Kiểm kê và đánh giá tài sản doanh nghiệp nhà nước: kiểm kê không chỉ để… kiểm kê!

Kể từ 0 giờ ngày 01/07/2011 là thời điểm chính thức thực hiện Quyết định số 352/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ký ngày 10 tháng 03 năm 2011 về thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của một
>>Quyết định 352.pdf

>>Thông tư  87 hướng dẫn thực hiện  Quyết định  352

1. Người nào việc nấy và quy trình kiểm kê…
Đây là nhiệm vụ quan trọng đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên có liên quan, gồm các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW, các tập đoàn, TCty và các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Cụ thể:
- Bộ Tài chính: Chủ trì hướng dẫn biểu mẫu, nguyên tắc và xử lý kết quả chung việc kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn tại các doanh nghiệp (ngày 9 tháng 4 năm 201 Bộ Tài chính đã có Công văn 4678/BTC-TCDN hướng dẫn chung việc triển khai thực hiện thí điểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn tại thời điểm 0h ngày 01/07/2011);
- Bộ Xây dựng: Hướng dẫn việc kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản cố định là nhà, vật kiến trúc;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường: Hướng dẫn kiểm kê diện tích đất, phương pháp xác định giá đất;
- Bộ Công Thương: Hướng dẫn việc kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản là máy móc thiết bị;
- Bộ Thông tin và Truyền thông: Hướng dẫn việc kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản là thiết bị chuyên ngành bưu chính viễn thông;
- Bộ Giao thông vận tải: Hướng dẫn việc kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản là phương tiện vận tải, thiết bị chuyên ngành giao thông vận tải;
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Hướng dẫn việc kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản là giống vật nuôi, vườn cây, rừng tự nhiên, rừng trồng, rừng phòng hộ, hệ thống thủy lợi, …thuộc lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp.
- Các tập đoàn, tổng công ty: Chủ động xác định danh sách doanh nghiệp thực hiện kiểm kê, đánh giá lại và gửi các Bộ quản lý ngành (đối với doanh nghiệp trung ương) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với doanh nghiệp địa phương) để các cơ quan này xem xét, quyết định danh sách các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ để thực hiện thí điểm kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011.
Sau khi nhận được quyết định thí điểm thực hiện kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn tại thời điểm 01/7/2011, các doanh nghiệp có trách nhiệm:
+ Thành lập Ban Chỉ đạo kiểm kê, gồm Trưởng ban là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch Công ty (đối với Công ty không có Hội đồng thành viên) và các ủy viên là Tổng giám đốc (giám đốc) công ty, Đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Trưởng bộ phận Kế toán, Kiểm soát, Kỹ thuật.
+Tổ chức kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn, lập, gửi báo cáo kết quả về Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty trước ngày 30/8/2011, trong đó bao gồm cả báo cáo giải trình thuyết minh cụ thể các trường hợp tăng, giảm vốn và tài sản, nguyên nhân giảm giá trị doanh nghiệp, giảm vốn (nếu có).
Việc thực hiện thí điểm kiểm kê đánh giá lại tài sản và vốn đối với các doanh nghiệp đã đăng ký và được phê duyệt danh sách thực hiện, ngoài việc doanh nghiệp thực hiện trực tiếp kiểm kê đánh giá lại tài sản, thì có thể thuê công ty tư vấn có chức năng định giá tài sản để phối hợp với doanh nghiệp thực hiện việc kiểm kê và đánh giá lại tài sản theo hướng dẫn của các Bộ. Chi phí kiểm kê đánh giá lại tài sản do doanh nghiệp quyết định và được phép tính vào chi phí hợp lý của doanh nghiệp khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp trên tinh thần tiết kiệm và có hiệu quả. 

Công ty mẹ - Tập đoàn, Tổng công ty thực hiện thẩm định, tổng hợp kết quả kiểm kê, đánh giá lại tài sản của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn, Tổng công ty, gửi Bộ quản lý ngành (hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh) trước ngày 30/9/2011 để phê duyệt và tổng hợp; đồng thời gửi Bộ Tài chính để theo dõi và giám sát.
Sau khi các doanh nghiệp thực hiện kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn tại thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 7 năm 2011, Bộ quản lý ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, phê duyệt xử lý kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản và vốn của từng doanh nghiệp, tổng hợp kết quả kiểm kê đánh giá lại tài sản của các doanh nghiệp theo từng Tập đoàn, Tổng công ty và gửi kết quả phê duyệt, tổng hợp kết quả kiểm kê theo Bộ, tỉnh (thành phố trực thuộc trung ương) và gửi cho Bộ Tài chính trước ngày 30/10/2011 để Bộ Tài chính tổng hợp, phân tích, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản đối với tất cả các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. 

2.  Đối tượng kiểm kê
Đối tượng doanh nghiệp thực hiện thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản và vốn theo Quyết định này là doanh nghiệp thuộc các tập đoàn, Tổng công ty do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và có ngành nghề kinh doanh chính phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn, tổng công ty do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, có giá trị tổng tài sản lớn và hầu hết giá trị tài sản phản ánh trên sổ kế toán không còn phù hợp (hoặc quá cách biệt) với giá thị trường tại thời điểm kiểm kê, đánh giá lại.
Đối tượng tài sản kiểm kê là toàn bộ tài sản là hiện vật thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp, gồm tài sản đất đai, tiền mặt và ngoại tệ, vàng và các khoản đầu tư tài chính, cho đến nguyên vật liệu, công cụ… của các doanh nghiệp thí điểm thuộc diện kiểm kê và đánh giá lại từ ngày 1/7/2011, cụ thể:
- Đối với tài sản cố định, sẽ kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có tại doanh nghiệp, kể cả những tài sản đang cho thuê, tài sản gửi giữ hộ, tài sản được tặng biếu, viện trợ, tài sản vô chủ hiện có trong khu vực quản lý của doanh nghiệp.
- Đối với công trình xây dựng cơ bản còn dở dang thì kiểm kê toàn bộ phần công trình, hạng mục công trình đầu tư tự làm. Nếu giao thầu cho bên B thì chỉ kiểm kê phần công trình, hạng mục công trình đã hoàn thành theo từng giai đoạn, bên B bàn giao cho bên A và được bên A chấp nhận thanh toán. Phần công trình xây dựng cơ bản dở dang bên A chưa chấp nhận thanh toán cho bên B được coi là tài sản lưu động (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) của bên B.
- Đối với tài sản là đất, thực hiện kiểm kê đối với tất cả các diện tích đất do doanh nghiệp quản lý bao gồm đất được giao, nhận chuyển nhượng, đất thuê…
- Đối với tài sản lưu động, kiểm kê toàn bộ các loại nguyên liệu, vật liệu tồn kho, công cụ, dụng cụ trong kho, hàng hoá, thành phẩm, bán thành phẩm tồn kho, công cụ và dụng cụ đang dùng, hàng mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, các loại chi phí sản xuất kinh doanh dở dang...
- Toàn bộ các loại vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền đang chuyển, ngân phiếu, vàng, bạc, kim khí quí, đá quí, và các chứng chỉ có giá trị như tiền, các loại tiền gửi ở ngân hàng, kể cả tiền mang đi liên doanh, liên kết, các loại ngoại tệ tại quỹ và gửi ngân hàng... cũng thuộc diện kiểm kê theo dự thảo xác định.
-Toàn bộ tài sản là các khoản đầu tư tài chính như đầu tư chứng khoán dài hạn, góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, đầu tư chứng khoán ngắn hạn, đầu tư ngắn hạn khác; các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn và dài hạn; các loại tài sản khác cũng thuộc diện kiểm kê; các khoản nợ phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, các khoản phải thu khác... cũng thuộc diện kiểm kê.
- Các khoản phải trả của doanh nghiệp bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn, nợ dài hạn, phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả công nhân viên, phải trả cho các đơn vị nội bộ, các khoản phải trả, phải nộp khác, nợ khác.
-Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp bao gồm vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá hối đoái, quỹ đầu tư phát triển, quỹ dự phòng tài chính, quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nguồn kinh phí và quỹ khác. 

2. Kiểm kê không chỉ …để kiểm kê
Kiểm kê và đánh giá lại tài sản nhà nước là một hoạt động ngày càng quan trọng trong nội dung và công cụ quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế nhà nước. Kết quả thí điểm kiểm kê là bước đệm cần thiết để rút kinh nghiệm và tiến tới Tổng kiểm kê và đánh giá lại tài sản và vốn của tất cả các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; Lợi ích của việc này là rõ ràng, bởi: 

Thứ nhất, cho phép nắm chính xác và cập nhật về giá trị, cũng như về các động thái thay đổi tổng và cơ cấu các tài sản trong khu vực kinh tế nhà nước, từ đó định vị đúng sức mạnh và vai trò kinh tế nhà nước, có căn cứ thực tế để lập các kế hoạch sử dụng các nguồn lực thuộc khu vực kinh tế nhà nước nói riêng, tổng các nguồn lực xã hội nói chung một cách sát hợp và hiệu quả hơn. 

Thứ hai, cho phép minh bạch hóa nguồn tài sản công, tạo thuận lợi cho công tác giám sát, ngăn chặn các hoạt động gây thất thoát và tham nhũng tài sản công và đầu tư công. 

Thứ ba, cho phép tạo cơ sở thực tế đổi mới cơ chế quản lý, phát huy quyền chủ động của doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm của các bên có liên quan trong quản lý nhà nước về khu vực kinh tế nhà nước. 

Thứ tư, góp phần xây dựng cơ sở dữ liệu nghiên cứu và điều hành kinh tế cần thiết phục vụ quá trình tái cấu trúc kinh tế và đột phá thể chế, phát triển đất nước theo mục tiêu mà Đại hội Đảng toàn quốc XI, cũng như Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2011-2020 đã đề ra. 

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm kê và đánh giá lại tài sản trong khu vực kinh tế nhà nước nói chung, trong các doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ nói riêng, đòi hỏi sư thống nhất nhận thức, nắm chắc nhiệm vụ, yêu cầu và quy trình, cũng như sự nghiêm túc và khoa học trong thao tác triển khai trên thực tế. Đặc biệt, cần tăng cường các hoạt động giám sát, kiểm tra và quy trách nhiệm cụ thể, cùng áp dụng các chế tài hành chính và tài chính nghiêm khắc, kịp thời cho tất cả các cấp, ngành, đơn vị và cá nhân có liên quan để giảm thiểu tình trạng tắc trách, bỏ sót và cố tình “lập lờ đánh lận con đen”, “đục nước béo cò”, gây tổn thất và thiệt hại đến các tài sản công hiện có và sẽ có trong khu vực này.