Giày rồng - Chuyện kể của những nghệ nhân Việt Nam

Câu chuyện của những người nghệ nhân làm ra các “tác phẩm” giày rồng nổi tiếng của Fashion4Freedom không bay bổng như những đường chạm trổ mà lại mộc mạc như cốt gỗ.

nghe nhan

Là cầu nối giữa các nghệ nhân Việt Nam với NTK để tạo nên những phụ kiện và trang sức thời trang của Fashion4Freedom, chị Lê Quỳnh thấu hiểu các nghệ nhân và có những kỷ niệm nhiều ý nghĩa.

Nghệ nhân là người thiết kế lần thứ hai

giay rong
Nghệ nhân là người có kinh nghiệm để hiện thực hóa ý tưởng của Nhà thiết kế

“Có lẽ câu chuyện đáng nhớ nhất là về chiếc vòng cổ đường kính 50-60cm mà NTK Vicci lên ý tưởng cho một buổi triển lãm. Cả tôi và anh Đỗ Văn Thanh, nghệ nhân khắc gỗ ở Huế đều thấy kích thước vòng cổ trên bản vẽ quá lớn. Chúng tôi băn khoăn hỏi lại và được khẳng định rằng đã quy đổi từ “inch” sang “centimet”. Vicci nói cô ấy muốn chiếc vòng thật lớn và ấn tượng.

Anh Thanh đồng ý và cưa gỗ theo số đo. Cho tới ngày nhận được sản phẩm, Vicci “cười ra nước mắt”. Chiếc vòng quá khổ, thực sự không khả thi”. Sau trải nghiệm này chị Quỳnh hiểu hơn rằng NTK có ý tưởng, nắm bắt xu hướng nhưng nghệ nhân là người có kinh nghiệm để hiện thực hóa ý tưởng của NTK.

Chuyện nghề và chuyện đời

nghe nhan
Đằng sau mỗi sản phẩm thủ công là cả một câu chuyện đời

Làm việc với các nghệ nhân làng nghề không chỉ là công việc mà còn là cơ hội để chị Quỳnh được là bạn, là một người thân chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống: “Công việc thủ công nên dựa rất nhiều vào cảm xúc và cả sức lực của người thợ. Ai cũng có ngày không vui, gia đình có những hoàn cảnh riêng nên đã làm việc với nghệ nhân làng nghề thì mình đồng hành không chỉ với nghề mà cả với cuộc sống của họ.

Có những cặp vợ chồng nghệ nhân khi giận nhau, chúng tôi trở thành “sứ giả hòa bình” bất đắc dĩ. Khi con của nghệ nhân mắc bệnh hiểm nghèo, chúng tôi cũng chia sẻ và tìm cách giúp họ. Bởi vậy, sau cả một quá trình, Fashion4Freedom nhận ra: Mỗi sản phẩm thủ công gắn với câu chuyện nghề đã đành, nhưng đằng sau đó cũng có cả câu chuyện đời nữa”.

Say nghề!

nghe nhan

Anh Đỗ Văn Thanh tự cho rằng hồi xưa mình học không giỏi lắm, gia đình lại nghèo nên quyết định đi học nghề mộc. Việc học nghề mộc cũng vì đam mê. Anh học ở các thợ lành nghề gần nhà từ 15 tuổi đến năm 18 tuổi thì ra nghề. Anh cũng lang bạt khắp nơi từ Gia Lai, Quảng Ngãi, Sài Gòn để sống với nghề.

Làm xa thu nhập khá hơn (khoảng 400.000 VNĐ/ngày) nhưng không bù lại nỗi nhớ quê hương, vậy là anh trở về. Hiện giờ anh Thanh là thợ khắc gỗ, người làm ra những đế gỗ giày rồng nổi tiếng. Ngoài ra, một số mẫu giày rồng còn do chính anh Thanh đề xuất ý tưởng, lên bản vẽ và hoàn thiện cho đến mẫu chạm cuối cùng.

nghe nhan

“Họ yêu nghề đến mức làm mình cũng phải yêu theo. Lần gặp đầu tiên, họ kể say sưa đến mức mình quên cả giờ ăn hay giờ về. Rồi có người gặp khó khăn kinh tế, sức khỏe, gia đình, khúc mắc trong công việc… nhưng họ vẫn cố gắng bám trụ với nghề, giữ nghề khiến những người đồng hành như mình và Fashion4Freedom càng thêm nể phục và trân quý họ”.

 

Hoàng Hân/Vinatex