Hội nghị ngành Công Thương 5 thành phố trực thuộc Trung ương

Với chủ đề “5 thành phố đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển hệ thống thương mại nội địa trong tiến trình mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế”, sáng ngày 06/7/2012, năm thành phố trực thuộc Trung ương
Mặc dù kinh tế gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng 5 thành phố này luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong hai lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Cụ thể: Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) của 5 thành phố đạt 440.342 tỷ đồng, chiếm 48,3% tổng GTSXCN cả nước, năm 2011 đạt tốc độ tăng trưởng 11,7%. Riêng 6 tháng đầu năm 2012, chỉ số sản xuất công nghiệp của 5 thành phố này vẫn duy trì được mức tăng trưởng, mặc dù thấp hơn năm trước. Cụ thể, Đà Nẵng tăng 4,9%, Hải phòng 6,4%, TP Hồ Chí Minh 5,4%. Ước cả năm 2012, chỉ số SXCN Hà Nội tăng 6%, Hải Phòng tăng 9,5%, TP Hồ Chí Minh tăng 6%; Cần Thơ 6,72%. 

Về thương mại nội địa, tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 thành phố chiếm tỷ trọng hơn 45% tổng mức lưu chuyển cả nước. Ước cả năm 2012, con số này đạt 1.117.116 tỷ đồng, tăng 23,6% so với năm 2011. Tổng kim ngạch xuất khẩu của 5 thành phố chiếm tỷ trọng lớn (43,8%). 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch đạt gần 21 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu của 5 thành phố đã giảm 4,2% so với cùng kỳ. Trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chi tiêu của nhân dân được thắt chặt nhưng thương mại trên địa bàn 5 thành phố vẫn duy trì ở mức tăng trưởng khá với tổng mức lưu chuyển 6 tháng đầu năm 2012 đạt 515.015 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2011. 

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng đã bàn đến nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm phát triển hệ thống thương mại nội địa. Theo ông Lê Hồng Thăng - Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: Để phát triển hạ tầng thương mại hiện đại trên địa bàn thành phố, đã đến lúc Nhà nước phải nghiên cứu, ban hành cơ chế chính sách hoàn chỉnh, tạo điều kiện pháp lý để loại hình siêu thị và trung tâm thương mại văn minh phát triển. Cần đưa các trung tâm thương mại, siêu thị vào danh mục các dự án được hưởng chính sách khuyến khích ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. 

Ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho rằng: Cần đưa ra giải pháp đổi mới và nâng cao công tác quản lý chợ theo hướng văn minh thương mại. Vì thế, phải rà soát lại mạng lưới chợ trên địa bàn để xây dựng phương án điều chỉnh mạng lưới chợ phù hợp với mật độ dân cư... Ông Kha đề xuất, các cơ quan nhà nước rà soát để điều chỉnh, ban hành các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn nhằm khuyến khích việc đầu tư khai thác, kinh doanh và quản lý chợ của các doanh nghiệp. Khảo sát nhu cầu để nghiên cứu, xây dựng các dịch vụ hỗ trợ tại chợ như kho đông lạnh, dịch vụ hàng hóa, kiểm tra chất lượng, xuất xứ hàng hóa trước khi đưa vào chợ… 

Để tạo thêm kênh tiêu thụ hàng hóa, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Lai đã trao đổi kinh nghiệm triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. TP Hồ Chí Minh xác định, đây không phải là hoạt động phong trào mà thực sự đã trở thành chương trình hành động, có định hướng triển khai dài hạn và liên tục. Kết quả là, cuộc vận động đã tăng cường kết nối doanh nghiệp thành phố với thị trường tiêu thụ, xây dựng chương trình hành động khuyến khích sử dụng hàng Việt đối với tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng nhà nước, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp. 

Ông Nguyễn Bình Minh, Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hải Phòng đã phát biểu về kinh nghiệm kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là công tác phối hợp chống hàng tạm nhập tái xuất thẩm lậu vào nội địa với mục tiêu bảo vệ những doanh nghiệp làm ăn chân chính, phát triển và ổn định thị trường trong nước. 

Ông Nguyễn Minh Toại - Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ kiến nghị, Bộ Công Thương, các ngành chức năng hỗ trợ xây dựng thương hiệu gạo và cá tra Việt Nam để sản phẩm có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường thế giới, vì hiện nay Việt Nam chưa có thương hiệu riêng làm cho năng lực cạnh tranh của sản phẩm thấp, sản phẩm XK Việt Nam phải mang thương hiệu nước ngoài. 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đánh giá cao đóng góp kinh tế của 5 thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh và Cần Thơ được coi là 5 đầu tàu kinh tế tại mỗi vùng kinh tế trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế cả nước, chiếm tỷ trọng lớn trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại, vì thế luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cũng như các bộ, ngành.