Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19

THS. ĐỖ CẨM NHUNG (Đại học Hàng hải Việt Nam) - TS. ĐỖ THỊ THU HÀ (Học viện Ngân hàng)

TÓM TẮT:

Từ đầu năm 2020, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã chứng kiến sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19. Bài viết nhằm phân tích tác động của dịch bệnh đến hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam trên các lĩnh vực kinh doanh chính như huy động vốn, hoạt động tín dụng và sản phẩm dịch vụ khác. Từ đó, nghiên cứu chỉ ra những cơ hội cũng như khó khăn chung của các ngân hàng thương mại Việt Nam và các biện pháp khắc phục, giúp các ngân hàng tăng trưởng ổn định.

Từ khoá: hoạt động ngân hàng, Covid-19, cơ hội và khó khăn, ngân hàng thương mại.

1. Đặt vấn đề

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính, sự sụt giảm GDP toàn cầu năm 2020 sẽ là mức giảm lớn nhất kể từ cuộc đại suy thoái toàn cầu năm 2009. Cuộc khủng hoảng đi kèm vớitỷ lệ thất nghiệp gia tăng, hoạt động đầu tư, chất lượng tín dụng của khách hàng vay và danh mục cho vay của ngân hàng đều giảm sút. Nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính rất lớn.

Tại Việt Nam, dịch Covid-19 chính thức được ghi nhận từ đầu tháng 2/2020. Song, tác động lớn nhất của dịch bệnh này đến kinh tế - xã hội nói chung, hoạt động của các doanh nghiệp (DN) và hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng bắt đầu từ giữa tháng 2/2020, đặc biệt nghiêm trọng trong tháng 3, tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020 (đây là khoảng thời gian cả nước thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp cách ly xã hội theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ). Diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp và khó lường, ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động của các ngân hàng đã bộc lộ rõ ở một số khía cạnh như: Hoạt động tác nghiệp hàng ngày;Tăng trưởng dư nợ tín dụng, lợi nhuận và vấn đề nợ xấu. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng là một cơ hội để các ngân hàng nhìn lại những hạn chế trong quá trình hoạt động, từ đó có những giải pháp khắc phục.

2. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến hoạt động của các NHTM Việt Nam

2.1. Tình hình huy động vốn

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20/3/2020, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 0,51% (giảm hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2019 tăng 1,72%). Nguyên nhân là do các DN đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhiều DN phải rút tiền gửi ngân hàng để trang trải các chi phí vận hành, trả lương nhân viên… 

Bên cạnh đó, việc huy động vốn của ngân hàng có chiều hướng giảm do các ngân hàng gặp khó khăn trong việc cho vay khi cầu tín dụng giảm. Vì thế, lãi suất huy động vốn cũng giảm theo do không còn áp lực cạnh tranh khi thanh khoản dồi dào. 

Mặt khác, trong giai đoạn dịch Covid-19, giá vàng trong nước và quốc tế biến động lớn. Điều này đã ảnh hưởng đến tâm lý đầu tư của nhiều người. Tại một số ngân hàng đã xảy ra tình trạng khách hàng rút tiền tiết kiệm, chuyển sang đầu tư vàng hoặc bất động sản vì lãi suất tại thời điểm này đã giảm, không còn hấp dẫn khách hàng.

2.2. Tình hình tăng trưởng tín dụng

Tăng trưởng tín dụng bị ảnh hưởng rõ rệt khi nhu cầu vay vốn của nhiều nhóm DN sụt giảm. Bên cạnh đó, nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân cũng giảm mạnh do thu nhập không ổn định. Theo Ella Zoe Doan (2020), Covid-19 sẽ làm chi tiêu hộ gia đình giảm bình quân 15% với các lĩnh vực như giáo dục, nhà cửa, ăn uống, giải trí,… Khi tổng chi tiêu của người dân sụt giảm thì nhu cầu vay tiêu dùng cũng sẽ giảm tương ứng.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến quý II/2020, dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng đối với nền kinh tế chỉ tăng 1,96% so với cuối năm 2019, thấp nhất trong khoảng 15 năm gần đây. Nguyên nhân chính là do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp và người dân, hộ gia đình quá thấp (mặc dù các NHTM đã đồng loạt hạ lãi suất, đồng thời tung ra các gói tín dụng ưu đãi, đẩy mạnh khâu kết nối ngân hàng - doanh nghiệp). Mức tăng được ghi nhận là đã cải thiện so với nửa đầu tháng 5/2020 nhưng vẫn thấp hơn khá nhiều so với con số 7,33% của nửa đầu năm 2019. Thực tế này phản ánh hoạt động kinh doanh của DN, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn, không có nhu cầu vay vốn. Vốn tín dụng của các NHTM cho vay chưa được như kỳ vọng. (Bảng 1)

Bảng 1. Tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2020

Năm

Tăng trưởng tín dụng(%/năm)

Chỉ tiêu

Thực hiện

2015

18

17,17

2016

18-20

18,71

2017

18-20

18,17

2018

17

14

2019

14

13,15

2020

14

-

                                                        Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Mặc dù đã có nhiều ưu đãi về lãi suất, theo Tổng cục Thống kê (2020), tăng trưởng tín dụng toàn ngành 3 tháng đầu năm vẫn ở mức khá thấp, chỉ khoảng 0,68%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 1,9%. Số liệu này cho thấy cầu tín dụng yếu đi một phần đáng kể do các DN đang gặp nhiều khó khăn, phải thu hẹp hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm giảm vòng quay của vốn.

2.3. Tình hình nợ xấu

Đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN, đặc biệt là các DN kinh doanh trong lĩnh vực vận tải, kho bãi, lưu trú, du lịch, nhà hàng,... do đó, nguy cơ các NHTM bị tăng tỉ lệ nợ xấu là không thể tránh khỏi.

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, 19 ngân hàng giao dịch trên 3 sàn đang chiếm hơn 63% dư nợ toàn hệ thống. Báo cáo tài chính bán niên 2020 của các ngân hàng cho thấy, tại thời điểm 30/6/2020, tổng nợ xấu của 19 ngân hàng là 92.615 tỉ đồng, tăng hơn 38,6% so với thời điểm đầu năm.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng tăng lên 1,72% so với mức 1,28% thời điểm đầu năm. Ngoại trừ Techcombank, VPBank có nợ xấu trên dư nợ giảm, các ngân hàng còn lại đều ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu kỳ. (Biểu đồ 1)

Nợ xấu tăng kéo theo các khoản trích lập dự phòng của các ngân hàng cũng tăng. Theo dữ liệu từ báo cáo ngành Ngân hàng của Công ty Chứng khoán BSC, chi phí trích lập dự phòng các ngân hàng ước tăng 10% trong nửa đầu năm. Tỷ lệ dự phòng trên dư nợ cho vay được cải thiện lên mức xấp xỉ 1,4%.

Cùng với giá trị tài sản đảm bảo cao hơn khoảng 2 lần so với các khoản vay cũng giúp các ngân hàng tăng sức chống chịu với các khoản nợ xấu có thể phát sinh trong các quý tới. Theo dữ liệu của Fiingroup, tính đến đầu tháng 6/2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng với dư nợ 172.365 tỉ đồng, chiếm khoảng 7% tổng dư nợ chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 là 2,5 triệu tỉ đồng, theo Ngân hàng Nhà nước.

2.4. Tình hình lợi nhuận của các ngân hàng

Tác động đến lợi nhuận sau thuế:

Phân tích dữ liệu tài chính trong Báo cáo tài chính quý I/2020 của 18 NHTM đang niêm yết đã công bố công khai cho thấy, lợi nhuận sau thuế giảm 11,5% so với quý IV/2019. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ quý II/2018, nhưng không trên nền tăng trưởng cao của các quý trước như quý II/2018 và chỉ tăng 3,4% so với cùng kỳ, trong khi quý II/2018 tăng trưởng 49,6% so với cùng kỳ. Số liệu về lợi nhận sau thuế của các NHTM công bố nói trên thực tế vẫn chưa phản ánh đầy đủ chi phí dự phòng có thể gia tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 ở mức độ lớn.

Tác động đến lãi cận biên các NHTM:

Lãi cận biên (NIM), là khoảng cách chênh lệnh chi phí đầu vào nguồn vốn và lãi suất cho vay của các NHTM. Đây là chỉ tiêu tài chính quan trọng phản ánh hiệu quả hoạt động tín dụng của các NHTM. Phân tích từ Báo cáo tài chính quý I/2020 cho thấy, NIM của 18 NHTM đang niêm yết giảm 1,1 điểm cơ bản so với quý IV/2019 xuống còn 0,87%.

Tác động đến thu nhập lãi thuần

Trong quý I/2020, thu nhập lãi thuần chiếm 78% tổng thu nhập hoạt động của 18 NHTM đang niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, trong khi lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi từ các hoạt động còn lại chiếm lần lượt 9,8% và 12,2%, giảm đáng kể so với mức 11,8% và 15,2% trong quý IV/2019.

Theo báo cáo tài chính quý I/2020 tính đến ngày 22/4, với gần chục NHTM công bố thì trong đó có tới hơn một nửa có lợi nhuận giảm âm so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể là Saigonbank (-31%), Bac A Bank (-27%), Kienlongbank (-23%), Vietcombank (-11%), Sacombank (-7%). (Biểu đổ 2).

Mặc dù kết quả kinh doanh không mấy tốt đẹp tại nhiều ngân hàng, nhưng vẫn còn những ngân hàng tăng trưởng mạnh lợi nhuận. Tiêu biểu như tại Ngân hàng Vietbank, ngân hàng SeABank, Ngân hàng MSB…

Nhìn chung, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các NHTM ở hầu hết các khía cạnh: Hoạt động tác nghiệp hàng ngày, tốc độ tăng trưởng huy động vốn, tín dụng, nợ xấu và cuối cùng là lợi nhuận ngân hàng. Các NHTM cần kiểm soát để tránh tiềm ẩn rủi ro lâu dài, ảnh hưởng đến chất lượng tăng trưởng nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng bền vững, ổn định xã hội trong tương lai. Tuy nhiên, ở mỗi khía cạnh chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19 đều có một số cơ hội riêng mà các ngân hàng cần phải nắm bắt.

3. Cơ hội của các ngân hàng thương mại sau dịch Covid-19

Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng đây cũng là dịp để các NHTM tìm ra những hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường để tồn tại và phát triển. Những cơ hội đem tới cho hệ thống NHTM Việt Nam là cơ sở thúc đẩy việc nâng cao năng lực của nền kinh tế.

Thứ nhất, môi trường kinh doanh của Việt Nam được đánh giá ổn định

- Sự nỗ lực kiểm soát tốt về dịch bệnh,  đã khẳng định Việt Nam là môi trường đầu tư tốt trong dài hạn với an toàn về dịch tễ, kinh tế và chính trị ổn định, thu hút kiều bào về nước đầu tư cũng như người nước ngoài.

- Cơ hội mở rộng, phát triển thị trường ra nước ngoài đối với các NHTM Việt Nam: Hội nhập tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng trong nước mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài thông qua việc cung cấp dịch vụ trong khuôn khổ cam kết, đặc biệt là hiện diện thương mại và cung cấp qua biên giới.

Thứ hai, các ngân hàng tăng cường đầu tư công nghệ số

- Theo khảo sát sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, ở Việt Nam hiện nay, 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đang triển khai chuyển đổi số. Nhiều ngân hàng trong nước đã ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR; thanh toán an toàn, thuận tiện qua mã hóa thông tin thẻ (Tokenization); thanh toán phi tiếp xúc tốc độ và tiện lợi; giải pháp chấp nhận thanh toán linh hoạt trên thiết bị di động (mPOS) v.v... Trong 6 tháng đầu năm 2020, trong khi nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19 thì giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng vẫn tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 48,3% về số lượng và 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Thứ ba, những chính sách mới của Ngân hàng Nhà nước

- Nghị quyết số 52-NQ/TW năm 2019 do Bộ Chính trị ban hành nhằm phát triển ngân hàng số, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng thực hiện chuyển đổi số; Nghiên cứu đề xuất ban hành Kế hoạch hành động triển khai thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg về thúc đẩy phát triển doanh nghiệp số Việt Nam; Nghiên cứu xây dựng Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng. Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho hoạt động ngân hàng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo, đảm bảo an ninh, an toàn và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;...

Thứ tư, gia tăng lợi nhuận từ dịch vụ tài chính phi tín dụng - Để thích ứng với tình hình mới, các ngân hàng đang có những chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu hoạt động bằng việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ, hạn chế sự phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng, giảm thiểu những tác động tiêu cực của nền kinh tế.

- Cơ cấu thu nhập chuyển dịch sang hướng bền vững hơn khi các nguồn thu của ngân hàng trở nên đa dạng hơn với doanh thu thẻ, bảo hiểm, thanh toán, dịch vụ trái phiếu, tư vấn giải pháp kinh doanh, kinh doanh ngoại tệ...

Thứ năm,  Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực hiện

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố tháng 5/2020 đã đưa ra ước tính, EVFTA có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 2,4% và xuất khẩu tăng 12% vào năm 2030. Việc thực thi Hiệp định sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm; từ đó tác động tích cực đến ngành Tài chính - Ngân hàng.

4. Giải pháp ứng phó và khắc phục

Năm 2020, sự bùng phát của dịch bệnh Covid-19đã làm ảnh hưởng nặng nề đến mọi hoạt động đời sống, kinh tế của thế giới nói chung và các NHTM nói riêng. Trên thế giới, nhiều ngân hàng như Scotiabank, Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC), Royal Bank of Canada (RBC),… Đều dự báo nguy cơ khủng hoảng tài chính là rất lớn. Theo đó, hàng loạt thị trường chứng khoán “đỏ lửa”, còn ngân hàng trung ương các nước nhanh chóng tung biện pháp giải cứu nền kinh tế.

Để hỗ trợ nền kinh tế, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng và DN khắc phục khó khăn, thiệt hại do dịch bệnh gây ra, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư hướng dẫn các tổ chức tín dụng với 4 việc chính: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Miễn giảm lãi vay; Giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; Triển khai các gói tín dụng hỗ trợ.

Hiện tại, nhiều ngân hàng ở Việt Nam như Vietinbank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank, SHB, Eximbank, NamABank… đã triển khai các gói tín dụng có quy mô hàng chục nghìn đến hàng trăm tỉ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 1-3%, nhằm hỗ trợ các khách hàng cá nhân, DN vượt qua khó khăn. 44/45 NHTM thực hiện miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, chiếm 99,7% thị phần đã miễn giảm phí; nhiều loại phí được giảm 75%-100% mức phí cũ…

Bên cạnh việc hỗ trợ về tín dụng cho DN, các NHTM nên tiếp tục cân nhắc giảm lãi suất trong ngắn hạn và linh hoạt về thời điểm hoàn trả lãi suất gốc đối với các khoản vay cũ và mới của DN, bởi dòng tiền thu của DN có thể bị lệch pha với các dòng tiền ra, trong đó có dòng tiền trả nợ. Để làm tốt việc này, đòi hỏi các NHTM phải thực hiện rà soát, đánh giá lại từng khách hàng.

Các NHTM cần tận dụng cơ hội để phát triển thị trường, sản phẩm, kênh phân phối mới như: Phát triển ngay các gói sản phẩm ngân hàng chuyên biệt cho nhóm khách hàng là DN trong các ngành đang có các lợi thế kinh doanh tương đối trong đại dịch Covid-19 như: kinh doanh online, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, khẩu trang, nước rửa tay, máy đo thân nhiệt, máy thở.

Các NHTM cần có các sản phẩm tín dụng ngắn hạn chuyên biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa chịu tác động của Covid-19 như: Tài trợ hàng tồn kho, cho vay hỗ trợ xuất khẩu nhanh. Cung cấp cho DN nhỏ và vừa đạt được doanh số tiêu thụ thông qua kênh phân phối trong nước. Các DN có thể đăng ký hạn mức tín dụng hoặc kỳ hạn trước khi hoàn tất việc bán hàng xuất khẩu hoặc tìm kiếm các cơ hội ở nước ngoài, chẳng hạn như xác định một khách hàng mới ở nước ngoài nếu việc bán hàng xuất khẩu bị mất do Covid-19.

Ngoài những biện pháp khắc phục trước tác động của dịch bệnh, các NHTM cũng cần chuẩn bị cho hậu Covid-19. Hầu hết các cuộc khủng hoảng kinh tế có đặc trưng là nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng tồn tại âm ỉ lâu dài, đến thời điểm bung ra và không thể cứu vãn được nữa nên tạo ra khủng hoảng. Do vậy, các NHTM cần thực hiện một số giải pháp sau:

- Thứ nhất, chuẩn bị kế hoạch để tăng trưởng tín dụng trở lại: Lựa chọn khách hàng, ngành hàng để tập trung phát triển, đa dạng hóa danh mục đầu tư… Đồng thời, xây dựng các giải pháp để thu hồi, xử lý nợ xấu nếu xảy ra.

- Thứ hai, tính toán chi phí đầu vào để cho vay khách hàng với lãi suất thấp mà vẫn đảm bảo hoạt động ngân hàng có hiệu quả… Đặc biệt, các NHTM cần phải rà soát, cắt giảm các khoản chi phí không hiệu quả, tăng năng suất lao động,… để giảm chi phí đầu vào.

- Thứ ba, các NHTM cần có chiến lược, mục tiêu cụ thể để thực hiện tái cơ cấu hoạt động như: Cơ cấu doanh thu, cơ cấu chi phí, cơ cấu khách hàng, cơ cấu nhân sự, danh mục đầu tư… xây dựng được một NHTM hoạt động tự chủ, đa dạng hóa hoạt động ngân hàng, ít phụ thuộc hơn vào hoạt động tín dụng, có khả năng chống và thích ứng với các biến động nhiều hơn.

- Thứ tư, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin để đẩy nhanh hơn nữa hoạt động ngân hàng thương mại điện tử, theo đuổi và đón bắt được với xu thế công nghệ của thế giới.

- Cuối cùng là xây dựng kế hoạch phòng chống rủi ro, trong đó có cả những kế hoạch phòng chống rủi ro các đại dịch như Covid-19.

5. Kết luận

Đại dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong hoàn cảnh này, các NHTM cần phân tích, đánh giá được những thách thức và cơ hội để có những giải pháp ứng phó kịp thời nhằm giảm thiểu thấp nhất những rủi ro xảy ra.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. (2020), Diễn đàn tài chính tiền tệ. [Online]
    Available at: https://thitruongtaichinhtiente.vn/amp/tac-dong-va-giai-phap-ung-pho-dich-benh-covid-19-cua-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-27488.html.
  2. Anon., 2020. Ngân hàng Việt: Thách thức và cơ hội từ khủng hoảng Covid-19. [Online]
    Available at: https://thoibaonganhang.vn/ngan-hang-viet-thach-thuc-va-co-hoi-tu-khung-hoang-covid-19-104052.html.

  3. Anon (2020), Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Việt Nam và vai trò của chính sách tiền tệ. [Online]
    Available at: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/tac-dong-cua-dich-covid19-den-kinh-te-viet-nam-va-vai-tro-cua-chinh-sach-tien-te-329764.html?fbclid=IwAR0cyPdyW2S1rT4roCvLEL_TfKmXxqHnSPYA3wfxdJpIl3alaYGpa-xEYWs.

  4. Anon (2020). Tác động và giải pháp ứng phó dịch bệnh Covid-19 của ngân hàng thương mại Việt Nam. [Online]
    Available at: https://thitruongtaichinhtiente.vn/tac-dong-va-giai-phap-ung-pho-dich-benh-covid-19-cua-ngan-hang-thuong-mai-viet-nam-27488.html

  5. Anon (2020). Tạp chí Ngân hàng. [Online]Available at: http://tapchinganhang.com.vn/

The operation of Vietnam’s commercial banks in the context of Covid-19 pandemic

Master. Do Cam Nhung 1

Master. Do Thi Thu Ha 2

1 Vietnam Maritime University

2 Banking Academy

ABSTRACT:

The outbreak of Covid-19 in 2020 has significantly affected the world in general and Vietnam in particular. This paper analyzes the Covid-19 pandemic’s impacts on the operations of Vietnam’s commerical banks in their key business areas such as capital mobilization, credit and other banking products and services. The paper points out the opportunities as well as the common difficulties for Vietnam’s commercial banks in the context of the Covid-19 pandemic, and proposes some measures to help banks overcome these challenges and grow sustainably.

Keywords: banking activities, Covid-19, opportunities and difficulties, commercial bank.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 13, tháng 6 năm 2021]