Đồng hành vì sự phát triển của ngành Giấy
Có thể khẳng định, sau hơn một năm kiện toàn bộ máy, VPPA đã dần từng bước hoàn thiện hoạt động, hội nhập mạnh mẽ, số lượng hội viên tăng từ 76 lên 85 hội viên vào năm 2019. Các hội viên của VPPA luôn tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến vào công tác, hoạt động chung.
Nhiều hoạt động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, VPPA đã kiến nghị đến các cơ quan chức năng, Bộ ban ngành, đóng góp các ý kiến để phát triển ngành Giấy theo hướng bảo vệ môi trường phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn..; Đồng thời phối hợp tổ chức các buổi làm việc và trực tiếp làm việc với các cơ quan quản lý nhà nước như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên – Môi trường, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính…
Đồng thời, trực tiếp báo cáo với các cơ quan quản lý về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của Ngành, các doanh nghiệp hội viên, đề xuất các kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp trong việc nhập khẩu giấy phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; Kiến nghị tới các cơ quan liên quan, tháo gỡ vướng mắc của Thông tư 08/2018/TT-BTNMT – QCVN 33:2018…
Ngoài ra, VPPA đã kiến nghị lên Bộ Khoa học và Công nghệ về việc nhập khẩu thiết bị, máy móc cũ trong ngành Giấy; điều chỉnh Thông tư 23/2015/TT-BKHCN ngày 13/11/2015 của Bộ KH&CN thành Quyết định số 18/2019 của Thủ tướng Chính phủ về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ, qua đó kéo dài thời gian máy móc thiết bị đã qua sử dụng của Ngành được phép nhập khẩu từ 10 năm lên thành 20 năm;
Đề xuất với Tổng cục Hải quan Bộ Tài chính về việc áp mã HS trong việc nhập khẩu nguyên liệu giấy để sản xuất, bảo đảm đúng mã HS đối với sản phẩm doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời tuân thủ hiệu quả trong quản lý nhà nước, hỗ trợ doanh nghiệp an tâm sản xuất...
Các hoạt động, kiến nghị trên đều được VPPA lấy ý kiến các doanh nghiệp hội viên, nhờ đó, các khó khăn của Ngành được tháo gỡ kịp thời…
Nỗ lực triển khai nhiều hoạt động hiệu quả ý nghĩa
Ngoài sự nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, kiến nghị các chính sách phù hợp với sự phát triển của ngành Giấy trong quá trình hội nhập quốc tế, với mong muốn tập hợp, gia tăng sự kết nối cho các doanh nghiệp ngành Giấy và các ngành liên quan, VPPA đã tập trung nguồn lực cho việc phối hợp chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ, liên kết, hợp tác, tạo chuỗi cung ứng để xây dựng ngành Công nghiệp Giấy ngày càng phát triển.
Năm 2019, VPPA đã tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn như tổ chức Diễn đàn định hướng đầu tư phát triển bền vững Ngành công nghiệp Giấy, Hội nghị Kỹ thuật Ngành giấy 2019; Hội nghị ngành Công nghiệp giấy Đông Nam Á lần thứ 34, tọa đàm Công nghệ mới về bột giấy...
Trong năm, Văn phòng Hiệp hội đã tổ chức gặp gỡ với một số đoàn khách nước ngoài (Mỹ, Cannada, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản…) nhằm trao đổi, tìm hiểu thông tin ngành giấy các nước thông qua các đối tác. Đặc biệt là Chương trình “sản xuất tuần hoàn trong ngành giấy”, Hội đồng DN vì sự phát triển bền vững của Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm giới thiệu các đối tác tin cậy trong việc xuất khẩu giấy thu hồi cho các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam.
Văn phòng Hiệp hội đã nhiều lần tổ chức các chuyến công tác tới các Doanh nghiệp FDI trong ngành Giấy nhằm tìm hiểu về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của khối doanh nghiệp này tại Việt Nam, hỗ trợ cung cấp thông tin về chính sách cho các doanh nghiệp FDI; đồng thời đón tiếp, thảo luận, trao đổi về hoạt động của Hiệp hội với các doanh nghiệp FDI, đại diện các doanh nghiệp nước ngoài tới làm việc tại Văn phòng Hiệp hội, tìm hiểu về ngành giấy và khả năng đầu tư vào ngành giấy Việt Nam...
Một năm “tất bật” của các ban chuyên trách
Với tinh thần phát triển công tác Hiệp hội một cách chuyên nghiệp, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam đã phân ra 3 ban chuyên trách là Ban Truyền thông, Ban chuyên môn và Ban Hội viên.
Đặt trọng tâm hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên phát triển ngành theo hướng bền vững hướng tới nền kinh tế tuần hoàn, thời gian qua Ban Truyền thông VPPA đã hoạt động rất tích cực và tổ chức được nhiều hoạt động truyền thông, xúc tiến góp phần thay đổi nhận thức của xã hội và của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với ngành Giấy; được hội viên, các cơ quan quản lý nhà nước đánh giá rất cao; đóng góp ý kiến và tiếng nói của Hiệp hội, đề xuất để Hiệp hội tham gia sâu vào công tác quản lý Ngành cùng với các cơ quan quản lý nhà nước…
Ban Chuyên môn VPPA đã tham mưu, báo cáo lãnh đạo Hiệp hội đề xuất và được Bộ Công Thương phê duyệt giao thực hiện công tác lập đề án tái cơ cấu Ngành; đề án lập cơ sở dữ liệu ngành Công Nghiệp Giấy Việt Nam (các nhiệm vụ này sẽ thực hiện trong năm 2019-2020), phối hợp cùng Cục Công nghiệp - Bộ Công Thương xây dựng đề cương chi tiết nhằm định hướng cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của ngành trong thời gian tới là “Chiến lược phát triển ngành Giấy giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2045”.
Ban Hội viên VPPA kết hợp với các hoạt động của Ban Truyền thông, Ban Chuyên môn đã xây dựng kế hoạch và chương trình hoạt động trong năm 2019, có những hoạt động thu hút việc gia nhập Hiệp hội và quảng bá nội dung hoạt động thực tế của VPPA tới các doanh nghiệp ngoài Hiệp hội; phát triển thêm hội viên mới.
Khép lại những khó khăn, thử thách năm 2019, năm 2020, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam quyết tâm, nâng cao hiệu quả, tính chuyên nghiệp để đồng hành thể hiện vai trò đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp ngành Giấy Việt Nam.