Hải Phòng thu hút đầu tư vào logistics

3 trọng tâm logistics của Hải Phòng là dịch vụ cảng; kho bãi, xử lý; trung chuyển - dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Trong đó, vấn đề trung chuyển của Hải Phòng có vai trò rất lớn, thể hiện tính kết nối, làm động lực cho liên kết vùng...
Cảng container Quốc tế Tân Cảng – Hải Phòng
Cảng container Quốc tế Tân Cảng – Hải Phòng

 

Hải Phòng là đầu mối giao thông của phía Bắc với đủ 5 loại hình giao thông bao gồm: Đường biển, đường bộ, đường hàng không, đường sắt và đường thủy nội địa.

Một thuận lợi hết sức cơ bản là Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã khẳng định rõ vị thế, tầm quan trọng của thành phố Hải Phòng đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước.

Đây là điều kiện thuận lợi để Hải Phòng có những bước phát triển đột phá, mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ nói riêng và cả nước nói chung.

Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính; rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Thành phố đã chỉ đạo sát sao công tác hỗ trợ các thủ tục về đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các dự án.

Đồng thời, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, tạo cơ sở cho thu hút đầu tư vào dịch vụ logistics. Thành phố đã tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, các khu công nghiệp.

Nhiều công trình giao thông trên địa bàn thành phố có vai trò liên kết vùng đã hoàn thành và đang triển khai như Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, mở rộng nâng cấp Quốc lộ 10, cầu Bạch Đằng, tuyến đường bộ ven biển, mở rộng Nhà ga Cảng hàng không quốc tế Cát Bi giai đoạn 2, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức thông xe kỹ thuật nút giao Nam Cầu Bính
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức thông xe kỹ thuật nút giao Nam Cầu Bính

 

Kết quả là Hải Phòng có thêm nhiều doanh nghiệp làm dịch vụ cảng, vận tải, xuất nhập khẩu, logistics hàng đầu cả nước. Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đến với Hải Phòng đầu tư phát triển logistics liên tục gia tăng.

Cho đến nay, trên địa bàn Hải Phòng có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó có nhiều trung tâm logistics lớn như: Trung tâm logistics của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, GSL, DH, Yusen, Hải An…

Hệ thống cảng biển và hàng không, cùng các điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi là tiền đề cho sự phát triển ngành dịch vụ logistics tại TP. Hải Phòng.

3 trọng tâm logistics của Hải Phòng là dịch vụ cảng; kho bãi, xử lý; trung chuyển - dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp. Trong đó, vấn đề trung chuyển của Hải Phòng có vai trò rất lớn, thể hiện tính kết nối, làm động lực cho liên kết vùng...

Đây là tiền đề giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố giai đoạn 2016-2019 ước đạt 15,05%/năm.

Quy mô GDP của thành phố không ngừng được mở rộng, tổng GDP năm 2019 ước đạt 179.846 tỷ đồng. Tỷ trọng GDP Hải Phòng so với tổng GDP toàn quốc tăng dần, đạt 4,42% năm 2018. GDP bình quân đầu người năm 2019 ước đạt 4.913 USD/người.

Dịch vụ cảng biển phát triển mạnh, sản lượng hàng hóa qua cảng tăng cao, năm 2019 ước đạt 129,2 triệu tấn. Dịch vụ logistics tăng nhanh, đang dần hình thành trung tâm logistics lớn của cả Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Sơn Trà