Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp đồng dịch vụ pháp lý của luật sư

ThS. VÕ ANH PHÚC - ThS. VŨ THỊ THANH HUYỀN  (Khoa Quản trị - Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Lạc Hồng)

TÓM TẮT:

Pháp lý là một yếu tố đóng vai trò quan trọng giúp duy trì trật tự của một quốc gia, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá thể trong xã hội. Tuy nhiên, việc hiểu rõ pháp luật một cách tường tận là điều không đơn giản, do đó dịch vụ pháp lý (DVPL) của luật sư ra đời. Thông qua hoạt động cung cấp DVPL, luật sư đã đem đến những thông tin pháp luật hữu ích, giải đáp những thắc mắc, giúp mọi người hiểu hơn về các trình tự, thủ tục cần thiết khi giải quyết công việc một cách hiệu quả, hạn chế tốn kém thời gian, tiền bạc và công sức, góp phần rất lớn vào công cuộc cải cách hành chính ở nước ta hiện nay. Bài viết phân tích những hạn chế nhất định đặc biệt liên quan đến hợp đồng DVPL của luật sư. Từ đó, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả hợp đồng DVPL của luật sư.

Từ khóa: dịch vụ pháp lý, hợp đồng dịch vụ pháp lý, luật sư, pháp luật.

1. Hợp đồng dịch vụ pháp lý của luật sư

Hợp đồng DVPL là hình thức pháp lý của quan hệ DVPL, có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của luật sư khi tư vấn hay làm đại diện pháp lý cho một khách hàng, bằng việc thực hiện ký kết với khách hàng một thỏa thuận nhằm thống nhất các công việc phải làm, dựa trên yêu cầu của khách hàng và phù hợp với quy định của pháp luật.

Căn cứ Điều 513 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên sử dụng dịch vụ, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ”. Bên cạnh đó, bên sử dụng dịch vụ phải trả tiền dịch vụ theo thỏa thuận. Khi giao kết hợp đồng, nếu không có thỏa thuận về giá dịch vụ, phương pháp xác định giá dịch vụ và không có bất kỳ chỉ dẫn nào khác về giá dịch vụ thì giá dịch vụ được xác định căn cứ vào giá thị trường của dịch vụ cùng loại tại thời điểm và địa điểm giao kết hợp đồng.

Nhìn chung hiện nay chưa có quy định chi tiết về hợp đồng DVPL mà chỉ quy định hình thức và nội dung của  hợp đồng DVPL tại Điều 26 Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012 (gọi tắt là Luật Luật sư ).

Việc thực hiện DVPL của luật sư được quy định như sau: Luật sư thực hiện DVPL theo hợp đồng DVPL hoặc theo phiếu thỏa thuận thực hiện DVPL, trừ trường hợp luật sư tham gia tố tụng theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng cho cơ quan, tổ chức (Tại Điều 5 Thông tư số 17/2011/TT-BTP hướng dẫn quy định của luật sư, Nghị định hướng dẫn Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư do Bộ Tư pháp ban hành ).

Từ những phân tích trên,chúng tôi khái quát khái niệm Hợp đồng DVPL như sau:

“Hợp đồng DVPL là một loại hợp đồng thuộc ngành dịch vụ nghề nghiệp, theo đó bên luật sư cung cấp DVPL cho bên thuê luật sư, còn bên thuê luật sư phải trả tiền thù lao theo thỏa thuận”.

Các chủ thể có thể cung ứng DVPL: tổ chức hành nghề luật sư, luật sư hành nghề với tư cách cá nhân, văn phòng Thừa phát lại, Tổ chức trọng tài thương mại. Một bên cung cấp một hoặc nhiều DVPL cho bên thuê dịch vụ để nhận thù lao, còn bên sử dụng DVPL có nghĩa vụ thanh toán thù lao theo thỏa thuận.

2. Vấn đề liên quan đến hợp đồng DVPL của luật sư

Quan hệ luật sư với khách hàng dựa trên nền tảng hợp đồng là quan hệ dân sự, chịu sự điều chỉnh của pháp luật dân sự. Đó là quan hệ bình đẳng, thỏa thuận giữa bên cung cấp DVPL và bên sử dụng DVPL. Hiện nay, có nhiều vấn đề về liên quan tới hợp đồng DVPL mà nguyên nhân của tranh luận chủ yếu xuất phát từ 2 nội dung, đó là: Nội dung hợp đồng DVPL và Thù lao của Luật sư.

2.1. Nội dung hợp đồng DVPL

Bản chất của Hợp đồng DVPL là sự thỏa thuận giữa luật sư và khách hàng, vì vậy dễ gây ra những tranh chấp khi không giải thích, hoặc không ghi đầy đủ trách nhiệm trong hợp đồng. Thực tế có một số khách hàng nhầm tưởng rằng đã thuê luật sư (ký hợp đồng DVPL) thì luật sư sẽ có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của mình cho tới khi mình đạt được kết quả mong muốn hay tới khi mình không muốn kiện nữa. Nhưng thực tế, luật sư chỉ bảo vệ trong phạm vi hợp đồng đã ký và sẽ kết thúc khi hết vụ kiện đó bất kể do tòa án giải quyết xong hay do nguyên đơn rút đơn kiện. Cho nên, khách hàng đã rút đơn kiện, sau đó kiện lại thì không bắt buộc luật sư phải bảo vệ tiếp theo hợp đồng cũ đã ký trước đó.               

Luật sư phải thông báo cho khách hàng về quyền, nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm nghề nghiệp của luật sư trong việc thực hiện DVPL cho khách hàng (theo Khoản 2, Điều 24 Luật Luật sư năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2012). Tuy nhiên, luật sư không thể cam kết trước kết quả đối với vụ việc vì sẽ quy phạm đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam (tại Quy tắc 9. Bộ quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam quy định những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng là hứa hẹn, cam kết bảo đảm kết quả vụ việc về những nội dung nằm ngoài khả năng, điều kiện thực hiện của luật sư). Do vậy, trước khi tư vấn khách hàng, luật sư cần tư vấn, giải thích cho khách hàng biết về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của họ trong quan hệ với luật sư; về tính hợp pháp trong yêu cầu của khách hàng, những khó khăn, thuận lợi có thể lường trước được trong việc thực hiện DVPL; quyền khiếu nại và thủ tục giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với luật sư.

Pháp luật về điều kiện có hiệu lực của hợp đồng DVPL còn nhiều hạn chế, bất cập, trong việc quy định các điều kiện về đối tượng hợp đồng DVPL; về năng lực hành vi dân sự của người ký kết; về đảm bảo nguyên tắc giao kết; về tính hợp pháp của mục đích và nội dung hợp đồng DVPL; quy định về các biện pháp chế tài chưa thực sự khoa học và phù hợp với vi phạm hợp đồng DVPL vấn đề thỏa thuận để áp dụng trong hợp đồng DVPL, loại chế tài có thể thỏa thuận áp dụng (thuộc hệ thống chế tài dân sự hay chế tài thương mại), cách thức áp dụng chế tài, đặc biệt là tính toán thiệt hại vật chất, vấn đề xác định tội danh thể hiện qua hành vi hành nghề cung ứng DVPL... chưa được làm rõ.

 Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước và giải quyết tranh chấp về hợp đồng DVPL chưa đạt hiệu quả như chưa hướng dẫn đầy đủ những nội dung chính của hợp đồng DVPL về những quy định về thời điểm cung cấp thông tin; yêu cầu đối với thông tin được cung cấp (chính xác, đầy đủ và trung thực); điều kiện có hiệu lực của hợp đồng DVPL (sẽ rơi vào trường hợp vô hiệu do vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin). Yêu cầu đối với thực hiện dịch vụ tư vấn gồm chính xác, đầy đủ và hiểu được; yêu cầu đối với dịch vụ bào chữa gồm đúng pháp luật, đầy đủ và nhiệt tình, trung thực vì lợi ích của khách hàng; yêu cầu đối với dịch vụ soạn thảo điều lệ, hợp đồng và văn bản khác phải đúng về hình thức, thể thức và đáp ứng mục đích sử dụng đối với hợp đồng DVPL giữa luật sư với khách hàng.

2.2. Thù lao của luật sư

 Theo quy định tại Điều 5 Thông tư số 17/2011/TT-BTP, đối với vụ, việc có mức thù lao từ 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) trở lên, tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải ký kết hợp đồng DVPL bằng văn bản. Khi thanh lý hợp đồng DVPL, tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân phải lập hóa đơn giao cho khách hàng (Điều 15 của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP). Nhưng trên thực tế đối với vụ, việc có mức thù lao 200.000 đồng (hai trăm ngàn đồng) nếu như khách hàng yêu cầu Luật Tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân thì thủ tục này khá phức tạp, tốn thời gian.

Theo quy định tại Điều 56 Luật Luật sư, mức thù lao được thỏa thuận trong hợp đồng DVPL. Đối với vụ án hình sự mà luật sư tham gia tố tụng thì mức thù lao không được vượt quá mức trần thù lao do Chính phủ quy định. Từ quy định trên hiểu rằng đối với thù lao trong vụ án hình sự thì các bên được tự do thỏa thuận, nhưng phải nằm trong mức trần mà Chính phủ quy định, không giống với thù lao trong các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai,… thì quyền tự do thỏa thuận của các bên không bị giới hạn.

Việc quy định mức trần thù lao của luật sư trong vụ án hình sự vừa có những ưu điểm và những hạn chế nhất định:

Thứ nhất, đa số các luật sư cho rằng không nên đưa ra mức trần thù lao vì hoạt động nghề nghiệp của luật sư là lao động trí óc, cho nên việc đóng khung mức trần như vậy là mang tính chủ quan bởi. Theo các luật sư, mọi thước đo đều không chính xác, có nhũng công việc đối với khách hàng này là đơn giản nhưng đối với khách hàng khác là rất quan trọng. Một giờ làm việc với khách hàng này đôi khi tiêu tốn ít “chất xám” hơn so với khách hàng khác mà chỉ bản thân luật sư và khách hàng đó mới biết rõ.

Thứ hai, khách hàng là người trực tiếp thanh toán chi phí cho luật sư, sự giới hạn thù lao cũng chính là gián tiếp giới hạn quyền định đoạt tài sản của họ. Trong một số vụ việc có độ phức tạp cao, đòi hỏi luật sư phải có nhiều kinh nghiệm và tư duy pháp lý sâu sắc, khách hàng tin tưởng và muốn chi trả khoản thù lao xứng đáng để khuyến khích luật sư nhưng vẫn bị ràng buộc bởi mức trần, cho dù đó là sự tự nguyện của khách hàng nhưng cũng không thể ghi nhận công khai trong hợp đồng DVPL.

Tuy nhiên, xét về mặt khoa học pháp lý, việc ban hành mức trần đối với thù lao của luật sư trong vụ án hình sự là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người yếu thế, tránh trường hợp bị “chặt chém” không đáng có vì tâm lý của người dân khi tìm đến luật sư khi đó là để tìm sự hỗ trợ, cảm thông hay chỗ dựa vững chắc trong suốt quá trình tố tụng. Với mức giá trần này, Nhà nước hướng đến mục tiêu đảm bảo khách hàng của luật sư không bị các luật sư, vốn rất hiểu biết pháp luật, lợi dụng tình thế của họ để lấy thù lao quá mức so với công lao thực tế. Khi đã tạo được một khung giá ở mức độ nằm trong khả năng kinh tế của mặt bằng chung xã hội, việc khách hàng sử dụng DVPL của luật sư sẽ nhiều hơn, cơ hội của các bị can, bị cáo được sự giúp đỡ, bào chữa của các luật sư sẽ tăng cao, quyền lợi hợp pháp của tổ chức cá nhân được đảm bảo, Nhà nước cũng đảm bảo về trật tự trong quản lý xã hội trên mọi lĩnh vực.

3. Giải pháp nâng cao hiệu quả hợp đồng DVPL của luật sư

Trước tiên, để khắc phục những tranh chấp liên quan đến hợp đồng DVPL, các tổ chức hành nghề luật sư hoặc luật sư hành nghề với tư cách cá nhân cần thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình. Cần cân nhắc đến năng lực, khả năng đảm đương công việc và uy tín, giải thích cho khách hàng rõ về những quyền và nghĩa vụ của họ khi yêu cầu luật sư cung cấp DVPL trước khi nhận vụ, việc với khách hàng. Điều này giúp khách hàng có nhận thức đúng về vai trò của luật sư, tránh cho khách hàng có cái nhìn lệch lạc về vai trò của luật sư để họ có nhận thức đúng đắn rằng luật sư là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Trước khi ký kết hợp đồng DVPL với khách hàng, cần tư vấn một cách kỹ lưỡng, những điều khoản trong hợp đồng để khách hàng không bị nhầm lẫn.

Bên cạnh việc xác định trách nhiệm của luật sư, Nhà nước cần thiết phải tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi và đảm bảo trên thực tế luật sư đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Và bằng cách nghiên cứu hoàn thiện trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp để luật sư thực hiện tốt các DVPL của mình. Cần có những công tác quản lý, kiểm tra giám sát các tổ chức hành nghề luật sư như việc ban hành và giám sát việc tuân thủ các Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của luật sư, giải quyết tranh chấp liên quan tới hợp đồng DVPL. Cần tạo ra một hệ thống quản lý chặt chẽ, thường xuyên để không ngừng nâng cao chất lượng cung cấp DVPL, đảm bảo tính trung thực trong các bản hợp đồng DVPL, bảo vệ lợi ích của khách hàng.

Sau đó, cần xem xét đến giá trị pháp lý, tính hiệu lực của hợp đồng được soạn thảo đảm bảo hiệu lực, tư vấn pháp luật chính xác, đầy đủ và dễ hiểu; nội dung thực sự của HĐDVPL (cần giải thích và ghi cụ thể chi tiết những vấn đề thỏa thuận trong  HĐDVPL), làm cho bên sử dụng DVPL hiểu được đúng và đầy đủ về nội dung của hợp đồng đặc biệt là quyền và nghĩa vụ của các bên và vấn đề giải quyết tranh chấp nếu có tranh chấp xảy ra. Bên cạnh đó, pháp luật cần bổ sung quy định về thời điểm cung cấp thông tin, như: yêu cầu đối với thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ và trung thực.

Hoàn thiện các quy định về thù lao DVPL để thực hiện quyền tự do hợp đồng trong việc tự định đoạt về thù lao DVPL theo quy luật cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo các tổ chức hành nghề DVPL thu được lợi nhuận hoặc thù lao đủ chi phí, nhất thiết cần sửa đổi, bổ sung quy định về thù lao DVPL về những vấn đề sau: Bãi bỏ quy định về mức trần thù lao của luật sư khi luật sư tham gia tố tụng vụ án hình sự theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; Bãi bỏ quy định về mức trần thù lao của luật sư khi luật sư tham gia tố tụng vụ án hình sự theo yêu cầu của khách hàng (hiện nay quy định không quá 350.000/giờ), đồng thời bổ sung quy định về quyền tự do thỏa thuận mức thù lao đối với loại DVPL này.

Do đó, cần bãi bỏ hoặc bổ sung một số quy định liên quan đến hợp đồng DVPL để phát triển DVPL của luật sư theo hướng thương mại tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề luật sư với nhau, nếu như mức thù lao là do sự thỏa thuận giữa các tổ chức hành nghề luật sư và khách hàng thì khi đó nếu không thỏa thuận được thì khách hàng có thể tìm kiếm một tổ chức hành nghề khác. Từ đó, tự môi trường cạnh tranh sẽ đào thải những vấn đề về chặt chém hoặc lấn áp khách hàng đưa ra phí dịch vụ cao, bởi nếu phải lựa chọn giữa hai tổ chức hành nghề luật sư có uy tín và năng lực như nhau thì điều tiếp theo khách hàng quan tâm đó là thù lao luật sư và chi phí khác.

 Hơn nữa, giảm bớt quy định về mức trần thù lao trong vụ án hình sự còn giảm bớt được kiểm soát tài chính của tổ chức hành nghề luật sư, Nhà nước kiểm soát tài chính của tổ chức hành nghề luật sư thông qua việc thu thuế mà không cần phải phê duyệt mức thù lao cao nhất đối với từng loại việc. Còn đối với ý kiến cho rằng, việc ban hành mức trần đối với thù lao của luật sư trong vụ án hình sự là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho người dân, người yếu thế, tránh trường hợp bị “chặt chém” không đáng có vì tâm lý của người dân khi tìm đến luật sư là để tìm sự hỗ trợ, cảm thông hay chỗ dựa vững chắc trong suốt quá trình tố tụng. Với mức giá trần này, Nhà nước hướng đến mục tiêu đảm bảo khách hàng của luật sư không bị các luật sư, vốn rất hiểu biết pháp luật, lợi dụng tình thế của họ để lấy thù lao quá mức so với công lao thực tế là một ý kiến chưa đủ thuyết phục bởi đối với những người nghèo, đối tượng chính sách thì đã được hưởng trợ giúp pháp lý của Nhà nước và của các tổ chức xã hội, trong đó có sự tham gia của luật sư, mà các vấn đề này đã được Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định một cách cụ thể. Do vậy, không nên quy định mức trần thù lao, vì rất khó và có phần không thực tế.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Quốc hội (2020). Luật Doanh nghiệp năm 2020.
  3. Quốc hội (2006, 2012). Luật Luật sư năm 2006 được sửa đổi, bổ sung năm 2012.
  4. Chính phủ (2011). Quyết định số 1072 số 1072/QĐ-TTg ngày 05/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020.
  5. Bộ Tư pháp (2011). Thông tư số 17/2011/TT-BTP hướng dẫn quy định của luật sư, Nghị định hướng dẫn Luật Luật sư về tổ chức xã hội - nghề nghiệp của luật sư do Bộ Tư pháp ban hành.
  6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020). Công văn số 4750/BHĐT-ĐKKD của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 23/7/2020 về đăng ký kinh doanh ngành nghề tư vấn pháp luật, dịch vụ pháp lý.
  7. Nguyễn Văn Tuân (2019). Dịch vụ pháp lý ở Việt Nam - Thực trạng và định hướng phát triển. NXB Lao động.
  8. Hoàng Thị Vịnh (2012). Khái niệm dịch vụ pháp lý. Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1210.

 

Solutions to improve the efficiency of the contract of legal aid services provided by lawyers

Master. VO ANH PHUC*1

Master. VU THI THANH HUYEN1

1Faculty of Administration and International Economics, Lac Hong University

* Supporting Information

ABSTRACT:

Legality is an important factor that helps maintain order in a country and protects the legitimate rights and interests of each individual in society. However, it is not easy to understand the law thoroughly, which is also the reason why lawyers provide legal aid services. In legal aid services, lawyers provide useful legal information, answer questions, and help people better understand the necessary order and procedures when solving legal problems to save time, money and effort, greatly contributing to the current administrative reform in Vietnam. This paper examines some shortcomings of the contract of legal aid services provided by lawyers, thereby proposing some solutions to improve the efficiency of  the contract of legal aid services.

Keywords: legal aid services, legal aid service contract, lawyer, law.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 6, tháng 4 năm 2022]