HARCOSA: Mô hình năng suất tổng thể mang tới những giá trị khó đong đếm

Với bề dầy hơn 50 năm ra đời và phát triển, Công ty TNHH Sản xuất Giầy và Nguyên phụ liệu HARCO (HARCOSA) luôn nhận thức dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị lúc nào cũng đóng vai trò then chốt, quyết định đến năng suất, hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm. Tham gia áp dụng mô hình năng suất tổng thể chính là cách HARCO mong muốn được áp dụng các cải tiến tổng thể để nâng cao hơn nữa năng suất của mình.

Muốn cải tiến, phải thay đổi

Chia sẻ của ông Lưu Đức Dũng - Trợ lý giám đốc, Dự án mô hình năng suất tổng thể là một dự án rất phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có HARCOSA. Nó giúp cho các doanh nghiệp có giải pháp cải tiến tổng thể các vấn đề nội bộ của mình.

Đối với một đơn vị sản xuất giầy như  Công ty  HARCOSA, dây chuyền công nghệ, máy móc thiết bị đóng vai trò then chốt, quyết định đến năng suất, hiệu quả công việc, chất lượng sản phẩm. Trong quá trình chuyển dịch nhà máy, song song với việc xây dựng mới các xưởng sản xuất, Công ty đã đầu tư thêm  máy móc thiết bị hiện đại thay thế cho những máy móc cũ để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

HARCOSA
Dự án mô hình năng suất tổng thể là một dự án rất phù hợp với các doanh nghiệp sản xuất, trong đó có HARCO

Mặc dù Công ty đã đưa ra các quy định, các hướng dẫn làm việc, kế hoạch sản xuất, lệnh sản xuất nhưng trong quá trình sản xuất, cán bộ công nhân viên không tuân thủ đúng, thậm chí có trường hợp sai lệnh sản xuất. Ví dụ: tại chuyền gò, công nhân tự thả form giày mà không theo kế hoạch đưa xuống.

Hiện tại đang giao khoán năng suất bằng 70% năng suất tại cơ sở cũ, một số đơn hàng không đạt mức khoán, năng suất không ổn định. Ngoài ra, do mới đầu tư xây dựng lại nhà xưởng, công nhân chưa tuyển đủ nên công suất sử dụng dây chuyền chưa khai thác hết, nhiều vị trí máy móc chưa đưa vào sử dụng, không có công nhân ngồi. Đặc biệt, hoạt động chuyển đổi mã hàng mất nhiều thời gian: mã hàng mới mất 4h, mã hàng cũ mất 2h...

Cũng cần phải nói thêm rằng trước khi tham gia Dự án, HARCOSA gặp rất nhiều vấn đề về quản lý tổng thể. Ngoài việc chưa tuyển đủ công nhân nên chưa đủ công suất dây chuyền, dẫn đến nhiều hoạt động bị trì trệ, kém hiệu quả… còn là nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn như tình trạng chưa thu thập dữ liệu như thời gian chu kỳ (cycle time), tỷ lệ thời gian hoạt động, tỷ lệ thời gian chết, tỷ lệ sản phẩm khuyết tật, lịch sản xuất chuẩn; Chưa có hoạt động đo thời gian thao tác chuẩn làm việc, bộ phận kỹ thuật hướng dẫn đào tạo cho người mới làm chỉ ở mức cơ bản, chưa  đưa ra điểm lưu ý cho các công đoạn khó, có thể xảy ra sai lỗi.

Hoặc là cách bố trí layout, vị trí đặt để máy móc thiết bị chưa hợp lý, không thuận tiện cho thao tác của công nhân, làm việc phải đứng lên ngồi xuống nhiều lần, di chuyển đến các máy xa, ảnh hưởng đến năng suất công việc.

HARCOSA
Khi chưa áp dụng, triển khai dự án cả tiến năng suất, quá trình sản xuất đang xảy ra nhiều lãng phí ở tất cả bộ phận: lãng phí chờ đợi, lãng phí vận chuyển, lãng phí thao tác thừa...

Mặc dù Công ty đã ban hành Quy trình quản lý chất lượng sản phẩm, nhưng việc thực hiện chưa được đầy đủ. Tại các bộ phận chặt, may, gò, hoàn thiện thường xuyên xảy ra lỗi; các lỗi này chưa cập nhật, thống kê sản phẩm lỗi, chưa phân tích nguyên nhân gốc rễ vì sao sản phẩm bị lỗi.

Quá trình sản xuất đang xảy ra nhiều lãng phí ở tất cả bộ phận: lãng phí chờ đợi, lãng phí vận chuyển, lãng phí thao tác thừa...

Đặc biệt, Công ty chưa hình thành phương pháp để phân tích lỗi, các lý do dừng máy chưa được phân tích, chưa tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp phòng ngừa khắc phục hiệu quả.

Lợi ích khó đong đếm

Với rất nhiều bất cập phát sinh trong những năm qua, HARCOSA thật sự cần có nhiều thay đổi trong quản lý để cải tiến tổng thể tất cả các vấn đề nội bộ của mình.

Tham gia Dự án, HARCOSA chú trọng trụ cột Quản lý sản xuất nhất vì đây là trụ cột xương sống của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, đồng thời, HARCOSA cũng xác định giải pháp về công nghệ và thiết bị là giải pháp phải đầu tư tốn kém nhất.

HARCOSA đã áp dụng các công cụ cải tiến như chuỗi giá trị VSM, 5S, cân bằng năng lực chuyền, chuẩn hóa thao tác, TPM...

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ, thống nhất các bước thực hiện quá trình sản xuất từ khâu nhập vật tư, lập kế hoạch sản xuất, lệnh sản xuất, tiến hành sản xuất và kiểm tra chất lượng tránh gây sai sót nhầm lẫn, làm không đúng kế hoạch, sản phẩm lỗi gây ra các lãng phí.

HARCOSA
Tham gia Dự án, HARCO chú trọng trụ cột Quản lý sản xuất nhất vì đây là trụ cột xương sống của một doanh nghiệp sản xuất kinh doanh

Bên cạnh đó cùng thực hiện hàng loạt các nhiệm vụ sau: Xem xét, tiến hành đo lại thời gian các bước thực hiện thao tác chuẩn; từ đó bố trí, sắp xếp layout, bố trí lại khu vực để máy móc, sắp xếp lại cân bằng năng lực, giảm thời gian chuyển đổi mã hàng. Lãnh đạo Công ty cùng với các cán bộ, công nhân viên thu thập, xác định đầy đủ các lãng phí ở các công đoạn, các bộ phận. Từ đó tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây ra các lãng phí để tiến hành loại bỏ, giảm thiểu chúng.

Các khu vực  được dọn dẹp gọn gàng, nhất là khu vực kho, khu vực chứa thành phẩm đảm bảo an toàn, sạch sẽ, thuận tiện tại nơi làm việc.

Đặc biệt, tăng cường kiểm soát các chỉ số hiệu quả thiết bị, theo dõi hoạt động của thiết bị thường xuyên hơn. Đưa ra quy trình bảo dưỡng, kiểm tra, vệ sinh rõ ràng hơn để đảm bảo sự vận hành tốt của thiết bị và đảm bảo được chất lượng sản phẩm.

Sau 3 tháng áp dụng các giải pháp cải tiến: Năng suất lao động tăng lên 10%; Nâng cao chỉ số hiệu suất sử dụng máy móc thiết bị OEE lên 5%; Thực hiện các giải pháp cải tiến chất lượng để tăng sự hài lòng của khách hàng; Xây dựng tiêu chuẩn, mô tả công việc cho những công đoạn, bộ phận quan trọng, đồng thời cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, thiết lập cơ chế hoạt động của từng công đoạn và bộ phận này. “Trong quá trình chủ động đưa ra các ý tưởng cải tiến và mạnh dạn triển khai các ý tưởng đó, chúng tôi đã nhìn ra được 7 lãng phí trong sản xuất để từ đó có phương án xử lý” – ông Dũng nhấn mạnh.

Ngoài những con số “biết nói‘‘ đó, HARCOSA còn cảm nhận được những lợi ích khác, khó có thể đo lường, đong đếm được. Đó là việc hoàn thiện và đồng bộ hóa quá trình sản xuất, xây dựng quy trình tinh gọn hơn, giảm các bước thừa, kém hiệu quả, cũng như tối ưu hóa mặt bằng sản xuất, rút ngắn thời gian sản xuất, nhanh chóng ra chuyền và nhập kho.

Người lao động đã nhận thức được ý nghĩa của quá trình cải tiến, thấu hiểu các quy trình, làm việc theo quy trình, hướng dẫn công việc, có trách nhiệm hơn với công việc, thu nhập được tăng thêm. Một môi trường làm việc được cải thiện khá nhiều, an toàn và vệ sinh hơn hẳn đã khiến người lao động hài lòng hơn.

Minh Thủy