Hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước

Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước.
Đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam
Đại biểu bấm nút khai trương Hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, ngày 19/6/2020

 

Những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ được quan tâm, thúc đẩy tăng cường liên kết, nâng cao sự vững chắc trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản…

Bước đầu hình thành hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và gia tăng tỷ lệ nội địa hóa; Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế;

Điển hình là công nghiệp ô tô Việt Nam, lần đầu tiên khẳng định sự tự chủ trong đầu tư, sản xuất, làm chủ công nghệ và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.

Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia (như Samsung, Toyota...) tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp; Đến nay cũng có thêm 03 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi cung ứng của Toyota.

Đồng thời, Bộ Công Thương đã xây dựng và chính thức khai trương hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, là dấu mốc quan trọng nhằm giải quyết nhu cầu hình thành mạng lưới kết nối B2B trong và ngoài nước, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, đáp ứng nhu cầu kết nối đầu tư, tăng cường cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia.

Đã xây dựng, báo cáo Chính phủ ban hành nhiều chính sách có hiệu quả để phát triển công nghiệp hỗ trợ như: Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2016 - 2025; Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/8/2020 của Chính phủ về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ;

Triển khai xây dựng các Trung tâm Kỹ thuật nhằm hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp công nghiệp nói riêng và doanh nghiệp CNHT nói chung (theo mô hình của Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan) để nâng cao năng lực về kỹ thuật, quản trị cho doanh nghiệp nội địa, đáp ứng các yêu cầu của các Tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuần Giáo