Hàng Việt trên đất nước Triệu Voi

Tuy đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan, hàng Trung Quốc, nhưng người Lào yêu thích hàng Việt vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng và có lẽ còn thêm cả những cảm tình riêng nữa.

Với người Việt Nam, đất nước “Triệu Voi” không có gì xa lạ mà hết sức gần gũi, thân thương bởi tình đoàn kết hữu nghị giữa 2 dân tộc Việt - Lào đã được dựng xây và vun đắp trong suốt chiều dài lịch sử. Và, cũng thật hiếm có đất nước nào mà mỗi khi đặt chân tới, người Việt lại có cảm giác như đang ở nhà.

"Như đang ở nhà" là cảm giác chung của rất nhiều người Việt Nam khi sang công tác, học tập hay du lịch trên đất nước Lào. Không hẳn do không gian địa lý mà chính là sự gần gũi về văn hóa, và mối quan hệ đặc biệt thủy chung giữa hai dân tộc. Như ở nhà bởi bạn sẽ gặp nhiều người Lào biết tiếng Việt Nam, với nụ cười thân thiện, cởi mở. Đặc biệt hơn là rất nhiều những thương hiệu Việt đã và đang nổi danh trên đất Lào...

Theo số liệu chưa đầy đủ, hiện có khoảng 40.000 người Việt đang sinh sống và làm ăn tại Lào. Trong đó đông nhất là ở Thủ đô Viêng Chăn hiện có khoảng 10.000 bà con Việt Kiều; thị xã Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muồn có 400 gia đình với hơn 2.000 bà con Việt Kiều sinh sống và làm ăn. Người Việt ở Lào tham gia vào đủ các lĩnh vực, ngành nghề nhưng đáng kể nhất là kinh doanh, buôn bán, dịch vụ.

Đồ điện dân dụng Việt Nam đc người Lào ưa chuộng

Vì vậy, hàng hóa Việt Nam khá phong phú và nổi tiếng. Tuy đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt với hàng Thái Lan, hàng Trung Quốc, nhưng người Lào yêu thích hàng Việt vì chất lượng tốt, giá cả phải chăng và có lẽ còn thêm cả những cảm tình riêng nữa.

Một tên tuổi nhà mạng mang đầy ý nghĩa đối với nhân dân Triệu Voi chính là Viettel với thương hiệu hãng di động Unitel. Cùng với chuỗi các ngân hàng BIDV, Sacombank, Viettinbank là taxi Mai Linh, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu như: PV Oil, Petrolimex; đệm Kymdan, may mặc Việt Tiến, An Phước; các sản phẩm tiêu dùng như: bóng đèn Rạng Đông, đồ điện Lioa; dép Biti’s, bút bi Thiên Long...

Trên đất Lào các chợ lớn đến chợ nhỏ đều bán nhiều hàng Việt. Nhưng hàng Việt có nhiều nhất là ở chợ Sáng, chợ Đông Ba Lan, chợ Tôn Hàng Khăm, chợ Khủa Đin (Viêng Chăn)...

Giầy da Việt Nam được bạn Lào thích mê ly

Gần gũi "như ở nhà" còn bởi chuỗi những cửa hàng, ẩm thực mang văn hóa Việt, bảng hiệu in cả chữ Việt và chữ Lào ở khắp các đô thị lớn của Lào như Thủ đô Viêng Chăn, thị xã Thà Khẹc, cố đô LuôngPrabăng, U Đôm Say hay Bô Ly Khăm Xay... Đến các đô thị này, bất cứ nơi nào chúng ta cũng có thể gặp những hiệu cơm Việt, bún chả Hà Nội, phở, bún bò Huế, mỳ Quảng, cà phê Trung Nguyên... Thực khách thanh toán bằng kip Lào cũng được nhưng nếu trả bằng tiền đồng Việt Nam cô chủ quán cũng gật đầu với nụ cười quyến rũ và mê đắm...

Ngoài những dấu ấn của số đông thì không thể không nhắc đến những người Việt thành công ở Lào. Chính họđã trở thành những sứ giả của Việt Nam cũng như biểu trưng cho sự thành công của những gì “made in Việt Nam”. Đó là ông Nguyễn Duy Trung, 59 tuổi, hiện là Chủ tịch Hội người Việt Nam tại thủ đô Viêng Chăn. Ông quê gốc ở Tuyên Hóa, Quảng Bình; sinh ra và lớn lên ở bản Xiêng Vang, huyện Noọng Bốc, tỉnh Khăm Muồn. Năm 18 tuổi ông rời làng Xiêng Vang với hai bàn tay trắng, trải qua bao thăng trầm nhưng bằng bản lĩnh, ý chí kiên cường ông đã tạo dựng được một cơ ngơi đáng nể trên đất nước Triệu Voi gồm: 5 nhà máy, một công ty, một trung tâm siêu thị đa năng lớn nhất Lào, 25 ha “đất vàng” cùng 149 căn biệt thự ở thủ đô Viêng Chăn. Ông là một tỷ phú thành đạt nhất trong cộng đồng dòng máu Lạc Hồng ở xứ sở hoa Chăm Pa…

Nước mắm Phú Quốc có mặt ở Lào

Siêu thị Asean Mall của ông được đầu tư hơn 10 triệu USD, khánh thành và đưa vào sử dụng từ năm 2012. Trong hệ thống siêu thị rộng hơn 10.000m2 này, ông dành hầu hết bán hàng Việt Nam. Ở thủ đô Viêng Chăn nếu muốn tìm thứ gì mang thương hiệu Việt từ cây bút bi, hộp giấy ăn đến gỗ nội thất cao cấp của Hoàng Anh Gia Lai hay đồ điện dân dụng như Rạng Đông, Lioa... đều có thể tìm thấy ở Asean Mall.

Tháng 7 ở Viêng Chăn đang là mùa mưa. Nhưng mưa ở Viêng Chăn không dấm dẳng, lai rai như ở Việt Nam. Những cơn mưa rào ào đến rồi đi. Đêm ở Viêng Chăn êm đềm và yên tĩnh. 22h mà đường phố đã vắng vẻ, chỉ còn lác đác xe cộ đi lại.

Chúng tôi lang thang ra đường. Các nhà hàng, quán ăn ở Thủ đô cũng chỉ được phép ồn ào đến 24h rồi tắt. Tạt vào một quán ăn đêm bên đường Ngưm ven bờ sông Mê Kông, ông chủ quán chạy ra hỏi bằng tiếng Lào sau đó biết chúng tôi là người Việt, ông lại "xổ" ra một tràng tiếng Việt với chất giọng Quảng Bình đặc sệt. Một cảm giác vui sướng khó gọi tên dào dạ tùa về ngay lúc đó, sau đó biết được thêm ông sinh ra và lớn lên ở Lào nhưng vẫn luôn hướng về quê hương, chúng tôi không ai bảo ai bất giác nắm chặt lấy tay nhau…

Ông bảo khuya rồi, quán chỉ còn mì gói, nếu ăn thì ông phục vụ. Nhìn bát mì gói 2 tôm Miliket thơm lừng, bốc hơi nghi ngút giữa một nơi cách xa Hà Nội cả mấy ngàn cây số, tự dưng ai cũng thấy gần gũi và xúc động. Hóa ra hồn Việt, cốt cách Việt không chỉ là văn hóa, là tiếng nói mà trong đó có cả hàng hóa Việt...


Hà Vũ