Thỏa ước lao động tập thể: Góp phần nâng cao quyền lợi của người lao động

Cam kết bảo đảm việc làm; thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp lương; định mức lao động (LĐ); an toàn vệ sinh LĐ và bảo hiểm xã hội… - đó là một trong số những n

Cùng với xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, quan hệ LĐ ngày càng đòi hỏi sự hài hòa về lợi ích trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng LĐ và người LĐ về quyền lợi, nghĩa vụ nhưng không trái với quy định của pháp luật. Đảng và Nhà nước luôn khuyến khích những thỏa thuận có lợi hơn cho người LĐ so với pháp luật LĐ quy định. Việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ LĐ và hoạt động của các tổ chức bảo vệ quyền lợi của người LĐ. Trong đó, tổ chức Công đoàn, nhất là Công đoàn cơ sở - nơi đại diện cho tập thể LĐ thương lượng và ký kết TƯLĐTT với người sử dụng LĐ trong các DN, đơn vị thuộc đối tượng áp dụng TƯLĐTT nhằm thực hiện tốt chức năng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người LĐ.

Các nội dung của TƯLĐTT không được trái với pháp luật LĐ và pháp luật khác, nghĩa là không được thấp hơn những quy định tối thiểu và không được cao hơn những quy định tối đa trong hành lang pháp lý của pháp luật LĐ. Theo quy định của pháp luật, thời hạn của TƯLĐTT từ 1 đến 3 năm, riêng đối với DN lần đầu tiên ký kết thỏa ước có thể ký với thời hạn dưới 1 năm. TƯLĐTT được xác định là công cụ, phương tiện quan trọng điều chỉnh quan hệ LĐ trong mỗi DN, là nguồn bổ sung của pháp luật LĐ. Ông Phạm Xuân Danh - Phó Chủ tịch Liên đoàn LĐ tỉnh cho biết: “TƯLĐTT là cơ sở giải quyết mọi vấn đề quan hệ LĐ thông qua đàm phán, thương lượng. Việc ký kết TƯLĐTT tạo nên sự đoàn kết, nhất trí cao trong nội bộ, quyền lợi và nghĩa vụ của mọi người, mọi chức vụ đều được tôn trọng. Bên cạnh đó, TƯLĐTT còn thể hiện sự quan tâm của DN đến việc nâng cao quyền lợi của người LĐ, khích lệ tinh thần sáng tạo trong công việc của người LĐ. Không những thế, TƯLĐTT còn được xem là “hồi kết” cho tình trạng đình công, lãn công đòi quyền lợi của người LĐ”.

Theo số liệu thống kê của Liên đoàn LĐ tỉnh, toàn tỉnh hiện có khoảng 310 DN có tổ chức Công đoàn. Trong đó có 98 DN cổ phần, 132 DN TNHH, 31 DN đầu tư nước ngoài, 28 DN tư nhân và 18 DN Nhà nước tham gia ký kết TƯLĐTT với hơn 410 nội dung có lợi cho người LĐ. Theo Ông Phạm Xuân Danh, TƯLĐTT được xây dựng trên cơ sở thỏa thuận giữa người sử dụng LĐ và người LĐ thông qua các nghĩa vụ và quyền lợi cụ thể. Do đó, không chỉ người LĐ vui mừng vì có nhiều điều khoản “trên” luật có lợi cho mình mà ngay cả giới sử dụng LĐ cũng hồ hởi; bởi thực chất, những điều này mang lại sự phát triển ổn định, bền vững cho DN. Đơn cử, các DN tham gia ký kết TƯLĐTT với nhiều nội dung có lợi cho người LĐ như: Công ty Bia Sanmiguel Việt Nam ký kết 21 nội dung có lợi, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Ô tô Phương Trang ký kết 13 nội dung, Công ty Dịch vụ vận tải Khánh Hòa ký kết 5 nội dung có lợi… Bên cạnh đó, còn có nhiều DN ký kết TƯLĐTT với những nội dung như luật và trên luật, bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện cho người LĐ yên tâm LĐ, sản xuất. Với những nội dung được ký kết, các quy chế làm việc sẽ được mở rộng hơn và trong bất cứ thời điểm nào, nếu có vấn đề bất thường phát sinh thì tổ chức Công đoàn và ban lãnh đạo DN sẽ kịp thời xem xét, thương lượng, giải quyết thấu đáo nhằm bảo đảm các quyền lợi cho người LĐ.

Có thể nói, TƯLĐTT có vai trò rất lớn trong việc góp phần điều hòa lợi ích, ngăn ngừa mâu thuẫn xung đột trong quan hệ LĐ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các tranh chấp LĐ, bảo đảm các chính sách, quyền lợi cho người LĐ. Do đó, để TƯLĐTT được đông đảo DN trên địa bàn tỉnh hưởng ứng, tham gia có hiệu quả, các cấp, ngành cần xây dựng cơ chế thương lượng để tạo mối quan hệ hài hòa trong DN. Đồng thời, các tổ chức Công đoàn cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động DN hiểu rõ về lợi ích của TƯLLĐTT đem lại để tham gia ký kết. Bên cạnh đó, cần tổng hợp phân loại, lựa chọn các TƯLĐTT có chất lượng tốt, theo loại hình sản xuất kinh doanh để phổ biến cho các DN nghiên cứu vận dụng…