Hoạt động Thương vụ cần gắn liền thực tiễn phát triển kinh tế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định và nhấn mạnh như vậy tại Phiên toàn thể Hội nghị Tham tán Thương mại năm 2018 vừa diễn ra sáng nay 7/2/2018 tại Hà Nội.
p.p1 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545} p.p2 {margin: 0.0px 0.0px 0.0px 0.0px; font: 12.0px 'Helvetica Neue'; color: #454545; min-height: 14.0px}

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết năm 2018 là một năm có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với ngành Công Thương nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung, đánh dấu năm bản lề trong quá trình thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu khai mạc Hội nghị 

Trước nhiều thách thức và khó khăn trong năm 2017, ngành Công Thương đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và ghi nhận nhiều thành tựu ấn tượng toàn ngành, đặc biệt là trong xuất khẩu. Lần đầu tiên, xuất khẩu của Việt Nam đã vượt mốc 200 tỷ USD, ước đạt 213,8 tỷ USD, tăng trưởng đạt mức tăng cao nhất từ năm 2011 là 21,1%, tạo thặng dư thương mại tới 2,67 tỷ USD.

Năm 2017, thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định và mở rộng. Có 29 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt trên 10 tỷ USD. Xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đã ký FTA đều ghi nhận mức tăng trưởng cao như Hàn Quốc đạt mức tăng 31,1%, Chi-lê 26,3%, Liên bang Nga 35,7%. Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng trưởng tới 60,6% trong năm 2017, gấp đôi so với năm 2016.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh báo cáo tổng kết công tác Thương vụ 2017 và phương hướng hoạt động 2018

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, trên tổng số 25 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD của Việt Nam, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 173,5 tỷ USD, tăng 22,4% so với năm 2016, chiếm hơn 81% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và trở thành động lực chính cho tăng trưởng xuất khẩu. Nhóm hàng nông sản, thuỷ sản đạt xấp xỉ 26 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 2016, chiếm hơn 12% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu rau quả đạt 3,5 tỷ USD, tăng 43,1%; xuất khẩu gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 22,7%. Đáng chú ý, trái cây của Việt Nam đã liên tục thâm nhập được vào các thị trường mới có yêu cầu cao về chất lượng.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, đóng góp vào thành tích chung ấy là sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sức quyết tâm nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và nỗ lực vượt qua trở ngại của ngành Công Thương với sự tham gia, góp phần của hệ thống bộ phận Thương vụ, các Tham tán Thương mại biệt phái thuộc Bộ Công Thương. Trong 2 năm 2016-2017, các Thương vụ đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào một số mặt hàng cụ thể mà Việt Nam có thế mạnh, đưa hàng Việt tiếp cận các chuỗi phân phối tại nước sở tại. Các Tham tán Thương mại cũng đã tích cực phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của chúng ta, kịp thời phối hợp triển khai tháo gỡ rào cản thương mại, trở thành cầu nối hiệu quả giữa thị trường trong và ngoài nước.

Để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội, Chính phủ giao cho năm 2018, vai trò của các Thương vụ tại các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có ý nghĩa quan trọng. Các Thương vụ không chỉ có vai trò lớn đối với mở rộng thị trường thế giới cho hàng hoá Việt Nam mà còn góp phần làm sâu sắc thêm các quan hệ chiến lược và mang tầm chiến lược với các nước trên thế giới với tư cách là một kênh kinh tế đối ngoại quan trọng. Các Tham tán Thương mại đã, đang và sẽ là đầu mối kết nối thị trường cho các doanh nghiệp ở nước ngoài và cũng là đầu mối thông tin để tham mưu với Chính phủ về xu hướng thương mại, liên kết kinh tế khu vực.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chính phủ vẫn đang tiếp tục quá trình lắng nghe và xử lý những kiến nghị cũng như ý kiến đóng góp của các Thương vụ thông qua các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Công Thương. Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu và rộng vào kinh tế thế giới, vai trò của các Tham tán Thương mại, như Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, có thể đánh giá là quan trọng nhất. Bên cạnh những định hướng phát triển các ngành hàng trong nước phù hợp với xu hướng chung, các Thương vụ cũng đã đạt được thành tựu to lớn như tìm được con đường thâm nhập vào thị trường nhiều nước cho các mặt hàng đó, nhạy bén trước các thông tin, kịp thời cung cấp về trong nước các khuyến nghị về thị trường sở tại. Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh việc biểu dương, khen thưởng những Thương vụ đã có hoạt động tích cực và hiệu quả trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương cũng cần xem xét và có biện pháp cần thiết xử lý nghiêm nếu phát hiện những trường hợp còn chưa chủ động tìm hiểu thị trường, đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích quốc gia.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo cụ thể về hoạt động của Tham tán Thương mại

Năm 2018, Thủ tướng hy vọng các Tham tán Thương mại quyết tâm hành động mạnh mẽ hơn nữa, chủ động làm việc với đối tác sở tại để có được nhiều nhất thông tin hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời kết nối chặt chẽ với các bộ, ngành và có sự nghiên cứu, tìm hiểu sâu về thị trường, tiềm năng của các ngành hàng và cơ hội cho hàng Việt, từ đó trở thành kênh thông tin cho ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương. Hoạt động xúc tiến thương mại cần được đẩy mạnh dựa trên nhu cầu và khả năng thực tế của các doanh nghiệp, làm việc theo đúng phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018: Kỷ cương - Liêm chính - Hành động - Sáng tạo - Hiệu quả.

Thủ tướng nhấn mạnh, hoạt động thương vụ cần gắn liền với phát triển kinh tế, phục vụ cho lợi ích của doanh nghiệp trong nước, lấy thành công của hàng hoá Việt làm thước đo hiệu quả công tác. Việc mở rộng thị trường hiện nay không còn chỉ là thị trường hàng hoá vật chất đơn thuần, mà cần hiểu rộng là những thị trường mang lại nguồn lực khác cho đất nước như dịch vụ, vốn, nhân lực, công nghệ,… Để làm được điều đó, các Tham tán Thương mại cần đổi mới chủ động trong công tác nhân sự, phấn đấu nâng cao hoạt động nghiệp vụ song song với hoạt động quan hệ với các bộ phận khác cũng Đại sứ tại cơ quan đại diện. Tình hình kinh tế xã hội thế giới có nhiều chuyển biến rất nhanh và khó lường cùng với sự phát triển của kinh tế số, cách mạng 4.0 đòi hỏi hệ thống Thương vụ của Việt Nam cần chủ động và sáng tạo trong thâm nhập, khai thác tiềm năng thị trường sở tại, chú trọng ngoại giao kinh tế để phát huy cơ hội và đạt được hiệu quả cao nhất trong hoạt động thương mại.

Hoạt động thương vụ cần gắn liền với thực tiễn phát triển kinh tế đất nước và lợi ích của doanh nghiệp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không quên nhắc lại, các bộ, ngành trong nước cũng cần quản lý tốt thị trường trong nước, đề xuất phương án nâng cao chất lượng hàng hoá để trở thành hậu phương vững chắc cho tiếng nói của Thương vụ tại tiền tuyến, đồng lòng cùng khẳng định vị thế của thương hiệu hàng Việt trên thế giới và phát triển kinh tế nước nhà.

Tiếp thu những chỉ đạo cụ thể và thẳng thắn của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương khẳng định sẽ chủ động đổi mới hiệu quả của hệ thống Thương vụ Việt Nam bằng các giải pháp, kế hoạch, đề án cụ thể, đồng thời hy vọng nhận được sự phản hồi liên tục từ các Tham tán Thương mại cũng như doanh nghiệp trong quá trình hợp tác phát triển.

Thy Thảo