Giá lúa mì tăng phiên thứ 2 liên tiếp do diện tích gieo trồng tại Hoa Kỳ giảm

Giá lúa mì đã tăng phiên thứ hai liên tiếp do diện tích gieo trồng tại Hoa Kỳ sụt giảm. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương vẫn được giữ ổn định trước những thông tin trái chiều về thỏa thuận thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc.

Vào lúc 8h15 sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá lúa mì theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng 0,4% lên mức 5,20-3/4 USD/giạ (25,4 kg). Đánh dấu phiên tăng giá thứ hai liên tiếp. Đà tăng của giá lúa mì chủ yếu do sự suy giảm diện tích giao trồng lúa mì tại Hoa Kỳ cùng với đó là dự báo sản lượng lúa mì tại Australia giảm. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), diện tích gieo trồng lúa mì tại Hoa Kỳ trong năm 2019 chỉ đạt 45,2 triệu acres – mức thấp nhất kể từ năm 1919. Bên cạnh đó, USDA cho biết việc tiến độ gieo trồng ngô và đậu tương trong vụ mùa Thu 2019 tại Hoa Kỳ diễn ra chậm cũng sẽ khiến cho diện tích gieo trồng lúa mì vụ Đông 2020 bị thu hẹp.

Giá đậu tương theo hợp đồng được giao dịch nhiều nhất trên sàn CBOT được giữ không đổi tại mức 8,97 USD/giạ (25,4 kg). Trong phiên giao dịch cuối tuần qua, giá đậu tương đã có lúc giảm còn 8,96 USD/giạ - mức thấp nhất kể từ ngày 30/9/2019. Giá ngô hiện được giữ tại mức 3,68-3/4 USD/giạ (27,2 kg).

Giá đậu tương hiện đang chịu áp lực giảm trước các thông tin trái chiều về triển vọng thỏa thuận thương mại sơ bộ Hoa Kỳ - Trung Quốc. Trong tuần trước, nhiều nguồn tin cho biết việc hoàn tất thỏa thuận thương mại này có khả năng sẽ bị trì hoàn sang năm 2020. Tuy nhiên, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cho biết thỏa thuận thương mại sơ bộ “đã rất gần” song ông không nóng lòng thực hiện thỏa thuận này. Trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Chính phủ Trung Quốc mong muốn hoàn tất thỏa thuận thương mại sơ bộ với Hoa Kỳ. Ông Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc đang làm việc tích cực với Hoa Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận Giai đoạn Một trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, tránh dẫn tới xung đột thương mại.

Bên cạnh đó, mặt hàng đậu tương của Hoa Kỳ còn chịu áp lực cạnh tranh từ Brazil và Argentina khi dự báo cho thấy tình hình thời tiết sẽ trở nên thuận lợi hơn cho các vùng trồng đậu tương của hai quốc gia này. Brazil hiện là quốc gia trồng đậu tương lớn nhất thế giới; trong khi đó, Argentina xếp vị trí thứ ba (sau Hoa Kỳ). Diên tích gieo trồng đậu tương niên vụ 2019/2020 tại Brazil hiện đạt 77,3% dự kiến, tốc độ gieo trồng hiện thấp hơn niên vụ trước và thấp hơn mức trung bình 5 năm trở lại đây.

Quang Đặng / Tổng hợp