Hoạt động quản lý ngành công nghiệp gắn với lợi ích thực chất của doanh nghiệp

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đây là một trong những thành công nổi bật trong năm 2019 mà Cục Công nghiệp sẽ cần tiếp tục phát huy trong năm 2020 sắp tới.

Tăng trưởng công nghiệp năm 2019 đạt 8,86%

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục công nghiệp, Bộ Công Thương cho thấy, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2019 ước tính tăng 9,1%. 

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2019, khu vực công nghiệp tăng 8,86%, với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng 11,29%, là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải (trái) và Cục trưởng Trương Thanh Hoài (phải) chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục công nghiệp
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải và Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và phương hướng triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Cục công nghiệp

Sản xuất của nhóm ngành khai khoáng năm 2019 tăng 1,29% sau 3 năm giảm liên tục. Chỉ số sản xuất ngành sản xuất và phân phối điện tăng trưởng 8,7%, bảo đảm đáp ứng tốt cho hoạt động sản xuất và sử dụng của người dân.

Tăng trưởng xuất khẩu của nhóm mặt hàng chế biến chế tạo tăng 9,8%, chiếm trên 80% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Đặc biệt, năm 2019 ghi nhận lần đầu tiên các sản phẩm ngành chế biến, chế tạo đạt xuất siêu với gần 100 triệu USD. 

Công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng cũng là điểm sáng về thu hút đầu tư nước ngoài. Lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng cao nhất trong thu hút FDI cả nước với tổng vốn đạt 21,56 tỷ USD, chiếm 67,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn báo cáo tại Hội nghị
Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Ngô Khải Hoàn báo cáo tại Hội nghị

Đóng góp vào những kết quả này, trong năm 2019 Cục Công nghiệp đã đổi mới công tác điều hành, xử lý công việc theo hướng hiệu quả hơn, tác động tích cực đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Công Thương, mặc dù khối lượng công việc rất lớn, nhiều vụ việc phức tạp liên quan đến các lĩnh vực khác nhau trong điều kiện số lượng biên chế công chức còn hạn chế.

Tuy nhiên, Cục Công nghiệp cũng nhìn nhận, Cục mới được thành lập và vận hành hơn 2 năm, đamg ổn định về mặt tổ chức. Nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước quan trọng như dệt may, da giầy và công nghiệp thực phẩm vẫn chưa xây dựng được các khung chính sách để khuyến khích phát triển và quản lý nhà nước ngành.

Công nghiệp Việt Nam phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực hạ nguồn, giá trị gia tăng tạo ra còn thấp. Tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị vẫn là các doanh nghiệp FDI chứ không phải các doanh nghiệp trong nước.

Nội lực và năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp cũng còn yếu, thể hiện qua số lượng doanh nghiệp công nghiệp rất ít, khả năng tài chính và công nghệ hạn chế. Doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam chưa làm chủ được các công nghệ cốt lõi, chủ yếu tham gia vào các công đoạn có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng thấp, chưa phát triển được thương hiệu.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào hoàn thiện chính sách 

Chia sẻ với ý kiến của đại diện Cục Công nghiệp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, tại Hội nghị tổng kết ngành Công Thương vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ghi nhận những đóng góp của Bộ Công Thương, trong đó có những kết quả của ngành công nghiệp và Cục Công nghiệp đã đóng vai trò cầu nối quan trọng.

“Tăng trưởng đến 8,86% của ngành công nghiệp và công nghiệp chế biến lên đến 11,29% là động lực thực sự rất quan trọng trong phát triển của nền kinh tế nói chung. Trong đóng góp cho kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, các sản phẩm về công nghiệp chế biến chế tạo thường chiếm đến khoảng 82-83%”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chúc mừng những kết quả tích cực của ngành công nghiệp trong năm 2019
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải chúc mừng những kết quả tích cực của ngành công nghiệp trong năm 2019

Thứ trưởng cũng nhận định, nhiều chương trình của Cục Công nghiệp đang làm đã có sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng, là cơ sở quan trọng để đánh giá mức độ hiệu quả, hợp lý của các cơ chế, chính sách sau khi đi vào thực tế.

Do vậy, Thứ trưởng hy vọng năm 2020 Cục Công nghiệp sẽ chú trọng vấn đề nhân sự, tiếp tục ổn định tổ chức, đồng thời hoàn thiện cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực công nghiệp để dần hình thành, cập nhật nên một hệ thống database toàn ngành, phục vụ tốt hơn cho công tác quản lý nhà nước và hỗ trợ doanh nghiệp.

Đồng thời, Thứ trưởng lưu ý Cục Công nghiệp sẽ phối hợp tốt hơn với các đơn vị truyền thông để công tác tuyên truyền về ngành được hiệu quả, cũng như làm việc tích cực với địa phương để đạt được những kết quả tích cực như đã làm với các doanh nghiệp trong năm 2019.

Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đóng góp ý kiến cho công tác quản lý ngành công nghiệp năm 2020
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương đóng góp ý kiến cho công tác quản lý ngành công nghiệp năm 2020

Tại Hội nghị, đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ cũng như Vụ Pháp chế đề xuất Cục Công nghiệp tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện và sớm ban hành các quy chuẩn liên quan đến các sản phẩm công nghiệp như sữa, dầu thực vật,… đồng thời rà soát và làm rõ khái niệm, định nghĩa về các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, đại diện Cục Xúc tiến thương mại hy vọng Cục Công nghiệp chú trọng hoạt động hợp tác với Chính phủ và doanh nghiệp Hàn Quốc để sớm đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại song phương đạt 100 tỷ USD vào năm 2020 như lãnh đạo hai nước đã đề ra. Mặt khác, lưu ý hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu với các đối tác Hoa Kỳ, hướng tới cân bằng cán cân thương mại như Chính phủ hai bên kỳ vọng.

Cục trưởng Trương Thanh Hoài (bên phải) khẳng định Cục Công nghiệp sẽ nhanh chóng hoàn thiện nguồn lực phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành công nghiệp
Cục trưởng Trương Thanh Hoài (bên phải) khẳng định Cục Công nghiệp sẽ nhanh chóng hoàn thiện nguồn lực phục vụ công tác quản lý nhà nước ngành công nghiệp

Ghi nhận các ý kiến chỉ đạo và đóng góp, ông Trương Thanh Hoài - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho biết, năm 2019, công tác của Cục dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng đã bước đầu có những kết quả nhất định, đặc biệt là trong xây dựng hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về ngành.

Bước sang năm 2020, Cục Công nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện nguồn lực về cơ sở vật chất và con người, để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ mà Bộ Công Thương và Chính phủ giao phó.

Trong đó, tập trung đẩy mạnh triển khai các hoạt động làm việc trực tiếp và truyền thông toàn diện nhằm nâng cao nhận thức của các địa phương trong ủng hộ và thu hút đầu tư vào các dự án công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến chế tạo.

Cùng với đó, sẽ phối hợp với các bên liên quan nghiên cứu áp dụng các chế tài, sử dụng công cụ chính sách ràng buộc để nhà đầu tư sử dụng sản phẩm cơ khí trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa của các dự án điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển ngành cơ khí trong nước.

Cục trưởng Trương Thanh Hoài bày tỏ hy vọng, lãnh đạo Bộ Công Thương tiếp tục có các chỉ đạo và tạo điều kiện, cũng như các đơn vị trực thuộc Bộ tiếp tục phối hợp chặt chẽ để Cục Công nghiệp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2020.

Năm 2020, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng khoảng 9-10% so với năm 2019. Cụ thể, các nhóm ngành: Khai khoáng bằng 90% so với năm 2019, Công nghiệp chế biến chế tạo tăng 12% so với năm 2019.

Thy Thảo