảm bớt khi tình trạng thiếu điện tại Trung Quốc giảm xuống nhờ việc nước này tăng cường sản lượng điện từ thuỷ điện. Trung Quốc, đặc biệt là các tỉnh phía Nam nước này, hiện đang trải qua tình trạng thiếu hụt điện nghiêm trọng.

Trong khi đó, tập đoàn tài chính Morgan Stanley (Hoa Kỳ) cho biết nhu cầu sử dụng khí LNG trên toàn cầu tăng mạnh đột ngột kết hợp với sự thiếu hụt nguồn cung đã đẩy giá mặt hàng này tăng mạnh. Morgan Stanley nhận định giá khí LNG đang bước vào một chu kỳ tăng giá mới kéo dài nhiều năm tiếp theo.

Quang Đặng