Giai đoạn mới trong phòng chống Covid-19: Bộ Công Thương đặt trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bước qua giai đoạn 1 của cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19, Bộ Công Thương đã cho thấy sự chủ động vào cuộc với trách nhiệm và quyết tâm cao nhất, kiên định với mục tiêu kép của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương khẳng định sẽ có những điều chỉnh trong quyết sách phù hợp với giai đoạn mới, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng và Thứ trưởng Cao Quốc Hưng chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương

Bộ Công Thương chủ động vào cuộc

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương tại cuộc họp chiều nay (20/3), từ cuối tháng 1/2020, trước nguy cơ dịch Covid-19 có khả năng xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã rà soát tình hình, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ quan có liên quan để triển khai các biện pháp nhằm kiểm tra, kiểm soát tốt thị trường, bảo đảm ổn định trật tự thị trường, cung ứng hàng hóa thiết yếu và các hàng hóa phục vụ chống dịch cho người dân.

Đồng thời, tổ chức sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn, khẩu trang chống giọt bắn phục vụ người dân và điều tiết xuất nhập khẩu, giải quyết khó khăn vướng mắc cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngay từ rất sớm, Bộ Công Thương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Công Thương để tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp đồng bộ, thường xuyên liên tục trong toàn ngành.

“Công tác chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ của Bộ Công Thương được thực hiện quyết liệt, khẩn trương, bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh và tình hình thị trường để xử lý kịp thời những vấn đề mới phát sinh. Trong đó, vừa thực hiện yêu cầu xử lý các vấn đề cấp bách, vừa triển khai các giải pháp để phục vụ yêu cầu trong trung hạn và dài hạn, đặc biệt đối với các vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Dương Duy Hưng - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch cho biết. 

Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương thời gian qua đã chủ động vào cuộc kịp thời
Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương thời gian qua đã chủ động vào cuộc kịp thời

Những tín hiệu tích cực bắt đầu hiện hữu

Kết quả, hai tháng đầu năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 39 tỷ USD, tăng 8,4%, ghi nhận xuất siêu 1,8 tỷ USD, cho thấy hiệu quả của các biện pháp ứng phó và quyết tâm của Chính phủ cũng như cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội biến “nguy thành cơ” như thông điệp mạnh mẽ được Thủ tướng Chính phủ đưa ra.

Đáng chú ý, trong khi kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy sản 2 tháng đầu năm ở mức 3,35 tỷ USD, giảm 4,9% thì riêng mặt hàng gạo đạt sản lượng xuất khẩu 929.000 tấn, giá trị kim ngạch 430 triệu USD, tăng 31,7% về lượng và 39,4% về giá trị, mang lại ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh nhiều loại nông sản xuất khẩu bị sụt giảm do hạn chế giao thương với thị trường Trung Quốc do dịch Covid-19.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo đạt 33,25 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ, đã góp phần bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu nông sản, thủy sản, cũng là kết quả khá động viên khi mà nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất, xuất khẩu gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với doanh nghiệp Việt Nam mà cho cả các nước khác khi đều phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu Trung Quốc.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2020 vẫn có những tín hiệu tích cực trong thương mại
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng dù đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế Việt Nam 2 tháng đầu năm 2020 vẫn có những tín hiệu tích cực trong hoạt động thương mại

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, tác động của dịch bệnh Covid-19 lên nền kinh tế Việt Nam, trong dòng chảy chung của thế giới, vẫn là rất lớn.

Về sản xuất công nghiệp, sản lượng công nghiệp giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn sáu năm rưỡi qua. Chỉ số BMI của Việt Nam đã giảm xuống dưới ngưỡng 50 điểm trong tháng 2/2020 - mức giảm ở dưới 50 điểm đầu tiên trong hơn bốn năm qua.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 6,2%; thấp hơn mức tăng 13,7% của cùng kỳ năm 2018 và 9,2% của cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo là ngành chịu tác động nhiều nhất với tốc độ tăng 2 tháng đầu năm chỉ đạt 7,4%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,4% của cùng kỳ năm trước.

Thương mại nội địa cũng chịu đòn giáng nặng nề, khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 2 tháng đầu năm chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng thấp nhất của 2 tháng đầu năm kể từ năm 2014. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,4% và 5,91%) đều ở mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây.

Sức mua tại các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi và các chợ truyền thống giảm, tổng doanh số bán lẻ trong các hệ thống phân phối ước giảm so cùng kỳ năm trước 5 - 12% (tùy hệ thống).

Đặc biệt, do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, ngày 17/3, nhiều nước châu Âu đã thông báo kế hoạch đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. “Đã có thực tế là các đơn hàng từ khu vực này đang bị hủy, hoãn hoặc lùi thời gian giao hàng, đơn hàng mới có thể gặp khó khăn trong xúc tiến ký kết”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay.

Cùng với đó, giá dầu trên thế giới sụt giảm nhanh và mạnh, tác động lớn đến nhiều khía cạnh của kinh tế Việt Nam nói chung  và các doanh nghiệp dầu khí nói riêng, cả ở thượng nguồn và hạ nguồn.

Cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Bộ Công Thương

Tiếp tục kiên định mục tiêu kép

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, giai đoạn 1 của công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đi qua, Bộ Công Thương đã chủ động, phát huy tối đa trách nhiệm trong việc phối hợp kịp thời cùng các Bộ ngành, thực hiện sát sao chỉ đạo của Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19.

Bước sang giai đoạn 2 của cuộc chiến, trong bối cảnh dịch bệnh đang ngày càng diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị bên cạnh tiếp tục làm tốt các nhiệm vụ trọng tâm, đặt ưu tiên hàng đầu là công tác phòng chống dịch bệnh nhưng bên cạnh đó vẫn cần thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ thường xuyên của Bộ Công Thương.

Trong đó, tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, quán triệt tinh thần thực hiện mục tiêu kép là phòng chống dịch bệnh ở mức độ cao nhất song song với đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế, đặc biệt về bình ổn thị trường, phát triển thương mại nội địa, thúc đẩy xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương vẫn sẽ kiên định hướng tới mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh
Bộ Công Thương vẫn sẽ kiên định hướng tới mục tiêu kép mà Chính phủ đặt ra trong giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến phòng chống dịch bệnh

Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ đảm bảo chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng hàng hóa nhu yếu phẩm trong mọi trường hợp, đặc biệt đôn đốc các địa phương có kế hoạch đảm bảo đầy đủ hàng hóa cho người dân ở bất kỳ thời điểm, bất kỳ địa phương và bất kỳ cấp độ dịch bệnh nào, phát huy tối đa vai trò chính quyền địa phương trong sẵn sàng các phương án ứng phó với tình huống phát sinh nghiêm trọng nhất.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định cần tiếp tục phát huy vai trò của thị trường nội địa trong bối cảnh sản xuất và thị trường ngoài nước đang gặp khó khăn, đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống hạ tầng thương mại nhằm kích thích nội nhu tại cả các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Có thể đề xuất các cơ chế đặc thù trong thúc đẩy đầu tư công vào lĩnh vực này, bởi đây là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế đứng vững và tăng trưởng trong lúc dịch bệnh ảnh hưởng mạnh tới thương mại quốc tế.

Mặt khác, Bộ trưởng cũng yêu cầu Cục Công nghiệp tiếp tục có đánh giá tác động của dịch đến chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia và giải pháp các thị trường bổ sung, thay thế.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu nhanh chóng thành lập Tổ công tác Bộ Công Thương về kết nối cung cầu, đảm bảo cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu nhanh chóng thành lập Tổ công tác Bộ Công Thương về kết nối cung cầu, đảm bảo cung ứng khẩu trang vải kháng khuẩn, kháng giọt bắn

Đối với thị trường ngoài nước, Bộ Công Thương, sẽ tiếp tục theo dõi thường xuyên diễn biến tại các nước đối tác của ta trong những vấn đề liên quan đến dịch bệnh, phòng chống dịch bệnh và các chính sách kinh tế có thể tác động đến hợp tác thương mại hay chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia. Từ đó, chủ động phân tích, đánh giá và dự báo tác động của dịch bệnh đến thương mại trong nước và quốc tế, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ ban hành các đối sách kịp thời.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Chính sách thương mại đa biên, theo ý kiến của Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, Quốc hội tiến đến phê chuẩn kịp thời EVFTA và kế hoạch thực thi Hiệp định này ngay khi có hiệu lực vào tháng 7.

Các phương thức tuyên truyền, thông tin cũng cần được thay đổi phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh, có thể đẩy mạnh truyền thông trực tuyến sao cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội vẫn tiếp cận được đầy đủ các nội dung hội nhập.

Mặt khác, cần chủ động nghiên cứu và dự báo khả năng lượng hàng tồn kho của các quốc gia do dịch bệnh có thể tràn vào Việt Nam với mức giá cạnh tranh, từ đó sẵn sàng các phương án biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý bên cạnh công tác phòng chống dịch Covid-19, không được quên nhiệm vụ hội nhập kinh tế quốc tế, nổi bật là các vấn đề liên quan đến EVFT
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh lưu ý không được bỏ qua các nhiệm vụ liên quan đến EVFTA, khi đây có thể sẽ là cứu cánh cho doanh nghiệp sau khi dịch bệnh đi qua

Bộ trưởng yêu cầu Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo các đơn vị hoàn thành phương án cung ứng điện trong năm 2020, có điều chỉnh phù hợp theo tác động của dịch để chủ động phương án cung cấp đủ điện điện cho cả sinh hoạt và sản xuất.

Đặc biệt, cần đảm bảo đời sống người dân và sản xuất nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long đang chịu hạn mặn nặng nề. Đồng thời, theo sát đảm bảo tiến độ chung của các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện khí.

Liên quan đến dầu khí, Bộ Công Thương sẽ đánh giá tổng thể tác động tiêu cực của Covid-19 đến giá dầu thế giới cũng như trong nước, cùng với ảnh hưởng lên các dự án năng lượng trọng điểm của Việt Nam, từ đó nghiên cứu phương án đảm bảo tiến độ đầu tư, thực hiện của các dự án, đặc biệt đối với các dự án chậm tiến độ như Thái Bình 2, Sông Hậu,… cần kiên quyết đẩy nahnh tiến độ để đảm bảo cân đối nguồn cung năng lượng và quyết toán đầu tư công.

Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo sát tiến độ của các dự án năng lượng, đồng thời lên phương án đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh dịch bệnh
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng chỉ đạo các đơn vị chức năng theo sát tiến độ của các dự án năng lượng, đồng thời lên phương án đảm bảo cung ứng điện trong bối cảnh dịch bệnh

Đặt trọng tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Đáng chú ý, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sẽ là ưu tiên trong giai đoạn này, khi mà các tác động của dịch bệnh đến từng ngành kinh tế đã thể hiện rõ nét.

"Cộng đồng doanh nghiệp của chúng ta đang rất khó khăn, do tác động mạnh và toàn diện của dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng chống dịch, tùy từng lĩnh vực mà mức độ ảnh hưởng khác nhau. Nếu tình hình tiếp tục kéo dài hơn thì doanh nghiệp sẽ chống chọi thế nào trong và qua dịch bệnh?", người đứng đầu ngành Công Thương trăn trở.

Do đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng “cần cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin cho cộng đồng doanh nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng kế hoạch tái cơ cấu, vượt qua khó khăn thông qua huy động các nguồn lực bên ngoài”, đồng thời giao các Thứ trưởng phụ trách ngành tổ chức làm việc với các Hiệp hội, doanh nghiệp để đánh giá tác động nhiều chiều, từ đó định lượng tồn tại, vướng mắc, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thị trường, tài chính tín dụng, nguồn nhân lực, lao động,…

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần tiếp tục thúc đẩy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong giai đoạn mới

Thời gian qua, trên cơ sở kiến nghị của Bộ Công Thương, Chính phủ đã nghiên cứu thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trước hết là huy động các ngân hàng tái cơ cấu khoản nợ, tạo điều kiện giãn nợ và hỗ trợ bổ sung nguồn tín dụng với ưu đãi hơn để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Hay giãn thời gian nộp thuế, miễn thuế và tăng cường thúc đẩy đầu tư công, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp.

Tiếp nối những đề xuất này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, thống nhất để báo cáo Chính phủ về các gói, các cơ chế chính sách bổ sung đảm bảo tạo động lực giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, được tiếp cận nguồn vay mới, tái cơ cấu hoạt động, duy trì đội ngũ lao động vượt qua khó khăn.

Trong đó, tập trung vào hỗ trợ về bảo hiểm xã hội, thuế doanh nghiệp, chi phí đầu vào, mặt bằng, logistics, tiếp cận thị trường để góp phần cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh để doanh nghiệp trong nước bước qua dịch bệnh.

Thy Thảo