Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Haesung Việt Nam

Nghiên cứu "Hoàn thiện tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Haesung Việt Nam" do TS. Nguyễn Văn Hải1 - Lò Thị Thúy2 - Lộc Văn Nghiêm2 (1- Giảng viên, Trường Đại học Lạc Hồng; 2- Học viên cao học, Trường Đại học Lạc Hồng) thực hiện.

Tóm tắt:

Nghiên cứu nhằm tìm hiểu thực trạng tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Haesung Việt Nam. Từ đó, đánh giá các ưu điểm, nhược điểm trong tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty. Trên cơ sở ưu điểm và nhược điểm, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp hoàn thiện tổ chức kế toán quản trị chi phí tại Công ty TNHH Haesung Việt Nam.

Từ khoá: kế toán quản trị chi phí, Công ty TNHH Haesung Việt Nam, tổ chức công tác kế toán.

1. Đặt vấn đề

Để đạt được hiệu quả kinh doanh tối đa và nâng cao khả năng cạnh tranh, việc kiểm soát và quản lý chi phí tốt là điều cơ bản trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống kế toán quản trị chi phí là cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào mong muốn tồn tại và phát triển trên thị trường.

Công ty TNHH Haesung Việt Nam chuyên sản xuất nút áo, có vai trò quan trọng trong việc đóng góp ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Việc triển khai và ứng dụng kế toán quản trị chi phí tại Công ty TNHH Haesung Việt Nam chưa được quan tâm đúng mức. Việc hoàn thiện công tác kế toán nói chung, công tác kế toán quản trị nói riêng tại Công ty là điều cần thiết để hỗ trợ đắc lực cho công tác sản xuất, điều hành của Công ty nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng cường khả năng hội nhập và cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Xuất phát từ vai trò, tầm quan trọng của công tác kế toán nói chung, công tác kế toán quản trị chi phí nói riêng, nhóm tác giả chọn nghiên cứu “Hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty TNHH Haesung Việt Nam” nhằm góp phần vào việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Công ty trong điều kiện hiện nay.

2. Ưu và nhược điểm của tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty TNHH Haesung Việt Nam

2.1. Ưu điểm

Tổ chức sản xuất trong Công ty được thực hiện theo từng phòng, ban. Mỗi phòng, ban thực hiện các nhiệm vụ của mình theo phân công, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ công việc. Phòng Tài chính - Kế toán Công ty không thể độc lập đảm nhiệm việc xây dựng định mức chi phí mà cần phối hợp chặt chẽ với các bộ phận chức năng khác trong Công ty như Phòng Sản xuất, Phòng Kế hoạch vật tư, Phòng Kinh doanh, Phòng Tổ chức nhân sự… để xây dựng hệ thống mức chi phí của đơn vị.

Các quy trình quản lý nội bộ được thực hiện xuyên suốt trong Công ty nhằm thực hiện thống nhất, giúp công tác kế toán quản trị chi phí được thuận lợi trong khâu phân tích và so sánh việc thực hiện nhiệm vụ của Công ty.

Công ty áp dụng hệ thống quản lý ERP. Giúp cho việc liên kết giữa các bộ phận mua hàng, nhập kho, thanh toán, theo dõi công nợ được kịp thời. Ngoài ra, Công ty xây dựng hệ thống mạng nội bộ đủ sức cung cấp thông tin và trao đổi thông tin toàn Công ty.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kế toán quản trị chi phí: Khối lượng thông tin mà kế toán quản trị chi phí phải xử lý và chuyển thành các thông tin có ích là rất lớn. Quá trình xử lý thông tin cần có sự kết hợp nhiều phương pháp kỹ thuật phức tạp. Do đó, cơ sở vật chất với hệ thống máy vi tính và các phần mềm xử lý thông tin là rất cần thiết trong quá trình tổ chức hệ thống thông tin kế toán. Các ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin qua các phần mềm hỗ trợ trong Công ty góp phần nâng cao công tác kế toán quản trị chi phí. Các phần mềm theo dõi báo cáo quản trị chi phí với mạng nội bộ tích hợp với chương trình ERP, cho phép Công ty có thể truy cập theo dõi tình hình thực hiện chi phí, giá thành phân phối của các phòng ban. Phần mềm đối chiếu công nợ hàng tháng giữa khách hàng và Công ty.

Ứng dụng phần mềm ERP góp phần thay đổi, tăng hiệu quả tổ chức kế toán quản trị chi phí. Sự phát triển của các phần mềm quản trị kế toán, bao gồm quản trị chi phí, giá thành, công nợ, quản trị dòng tiền,… đã góp phần thay đổi và tăng hiệu quả tổ chức kế toán quản trị chi phí tại Công ty. Công nghệ thông tin, bao gồm phần cứng và phần mềm quản trị chuyên dụng, đã cung cấp những công cụ hỗ trợ cho việc này. Mô hình bộ máy kế toán quản trị chi phí kết hợp với sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại như hệ thống ERP và các kỹ thuật, phương pháp đặc trưng của kế toán quản trị chi phí được áp dụng trong công tác ghi nhận, xử lý, phân tích và cung cấp thông tin hữu ích cho các nhà quản trị nhằm kiểm soát và quản lý chi phí phù hợp.

Công ty sử dụng hệ thống phần mềm ERP để quản lý, ưu điểm của hệ thống này là quản lý được tất cả các bộ phận trong công ty. Kế toán dễ dàng đối chiếu số liệu, phát hiện sai sót, kịp thời điều chỉnh. Tài khoản được mở chi tiết để thu nhận và xử lý thông tin từ tất cả các bộ phận.

Trong công ty, các chi phí được phân loại chi tiết theo chức năng hoạt động, từng bộ phận, từng phân xưởng, tạo thuận lợi cho việc quản lý, kiểm soát chi phí thuận lợi, dễ dàng.

Công tác dự toán sản xuất, kinh doanh, nguyên vật liệu được chú trọng giúp cho việc quản lý sản xuất trong công ty đạt hiệu quả.

Môi trường pháp lý: Hệ thống cơ chế, chính sách, chế độ quản lý của Nhà nước như Luật Kế toán, các nghị định, thông tư, các quyết định đều có ảnh hưởng đến công tác kế toán quản trị chi phí. Các văn bản pháp lý của Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam như Chỉ thị, quy chế, quyết định ban hành nhằm tạo “hành lang pháp lý” cho công tác kế toán quản trị chi phí trong Công ty, giúp Công ty có những định hướng phù hợp. Để đo lường hiệu quả sản xuất - kinh doanh theo qui định của KTQTCP cần có hành lang pháp lý, các chuẩn mực và quy định do nội bộ của Công ty xây dựng theo mục tiêu kinh doanh của Công ty.

Công ty đều xây dựng quy chế khen thưởng cho công ty mình, việc khen thưởng được thực hiện thường xuyên và kịp thời giúp CNV-NLĐ công ty tích cực sáng tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

2.2. Nhược điểm

Chi phí định mức nguyên vật liệu và chi phí nhân công trực tiếp sản xuất và chi phí sản xuất chung đã không được cập nhật thường xuyên theo tình hình thực tế phát sinh. Từ đó thường xuyên có sự chênh lệch giữa số liệu chi phí định mức và chi phí thực tế. Mặc dù định mức chi phí sản xuất chung cho từng sản phẩm được lập nhưng thực tế công ty chưa chú trọng lập dự toán chi phí sản xuất chung. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý chưa được lập dự toán nên thông tin chưa được cung cấp đầy đủ cho các nhà quản trị.

Đặc thù ngành nghề của công ty cần nhiều lao động thủ công và sản phẩm sản xuất biến động theo các mùa xây dựng nên việc quản lý lao động khó khăn, chi phí nhân công biến động nhiều dẫn đến hiệu quả hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng theo.

Công ty có lập dự toán tiền bởi bộ phận kế toán nhưng chưa chi tiết do các bộ phận liên quan không chú trọng cung cấp thông tin làm cho báo cáo dự toán chưa sát thực tế phát sinh.

3. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty TNHH Haesung Việt Nam

Các nhà quản trị Công ty chưa quan tâm chú trọng chi tiết các báo cáo quản trị chi phí mà chú trọng nhiều về doanh thu và lợi nhuận. Công tác kế toán quản trị chi phí đòi hỏi phải được kết hợp từ nhiều nguồn thông tin trong công ty nhưng việc này chưa được quan tâm từ các bộ phận ngoài kế toán. Một số bộ phận chỉ hoàn thành các chỉ tiêu ngắn hạn trong nội bộ bộ phận của mình quản lý, từ đó thông tin nội bộ chưa được cung cấp thống nhất.

Do thói quen làm việc của nhân viên và trình độ quản lý của các bộ phận chưa được trang bị kiến thức chuyên sâu kế toán quản trị chi phí, nhận thức về các mục tiêu quản lý dài hạn chưa đầy đủ.

Trình độ kiến thức của nhân viên kế toán của Công ty cũng có tác động không nhỏ đến chất lượng của hệ thống thông tin KTQT chi phí. Yêu cầu của đội ngũ này phải am hiểu sâu sắc về quá trình tổ chức hoạt động sản xuất - kinh doanh của Công ty, có khả năng sáng tạo, linh hoạt, có khả năng làm việc nhóm và phối hợp với các nhân viên ở các phòng, đội khác trong Công ty.

4. Giải pháp hoàn hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí tại Công ty TNHH Haesung Việt Nam

Công ty cần hoàn thiện việc phân loại chi phí theo cách ứng xử: Việc phân loại chi phí trong kế toán rất quan trọng, giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các chi phí của mình và đưa ra quyết định kinh doanh hợp lý. Thông qua việc phân loại chi phí Công ty có thể biết được chi phí cho từng hoạt động, sản phẩm hay dịch vụ của mình, từ đó có thể ra quyết định chiến lược, điều chỉnh chi phí để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh. 

Bảng 1. Phân loại chi phí theo cách ứng xử

kế toán quản trị

Nguồn: Nhóm tác giả đề xuất

Công ty cần hoàn thiện xây dựng định mức chi phí: Theo khảo sát thực tế tại Công ty, hiện tại Công ty đã thực hiện định mức chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp nhưng chi phí sản xuất chung lại chưa được công ty thực hiện định mức chi phí. Chi phí sản xuất cũng chiếm một phần chi phí quan trọng trong tổng thể các loại chi phí, do đó để hoàn thiện được định mức chi phí, Công ty sẽ phải xây dựng thêm phần định mức chi phí sản xuất chung. Công ty nên xây dựng định mức tiền lương cho nhân viên quản lý phân xưởng, định mức chi phí vật liệu, công cụ dụng cụ dùng cho phân xưởng, chi phí ăn tại phân xưởng,…

Công ty cần xây dựng hệ thống dự toán chi phí: Để phục vụ cho công tác quản lý và điều hành hoạt động sản xuất - kinh doanh theo mục tiêu chiến lược phát triển của công ty, nhà quản trị cần giải quyết một số vấn đề hiện tại. Trong đó, vấn đề phân loại chi phí dựa trên cách ứng xử của chi phí, xây dựng hệ thống tài khoản chi tiết và sổ chi tiết để tập hợp chi phí, dự toán chi phí linh hoạt, phân tích biến động chi phí giữa thực tế và dự toán là rất quan trọng. Những hoạt động này giúp tăng cường kiểm soát chi phí và phân tích C-V-P để đưa ra các quyết định kinh doanh chính xác.

Hoàn thiện kiểm soát chi phí, phân tích biến động chi phí: Hiện tại, việc phân tích biến động chi phí của công ty còn những hạn chế, để hoàn thiện công ty nên phân tích rõ nguyên nhân tạo ra sự chênh lệch chi phí. Đồng thời trong phần lập định mức cần cụ thể lại để từ đó lập dự toán chi phí được cụ thể, sát với thực tế hơn.

Hoàn thiện về tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí: Công ty cần hoàn thiện hệ thống chứng từ kế toán, hoàn thiện hệ thống tài khoản kế toán để phục vụ cho tổ chức công tác kế toán quản trị chi phí. 

Bảng 2. Bảng phân hệ tài khoản theo cấp 2, 3 để thuận tiện cho dự toán chi phí

kế toán quản trị

Nguồn: tác giả tự tổng hợp

Hoàn thiện hệ thống báo cáo kế toán quản trị chi phí: Để phục vụ cung cấp thông tin cần thiết cho nhà quản lý, hệ thống báo cáo quản trị gồm các báo cáo như Hệ thống báo cáo định hướng hoạt động sản xuất - kinh doanh; Hệ thống báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Hệ thống báo cáo về biến động kết quả kinh doanh.

5. Kết luận

Với việc phân tích các dữ liệu thu thập được từ Công ty, nhóm tác giả nêu lên những giải pháp nhằm hoàn thiện công tác kế toán quản trị chi phí với các nội dung: hệ thống thông tin kế toán, báo cáo và các biểu mẫu kế toán, phân tích tình hình hoạt động sản xuất - kinh doanh, hệ thống bộ máy kế toán, hệ thống khoản mục chi phí, đối tượng tập hợp chi phí phục vụ công tác phân loại lập báo cáo. Ngoài ra, yếu tố then chốt và quan trọng để triển khai được các nội dung này chính là yếu tố con người, việc đào tạo hay tuyển dụng nhân lực có trình độ, hiểu biết và nhanh nhạy xử lý công việc yêu cầu công ty cần có các chính sách phúc lợi, đãi ngộ để giữ chân được nhân viên, giữ chân được các nhân tài. Đây là nội dung quan trọng, khi đó việc triển khai hệ thống kế toán quản trị vào doanh nghiệp đem lại hiệu quả tốt nhất, nhanh chóng đi vào khuôn khổ hoạt động theo chỉ đạo và định hướng của nhà quản lý.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Lê Thị Minh Huệ (2016). Hoàn thiện hệ thống kế toán quản trị chi phí trong các doanh nghiệp mía đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Luận án Tiến sĩ, Học viện Tài chính, Hà Nội.
  2. Lê Thị Ngọc Bích (2017). Hoàn thiện công tác quản trị chi phí trong các doanh nghiệp chế biến thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Lạc Hồng.
  3. Leitner, S. (2013). Information Quality and Management Accounting: A Simulation Analysis of Biases in Costing Systems. Springer Science & Business Media, LNE, 664.
  4. M¨ows, D. (1991). Kosten- und Leistungsrechnung, 4 edn. Oldenbourg, M¨unchen/Wien.
  5. Martin, J. R. (2009). Management accounting: Concepts, techniques and controversial issues, Obtido em, 3.
  6. Mowen, M. M., & Hansen, D. R. (2011). Introduction to cost accounting. USA: South-Western Learning Cengage.

 

Improving the organization of

Haesung Vietnam Co., Ltd’s cost management accounting

Ph.D Nguyen Van Hai1

Lo Thi Thuy2

Loc Van Nghiem2

1 Leacturer, Lac Hong University

2 Ph.D student, Lac Hong University

Abstract:

This study analyzes the current cost management accounting of Haesung Vietnam Co., Ltd. The study points out  the advantages and disadvantages of the company’s cost management accounting. Based on the study’s findings, some solutions are proposed to improve the company’s cost management accounting.

Keywords: cost management accounting, Haesung Vietnam Co., Ltd., organization of accounting.