Hiệu quả từ mô hình kinh tế tập thể trong ngành Công Thương

Báo cáo tổng kết công tác hoạt động phối hợp giữa Bộ Công Thương và Liên minh Hợp tác xã (LMHTX) Việt Nam các năm 2010 – 2011 đã khẳng định: Kinh tế tập thể trong lĩnh vực Công Thương đã thực sự phát
Hiệu quả từ mô hình kinh tế tập thể
Tính đến 31/12/2011, cả nước có 2.897 HTX CN – TTCN , 1.709 HTX dịch vụ điện nước. So với năm 2009, đã có 676 HTX được thành lập mới. Ngành nghề của các đơn vị hoạt động đa dạng phong phú, nhưng chủ yếu là các sản phẩm dệt may, thêu ren, đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng; sản phẩm cơ kim khí đơn giản như nông cụ, gia công chi tiết; sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống.

Trong 2 năm từ 2010 - 2011, phần lớn các HTX CN – TTCN vẫn duy trì được sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã viên và người lao động, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường. Nhiều HTX chú trọng huy động được các nguồn lực đầu tư đổi mới công nghệ, trang thiết bị hiện đại, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cải tiến tổ chức sản xuất, quản lý. Một số HTX đã áp dụng được hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm cả ở thị trường trong và ngoài nước. HTX trong các làng nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Nhiều nơi, các hộ nghề đã tập hợp trong các tổ hợp tác, HTX để liên kết trong việc cung ứng vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật, cải tiến mẫu mã và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Các HTX đã khắc phục được khó khăn, chủ động tìm thị trường thông qua các hoạt động như xúc tiến thương mại, tăng cường đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng và hạ giá thành sản phẩm… Nhiều HTX có tốc độ tăng trưởng cao như: HTX Ba Nhất, HTX Song Long, HTX Cơ khí Hợp Tiến, HTX Cơ khí Phú Thạnh, HTX Cơ khí Phương Nam, HTX Tiểu thủ công nghiệp Đại Hiệp, HTX Dệt may Duy Trinh, HTX CN Tiến Bộ, HTX Sơn khảm Ngọ Hạ,…

Trong lĩnh vực thương mại, Trong hai năm 2010, 2011 cả nước có 429 HTX TM mới thành lập theo Luật HTX, nâng tổng số HTX TM (tính đến 12/2011) là 1.325 HTXTM và 13 Liên hiệp HTX; tăng gần 48% so với thời điểm cuối năm 2009. Điển hình một số địa phương có số lượng HTXTM nhiều như Hà Nội (125), TP. Hồ Chí Minh (121), Đồng Nai (43), Nghệ An (46)… Ngoài ra còn hàng nghìn HTX trong các ngành khác có hoạt động thương mại, tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện cả nước có khoảng trên 40% trong tổng số trên 9.246 HTXNN thực hiện dịch vụ cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ đang có xu hướng phát triển ở cả địa bàn thành thị và nông thôn. Đến cuối năm 2011, cả nước đã có 165 HTX chợ quản lý và kinh doanh 175 chợ. Mô hình HTX quản lý, kinh doanh chợ đã được được những kết quả kinh tế xã hội nhất định do không có vướng mắc về nghĩa vụ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước. Một số HTX có tích lũy đầu tư lại cơ sở vật chất tại chợ và những khoản đóng góp cho địa phương, thu hút được lao động tại chỗ. Việc giao các chợ cho doanh nghiệp, HTX đầu tư khai thác theo phương thức tự hạch toán, kinh doanh đã đảm bảo cân đối thu chi, chủ động cho mọi hoạt động nên có nhiều ưu điểm vượt trội so với mô hình Ban quản l‎í chợ, nhất là giảm được chi phí cho ngân sách và biên chế cán bộ quản lý chợ. Điển hình như HTX nông nghiệp Láng Hạ trong thời gian qua đã đầu tư gần 6 tỷ đồng từ nguồn vốn của xã viên để đầu tư xây dựng chợ diện tích 8.000 m2, thu hút hơn 400 hộ kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 200 xã viên và người lao động.

Hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, một số HTX, Liên hiệp HTXTM đã tổ chức bán hàng lưu động phục vụ các khu chế xuất, khu công nghiệp, bệnh viện, vùng sâu, vùng xa… tham gia đưa hàng Việt về nông thôn, đây là việc làm thể hiện tin thần phục vụ và cũng là cách làm hiệu quả để quảng bá thương hiệu đến đông đảo khác hàng. Điển hình là Saigon Co.op đã nhiều năm liên tục triển khai chương trình này một cách hiệu quả. Riêng năm 2010 đã có gần 400 nhà sản xuất nội địa tham gia và được người tiêu dùng trong cả nước hưởng ứng nhiệt tình, doanh số hệ thống Co.opMart tăng hơn 40% và doanh số của các nhà cung cấp nội địa tham gia chương trình tăng hơn 70%. Bên cạnh việc đẩy mạnh kinh doanh hàng Việt tại siêu thị, hệ thống Co.opMart còn là đơn vị tích cực hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn. Trung bình mỗi năm phục vụ được hơn 1.000 chuyến bán hàng lưu động phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất với mức giá hấp dẫn từ 5 – 40% cho các sản phẩm nội địa cùng nhiều quà tặng kèm theo. 




Saigon Co.op đã vinh dự được Tạp chí bán lẻ châu Á bình chọn là nhà bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam 


Trong quá trình hoạt động, các HTX đã có sự liên kết với nhiều doanh nghiệp, liên hiệp HTX trong việc cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, tiêu thụ nông sản thực phẩm cho nông dân, trong đó có việc đưa hàng vào hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, đồng thời liên kết với các hộ kinh doanh để mở rộng mạng lưới bán lẻ.

Sự phối kết hợp rất cần ở tầm vĩ mô
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng: Sau hai năm phối hợp hoạt động giữa hai bên Bộ Công Thương và Liên minh HTX đã có những kết quả đáng ghi nhận, từ lĩnh vực CN- TTCN, TM - DV, việc triển khai được thực hiện tốt và hiệu quả sát thực, các Sở Công Thương, các LMHTX được ký kết và triển khai thực hiện cụ thể tại các cơ sở và được đánh giá thường xuyên, có những trao đổi, phối hợp rút kinh nghiệm. Một số mô hình HTXTM hoạt động hiệu quả đã được phát hiện, xây dựng và nhân rộng như HTX đa chức năng, HTX quản lý và kinh doanh chợ, mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp thông qua HTX tại 12 tỉnh (cho đến nay đã có 6 tỉnh đã tổng kết). Công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như công tác xúc tiến thương mại, khuyến công cũng đã được hai bên quan tâm. Các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế đã được triển khai một cách qui mô và thiết thực. Có thể khẳng định kết quả thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa hai bên đã góp phần phát huy được vai trò của kinh tế tập thể trong tiêu thụ nông sản, hàng công nghiệp và cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp và là một trong các giải pháp tích cực góp phần ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế như: một số đơn vị chưa thật sự chủ động triển khai nhiệm vụ được phân công; công tác tuyên truyền, phổ biến được thực hiện chưa tương xứng với với điều kiện và khả năng của hai bên; một vài địa phương vẫn chưa phát huy được vai trò của kinh tế tập thể trong tiêu thụ nông sản, hàng hóa công nghiệp và cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, chưa thật sự chủ động triển khai xây dựng các mô hình tiêu thụ nông sản và đề xuất việc sử dụng ngân sách địa phương cùng các nguồn vốn khác để thực hiện các dự án này. Sự phát triển của kinh tế tập thể trong lĩnh vực Công Thương đã góp phần phát triển kinh tế, xã hội; khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, cung cấp nhiều loại hình dịch vụ, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, ổn định giá cả thị trường, phục vụ đời sống sinh hoạt nhân dân, đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa, góp phần chung vào tốc độ tăng trưởng của ngành Công Thương. Cụ thể năm 2010, tổng mức bán lẻ hàng hóa và kinh doanh thu dịch vụ của khu vực kinh tế tập thể chỉ đạt 16.726 tỷ đồng, đến năm 2011 đạt 21.880 tỷ đồng tăng hơn 24% so với năm 2010. Nhìn chung sau hai năm 2010, 2011 sự phối kết hợp giữa hai bên đã thực sự hỗ trợ đắc lực cho các chương trình tiêu thụ hàng nông sản, TTCN. Trong thời gian tới thực hiện kế hoạch phối hợp giai đoạn 2 từ 2012 – 2015 giữa hai bên sẽ có nhiều điều kiện thuận để nhân rộng mô hình này hơn nữa. Bộ Công Thương rất mong tính chủ động giữa các Sở Công Thương và LMHTX các tỉnh, thành phố đề xuất tham mưu cho lãnh đạo các địa phương để cùng thực hiện.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc phụ trách khối mua của Saigon Co.op có ý kiến rằng: Cơ chế phối kết hợp rất cần nhưng phải có cam kết và có điều kiện để đảm bảo hàng nhập vào siêu thị để phân phối đến tay người tiêu dùng phải đảm bảo chất lượng và uy tín, về giá cả phải phù hợp.

Đối với những tổ chức trong LMHTX phải hướng về cộng đồng là phục vụ lợi ích xã hội, chính vì thế cần có chính sách ưu tiên của Nhà nước về đất đai, thuế, giới thiệu những mô hình điển hình để cả nước học tập. Trong quy hoạch về hệ thống bán buôn, bán lẻ, thì đối với các tổ chức HTX làm tốt thì nên được ưu tiên cân nhắc khi quy hoạch. Việc này đã được Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh sớm triển khai thực hiện nhưng không đơn giản. Sự chỉ đạo của Thành ủy đã được thông qua nhưng khi về quận huyện thì việc giải quyết mặt bằng đất đai là vấn đề rất khó. Chính vì vậy các tổ chức mô hình kinh tế tập thể rất cần Bộ Công Thương và LMHTX phối kết hợp phát triển ở tầm vĩ mô, đề nghị Nhà nước tạo điều kiện khi quy hoạch để các HTX, các doanh nghiệp thương hiệu Việt được ưu tiên về vị trí mặt bằng và có những chính sách thuế phù hợp để phát triển.

Hiện nay công tác quản lý nhà nước đối với HTX còn nhiều tồn tại và hạn chế nhất định, một số cán bộ đảng viên và người dân còn có cái nhìn sai lệch và chưa thực sự tin tưởng vào mô hình HTX kiểu mới. Các tổ chức và cán bộ chuyên trách trong bộ máy quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể trong ngành Công Thương từ Trung ương đến địa phương chưa được hoàn thiện theo tinh thần của Nghị quyết TW 5 (Khóa IX).

Về vấn đề này ông Nguyễn Duy Hiếu, Chủ tịch Liên Minh HTX Thành phố Hồ Chí Minh đã kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng đó là: Hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các HTX tập trung chủ yếu mới chỉ dành cho lĩnh vực sản xuất. Chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với HTX quy định trong Nghị định 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 về chính sách khuyến khích phát triển HTX (cụ thể là về thuế, đất đai, hỗ trợ phát triển hạ tầng) chưa được hướng dẫn đầy đủ và cụ thể hóa nên khó thực hiện. Đồng quan điểm với bà Thu, ông Hiếu cho rằng Nhà nước cần ưu tiên các mô hình hoạt động có hiệu quả được áp dụng cơ chế đặc thù, ưu tiên về thuế, mặt bằng, cơ sở hạ tầng…nhất là về công tác xúc tiến thương mại, Nhà nước cũng cần có có chính sách hỗ trợ các HTX đưa hàng vào siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Mong muốn của các HTX là sẽ trở thành một tổ chức nhân văn, hướng tới cộng đồng để đóng góp lợi ích kinh tế cho xã hội và cho đất nước.