Giảm bớt phụ thuộc vào Trung Quốc, Mỹ muốn sở hữu nhà máy đất hiếm tại Australia

Mỹ hiện đang tiến hành đàm phán với chính phủ Australia về khoáng sản đất hiếm, một phần trong những nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Lynas Corp của Australia
Mỏ đất hiếm của Lynas tại Mount Weld, Tây Australia. 

Bộ quốc phòng Mỹ hiện đang tiến hành đàm phán với chính phủ Australia về việc sở hữu một cơ sở chế biến khoáng sản đất hiếm, một phần trong những nỗ lực giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với nguồn nguyên liệu đặc biệt được sử dụng trong chế tạo các thiết bị quân sự nước này.

Động thái trên được đưa ra khi Trung Quốc đe dọa cắt giảm xuất khẩu sang Mỹ nguồn nguyên liệu đất hiếm được sử dụng trong thiết bị điện tử công nghệ cao, chế tạo xe tăng và máy bay chiến đấu.

Theo bà Ellen Lord, thư ký quốc phòng của chính phủ Mỹ, hiện chính phủ nước này đang tìm kiếm một vài lựa chọn trở thành đối tác tại các cơ sở chế biến đất hiếm, trong đó, khả năng cao nhất là với công ty Lynas của Australia.

Đầu năm nay, Tổng thống Donald Trump cho biết cho biết sẽ thúc đâtr hợp tác với Australia và Canada pr nguồn tài nguyên đất hiếm trên thế giới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Mỹ cũng đã tiến hành đàm phán về những dự án khai thác đất hiếm tại châu Phi.

Trước đó, ông Donald Trump cũng đã yêu cầu Bộ quốc phòng Mỹ tìm kiếm nguồn cung cấp đất hiếm và cảnh bảo rằng lĩnh vực quốc phòng nước này sẽ phải đối mặt với tình trạng không đủ nguồn dự trữ đất hiếm.

Được biết, Lynas Corp của Australia là công ty khai thác và chế biến đất hiếm lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm khoảng 85% hoạt động sản xuất các nguyên tố đất hiếm có độ tinh khiết cao trên toàn cầu, trong khi đó Lynas nắm giữ khoảng 15% còn lại.

Khoáng sản đất hiếm cần được chế biến sau khi được khai thác trong lòng đất. Hiện chỉ có mỏ đất hiếm Mountain Pass tại bang California, Mỹ, mặc dù quốc gia này không có một cơ sở chế biến đất hiếm nào. Theo kế hoạch, việc xây dựng một nhà chế biến tại đây sẽ được tiến hành trong năm tới.

dat hiem
Doanh nghiệp Trung Quốc đang chiếm khoảng 85% hoạt động sản xuất các nguyên tố đất hiếm có độ tinh khiết cao trên toàn cầu

Trung Quốc đang thống trị việc cung cấp và chế biến gần như tất cả các khoáng chất quan trọng, trong đó có niobi, các nguyên tố đất hiếm, cobalt, antimony, magie và vonfram (tungsten).

Australia là một trong 6 quốc gia hàng đầu thế giới sở hữu các khoáng chất quan trọng. Ngành khai mỏ của Australia đang có nhiều cơ hội mở rộng sản xuất và đầu tư để đáp ứng nhu cầu trên thế giới trong bối cảnh nhiều quốc gia đang ngày càng quan tâm tới các khoáng sản có vai trò quan trọng trong lĩnh vực công nghệ, vốn đang có thị trường tiêu thụ tăng nhanh, song lại có sản lượng sản xuất và chế biến hạn chế.

Vấn đề quan trọng hiện nay đối với ngành khai mỏ của Australia là chi phí sản xuất và giá cả hàng hóa. Mỏ vonfram duy nhất của nước này ở Queensland đã bị phá sản vào năm 2016 do giá hàng hóa quá thấp.

Theo Bà Amanda Lacaze, Giám đốc điều hành của công ty khai mỏ Lynas, mặc dù Australia là nước sản xuất đất hiếm lớn nhất trên thế giới bên ngoài Trung Quốc, khả năng tiếp cận lâu dài của các nước đồng minh của Australia đối với các khoáng chất là thành phần chính trong hệ thống vũ khí, nam châm và công nghệ năng lượng tái tạo, vẫn sẽ phụ thuộc vào giá cả.

Điều mà các nhà cung cấp Australia cần hiện nay là các khoản vay ưu đãi và giá hợp đồng dài hạn cao hơn giá thị trường giao ngay, tương tự như giá được áp dụng bởi các nhà máy điện hạt nhân để đảm bảo nguồn cung uranium trên thị trường.

Thanh Xuân (t/h)