Hoa Kỳ chặt đứt nguồn cung chip trên toàn cầu của Huawei, căng thẳng với Trung Quốc tăng cao

Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành một số quy định mới yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng công nghệ Hoa Kỳ để sản xuất chip cần phải xin giấy phép của nước này trước khi được bán chip cho tập đoàn Trung Quốc Huawei.
Tập đoàn Trung Quốc Huawei
 Lệnh cấm mới của Hoa Kỳ sẽ khiến hoạt động sản xuất chip và thiết bị viễn thông 5G của Huawei gặp ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh: AP)

Trong ngày 15/5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã ban hành một số quy định sửa đổi mới về kiểm soát xuất khẩu. Theo đó, các công ty bán dẫn nước ngoài nếu đang sử dụng phần mềm và công nghệ của Hoa Kỳ để sản xuất chip điện tử thì phải xin giấy phép của Hoa Kỳ trước khi được bán các sản phẩm chip cho tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei cũng như các doanh nghiệp liên kết với Huawei.

Quy định mới đồng nghĩa với việc Hoa Kỳ có quyền cấm các doanh nghiệp trên toàn cầu bán các loại chip điện tử cho Huawei – hãng sản xuất điện thoại lớn thứ 2 thế giới nếu thấy cần thiết. Huawei là một trong những vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Đây là động thái mới nhất của Hoa Kỳ trong việc quyết tâm ngăn Huawei tiếp cận các sản phẩm chip công nghệ cao. Các quy định này có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày 15/5 nhưng Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra thời gian ân hạn 120 ngày cho các doanh nghiệp bán dẫn nước ngoài.

Trong năm 2019, Hoa Kỳ đã đưa Huawei và 114 công ty liên kết của tập đoàn này vào danh sách đen và yêu cầu các doanh nghiệp Hoa Kỳ phải xin giấy phép đặt biệt khi tiến hành kinh doanh với Huawei và các doanh nghiệp liên kết. Điều này đã khiến Huawei không tiếp cận được nguồn chip từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ như Qualcomm Inc nhưng vẫn có thể mua được chip từ các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài khác.

Hiện nay, hầu hết các nhà sản xuất bán dẫn lớn trên thế giới đều sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp Hoa Kỳ như KLA, Lam Research và Applied Materials để sản xuất chip. Mặc dù các doanh nghiệp sản xuất chip trên thế giới có thể sử dụng các công nghệ từ các doanh nghiệp không thuộc Hoa Kỳ như Tokyo Electron và Hitachi của Nhật Bản hoặc ASML của Hà Lan nhưng giới phân tích nhận định rất khó có thể sản xuất hoàn chỉnh các sản phẩm bán dẫn cao cấp mà không sử dụng ít nhất một phần máy móc và công nghệ từ Hoa Kỳ.

Phản ứng lại với hành động của Hoa Kỳ, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc cho biết Chính phủ Trung Quốc đã sẵn sàng đưa các doanh nghiệp Hoa Kỳ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy” nhằm trả đũa Hoa Kỳ với việc áp đặt lệnh cấm bán chip điện tử cho Huawei. Trung Quốc cũng có thể tiến hành các cuộc điều tra và áp đặt các lệnh cấm lên các tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Apple Inc, Cisco Systems Inc và Qualcomm Inc cũng như hoãn các đơn hàng mua máy bay từ tập đoàn Boeing Co.

Trong ngày 16/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra thông cáo chỉ trích hành động của Bộ Thương mại Hoa Kỳ là huỷ hoại chuỗi giá trị, cung ứng và sản xuất toàn cầu; đồng thời nhấn mạnh, Chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp nước này. Ngay từ cuối tháng 3/2020, khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu tìm cách hạn chế nguồn cung chip trên toàn cầu đối với Huawei, Chủ tịch Huawei Eric Xu đã cảnh báo Chính phủ Trung Quốc sẽ không đứng yên để cho Hoa Kỳ “bắt nạt” tập đoàn này.

Các chuyên gia cho biết lệnh cấm mới của Hoa Kỳ sẽ khiến Huawei gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất các sản phẩm chip cao cấp mới, các mẫu điện thoại smartphone và thiết bị viễn thông 5G trong thời gian tới. Ông Dan Wang, chuyên gia phân tích tại công ty Gavekal Dragonomics, nhận định “Các lệnh cấm mới sẽ tác động rất lớn đến năng lực sản xuất chip của Huawei đối với cả dòng sản phẩm smartphone và các trạm viễn thông, đây là những sản phẩm đang đóng góp từ 85% - 90% tổng doanh thu hàng năm của Huawei”.

Quang Đặng (Theo Reuters)