Hỗ trợ khai thác thế mạnh của Lâm Đồng

Với tư cách một địa phương có nhiều đặc thù, Lâm Đồng cần tích cực phát triển công nghiệp và thương mại cũng như các ngành kinh tế khác một cách bền vững, gắn chặt với phát triển logistic.

Đưa nông sản đi xa hơn

Cuối tháng 9 năm 2017, Đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng đã có buổi làm việc với Bộ Công Thương do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu. Tại buổi làm việc này, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến đã thẳng thắn chia sẻ, Lâm Đồng không phải là tỉnh có lợi thế về công nghiệp, thời gian qua lại chủ yếu phát triển nông nghiệp và du lịch, song về lâu dài, Lãnh đạo Tỉnh nhìn nhận không thể không đầu tư phát triển công nghiệp và thương mại theo hướng cái gì là lợi thế thì phát triển trước, cái gì không có lợi thế mà quan trọng thì phát triển sau nhưng có chọn lọc.

Sau gần 2 năm, ngày 5 tháng 4 năm 2019 đoàn công tác của Bộ Công Thương có buổi làm việc với tỉnh Lâm Đồng tại thành phố ngàn hoa này. Về cơ cấu kinh tế, theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nông nghiệp vẫn tiếp tục là trụ cột khi chiếm tới 45%; tiếp theo là dịch vụ 37%; cuối cùng là công nghiệp xây dựng 18%.

Hiện nay, nông nghiệp của Lâm Đồng được đánh giá đứng đầu cả nước. Hầu hết sản phẩm chủ lực của Lâm Đồng là nông sản. Các sản phẩm này đạt chất lượng tốt với xu hướng là sản phẩm hữu cơ, cung ứng cho hầu khắp các tỉnh phía Nam; nhiều tỉnh phía Bắc đã nhập hàng. Năm 2018, xuất khẩu nông sản cả nước đạt 44 tỉ USD. Trong đó, Lâm Đồng là địa phương có thành phần nông sản xuất khẩu đứng đầu. Trong đó, caphê đạt 530.000 tấn, tổng giá trị xuất khẩu đạt 170 triệu USD, tổng giá trị xuất khẩu của chè 28 triệu USD, rau 30 triệu USD, hạt điều 26 triệu USD… Tuy nhiên, tỉ lệ xuất khẩu nông sản so với tổng giá trị sản lượng vẫn thấp, chỉ khoảng 18-20%. Vì vậy, vấn đề mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản ở trong và ngoài nước, cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản đang là mối quan tâm, trăn trở của Lâm Đồng.

q

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao tiềm năng phát triển nông sản của tỉnh Lâm Đồng, đặc biệt là nông nghiệp áp dụng công nghệ cao. Để khai thác giá trị gia tăng ngày càng cao hơn, then chốt là khâu thị trường. Cùng với sự chủ động trong sản xuất cho sản phẩm đặc thù, lâm Đồng cần phải có sự đa dạng hơn nữa trong cách thức tiếp cận thị trường.

Bộ trưởng đã chỉ đạo Cục Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Vụ Thị trường trong nước, Cục Thương mại điện tử và kinh tế số… làm việc với địa phương để rà soát, đánh giá tiềm năng, thế mạnh của các sản phẩm nông sản tại địa phương; các vấn đề liên quan đến hình thành chuỗi trong chế biến, sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, kinh doanh trực tuyến… nhằm hỗ trợ Lâm Đồng trong nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, tính cạnh tranh của sản phẩm, bảo đảm giá trị thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý để nông sản Lâm Đồng có thể bước ra thị trường khu vực thông qua các kết nối của địa phương với các thị trường khu vực và thế giới.

Các đơn vị thuộc Bộ đã trình bày rõ hơn về cách thức hỗ trợ địa phương. Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước nhấn mạnh, Đà Lạt phải xây dựng được chợ đầu mối mang tiêu chuẩn hiện đại để từ đây nguồn hàng nông sản sạch của Đà Lạt đi cả nước; Vụ Thị trường trong nước sẽ làm việc với Hiệp hội chợ đầu mối quốc tế để hỗ trợ Đà Lạt xây dựng chợ đầu mối đạt chuẩn. Mới đây, Bộ Công Thương đã soạn thảo, trình Chính phủ ban hành Nghị định 51 về hoạt động mua bán qua Sở giao dịch hàng hóa. Đồng thời , sàn giao dịch hàng hóa Việt Nam sẽ kết nối với các sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới - đây là phương thức mà Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ Đà Lạt để đẩy mạnh bán hàng, giao dịch nông sản, rau quả trên các sàn giao dịch thế giới.

Ông Nguyễn Thế Quang, Cục phó Cục Thương mại Điện tử & Kinh tế (Bộ Công thương) cho biết, cần phải  đưa nông sản Đà Lạt đi xa hơn thông qua những kênh thương mại điện tử lớn, như Amazon là một ví dụ. Thương mại điện tử sẽ mở những con đường ngắn hơn để đưa nông sản Đà Lạt ra khỏi thị trường Việt Nam.

Đối với hoạt động kết nối với các kênh phân phối, Vụ trưởng Trần Duy  Đông cho biết, trong chuyến thăm của Thủ tướng tới Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký thỏa thuận với Chủ  tịch Tập đoàn Aeon, doanh nghiệp này sẽ mua hàng của Việt Nam với số lượng là 500 triệu USD/năm. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Lâm Đồng đưa tuần lễ hàng Đà Lạt vào Aeon.

Phát triển công thương gắn với logistic

Mặc dù thế mạnh của Lâm Đồng là nông nghiệp công nghệ cao, Nhưng Bộ trưởng cũng đề nghị Lâm Đồng tiếp tục quan tâm, chú trọng hơn phát triển thương mại điện tử và kinh tế số vì đây là hướng đi tất yếu của các địa phương trong bối cảnh phát triển và hội nhập như hiện nay, đặc biệt Lâm Đồng lại là địa phương phát triển mạnh về du lịch. Đồng thời, xây dựng chiến lược phát triển, tập trung bài bản hơn, có định hướng phát triển lâu dài đối với vấn đề xây dựng thương hiệu của Tỉnh, của doanh nghiệp, của sản phẩm…

Nhìn trên tổng thể, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá Lâm Đồng đã triển khai rất tốt các hoạt động công nghiệp và thương mại. Lâm Đồng đã phát huy, phát triển mạnh các ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh của tỉnh như công nghiệp chế biến nông sản, chế biến bô xit nhôm, phát triển năng lượng và năng lượng tái tạo. Năm 2018, tốc độ tăng trưởng sản phẩm công nghiệp đạt 8,32%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,15%.  

Hoạt động thương mại và xuất nhập khẩu đạt mức phát triển tốt, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2018 đạt trên 50 ngàn tỷ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 661 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 221 triệu USD. Hạ tầng thương mại được củng cố, thị trường giao thương được kết nối rộng rãi. Hoạt động xúc tiến thương mại, hội nhập quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện thường xuyên.

Các chương trình trọng điểm như: Sản xuất sạch hơn, Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Chương trình khuyến công và Chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã đạt nhiều kết quả khả quan. Chỉ số thương mại điện tử của Lâm Đồng xếp hạng 19/54 tỉnh thành triển khai.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, với tư cách một địa phương có nhiều đặc thù, Lâm Đồng cần tích cực phát triển công nghiệp và thương mại cũng như các ngành kinh tế khác một cách bền vững, gắn chặt với phát triển logistic. Bộ trưởng mong muốn tăng cường sự hợp tác, gắn bó chặt chẽ giữa địa phương với Bộ Công Thương, địa phương cung cấp những thông tin phát sinh từ thực tế để Bộ Công Thương có thể điều chỉnh, sửa đổi việc quản lý vĩ mô, xây dựng chính sách phù hợp với bối cảnh mới của đất nước và thế giới. 

Nguyễn Văn - Thăng long