Hợp tác quốc tế với các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông và ứng xử của Việt Nam

TS. TRẦN NHƠN (Hội Thủy lợi Việt Nam)

TÓM TẮT:

Trước tình hình khai thác và quản lý nguồn nước sông Mê Kông (MK) như đã trình bày ở bài báo trước (đăng trên ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 6 tháng 4/2019) thì ở bài báo này, tác giả phân tích hợp tác quốc tế với các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông và ứng xử của Việt Nam nên như thế nào trước tình trạng này. Tác giả cũng đã đưa ra một số kiến nghị mang tính chiến lược nhằm hướng tới việc quản lý thống nhất và thông minh nguồn nước MK để đảm bảo sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường trên toàn bộ lưu vực MK.

Từ khóa: Mê Kông, Ủy hội sông Mê Kông, thủy điện, quản lý thông minh.

  1. Hợp tác quốc tế đối với các nước thuộc lưu vực MK

1.1. Tài trợ quốc tế đối với các hoạt động của Ủy hội MK (MRC)

Các nhà tài trợ cho hoạt động của MRC trong những năm qua là: Chính phủ của các nước Úc, Đan Mạch, EU,  Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ, Hà Lan và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) v.v.

Các nhà tài trợ quốc tế nói trên tập trung cấp kinh phí cho những hoạt động của Ủy hội MK như sau:

- Giám sát và báo cáo về thực trạng môi trường của hệ thống MK để cải thiện công tác quản lý dòng chảy và bảo vệ sự cân bằng sinh thái ở lưu vực.

- Dự báo lũ.

- Hỗ trợ quản lý, xây dựng và phát triển các hoạt động trong lĩnh vực thủy sản ở cấp địa phương và cấp vùng.

- Thúc đẩy giao thông và giao thương đường thủy an toàn thông qua các quy hoạch tổng thể và kế hoạch hỗ trợ giao thông thủy.

- Hỗ trợ cộng đồng phát triển kỹ thuật thủy lợi và nông nghiệp nhằm bảo vệ lưu vực và đảm bảo tạo thu nhập cho người dân địa phương.

- Cung cấp các hướng dẫn và hỗ trợ đối thoại về phát triển thủy điện bền vững để đảm bảo quyền lợi chung của các quốc gia thành viên.

- Giúp các quốc gia thành viên thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Thúc đẩy việc chia sẻ thông tin, đối thoại và thương lượng về quản lý tài nguyên nước giữa các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự.

Trong những năm tới, Kế hoạch Chiến lược của Ủy hội MK quốc tế tập trung vào việc đạt được 7 thành quả đã được thỏa thuận để thúc đẩy việc tích hợp và liên kết các nỗ lực một cách mạnh mẽ hơn, tăng cường khả năng phân bổ nhanh hơn các nguồn lực, cũng như nâng cao tính hiệu quả và minh bạch trong việc sử dụng tài nguyên nước [3].

Nâng cao hiểu biết chung và tăng cường việc sử dụng tri thức dựa trên bằng chứng của các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập kế hoạch dự án.

Tối ưu hóa công tác quản lý môi trường và phát triển tài nguyên nước bền vững của các cơ quan quy hoạch ngành cấp quốc gia vì lợi ích của toàn lưu vực.

Hướng dẫn xây dựng và quản lý các dự án sử dụng nước và các dự án liên quan đến nước, chia sẻ và sử dụng tài nguyên của các cơ quan quy hoạch và thực thi ở cấp quốc gia.

Các quốc gia thành viên thực hiện có hiệu quả và chặt chẽ các thủ tục của Ủy hội MK quốc tế.

Đối thoại và hợp tác hiệu quả giữa các quốc gia thành viên và kết hợp các đối tác khu vực và các bên liên quan tham gia quản lý nước xuyên biên giới một cách chiến lược.

Tăng cường công tác giám sát, dự báo và đánh giá tác động toàn lưu vực cũng như phổ biến các kết quả nghiên cứu trợ giúp quá trình ra quyết định của các quốc gia thành viên.

Đổi mới Ủy hội MK quốc tế trở thành một tổ chức hiệu quả hơn, phù hợp với lộ trình phân công.

Có thể nhận thấy, các nhà tài trợ quốc tế mới chỉ tập trung tài trợ vào những nghiên cứu kỹ thuật, nhiều nghiên cứu, dự án mới chỉ theo các mục đích trước mắt và cục bộ, chưa chú ý đến việc phát triển khai thác và quản lý nguồn nước MK theo hướng quản lý nước thông minh trong bối cảnh thời đại 4.0 cũng như thúc đẩy Trung Quốc và Myanma tham gia trực tiếp vào Ủy hội MK.

1.2. Hợp tác giữa Nhật Bản và các nước lưu vực MK

Từ sau “Kế hoạch hành động MK - Nhật Bản nhằm thực hiện chiến lược Tokyo” năm 2012, bất kỳ văn bản nào thể hiện phương châm hành động của khuôn khổ hợp tác này cũng đều đề cập vấn đề tự do hàng hải dựa trên Công ước Liên hợp quốc về luật Biển (UNCLOS). Đây rõ ràng là nhằm thể hiện quan ngại về những hành động của Trung Quốc tại Biển Đông những năm gần đây. Tuy nhiên, điều này là nhằm đóng góp chung vào hòa bình, ổn định và sự phát triển trong khu vực chứ không phải nhắm tới vai trò của Trung Quốc.

Sáng ngày 9/10/2018 tại Tokyo, Nhật Bản, đã diễn ra Hội nghị Cấp cao hợp tác MK - Nhật Bản lần thứ 10, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào, Cố vấn Nhà nước Myanmar, Thủ tướng Vương quốc Thái Lan và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc [4].

Tại hội nghị, các lãnh đạo đã rà soát tình hình hợp tác thời gian qua; thảo luận các phương hướng lớn của hợp tác giai đoạn mới cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực.

Các nhà lãnh đạo ghi nhận, sau 10 năm hình thành, hợp tác MK - Nhật Bản đã đạt được nhiều thành tựu theo định hướng được đề ra là xây dựng một tiểu vùng hòa bình và ổn định lâu dài; phát triển kinh tế, đóng góp tích cực cho hội nhập ASEAN; phát triển bền vững thông qua cơ chế họp cấp cao định kỳ, trao đổi về hợp tác ở các cấp và thực hiện các dự án cụ thể trong các lĩnh vực chuyên ngành cho từng giai đoạn theo các chiến lược 3 năm.

Về chiến lược Tokyo 2015 cho giai đoạn 2016 - 2018, các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc triển khai hàng trăm dự án trong nhiều lĩnh vực, giúp cải thiện kết nối cơ sở hạ tầng, thúc đẩy gắn kết kinh tế - công nghiệp và giao lưu nhân dân giữa Nhật Bản và khu vực MK.

Các lãnh đạo đã quyết định nâng cấp hợp tác giữa các nước MK và Nhật Bản lên quan hệ đối tác chiến lược. Theo đó, phương hướng hợp tác trong thời gian tới sẽ tập trung vào 3 trụ cột chính.

Thứ nhất là, kết nối sống động và hiệu quả: Tiếp tục xây dựng hạ tầng, tích cực triển khai sáng kiến "Tầm nhìn công nghiệp MK 2.0" và "Quan hệ đối tác mở rộng về cơ sở hạ tầng chất lượng", trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, viễn thông, năng lượng, thương mại, đầu tư, kinh tế số.

Thứ hai là, xã hội lấy người dân làm trung tâm, với trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghiệp, kinh doanh quốc tế, trí tuệ nhân tạo, tài chính, nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm; hợp tác y tế, giáo dục, tư pháp. Hội nghị nhất trí sẽ tổ chức "Năm giao lưu MK - Nhật Bản 2019" nhằm thúc đẩy hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân các nước MK và Nhật Bản.

Thứ ba là, hiện thực hóa một MK xanh, với các nội dung chính gồm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế và khu vực, đặc biệt là Ủy hội MK về quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước MK; ứng phó biến đổi khí hậu; hợp tác về cắt giảm, xử lý và tái chế chất thải; bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn lợi thủy sản.

Kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo đã thông qua Chiến lược Tokyo 2018 cho hợp tác giai đoạn 2019 - 2021 cùng 3 phụ lục danh sách các dự án phối hợp giữa hợp tác MK - Nhật Bản với các chương trình/khuôn khổ hợp tác phát triển toàn cầu và khu vực.

Hợp tác MK - Nhật Bản đối với thực hiện tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển khu vực có ý nghĩa rất lớn. Các dự án hợp tác MK - Nhật Bản đã giúp đem lại sự thay đổi đáng kể về cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường tại các nước MK.

Trong mối quan hệ hợp tác giữa Nhật Bản và các nước trong lưu vực MK nhằm mục đích tăng cường hỗ trợ các nước MK phát triển mạng lưới giao thông đa phương thức và hệ thống logistics kết nối các tỉnh/thành ở tiểu vùng, đặc biệt quan tâm xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng; Thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa ở tiểu vùng qua xây dựng các chuỗi công nghiệp, hỗ trợ tiểu vùng tham gia vào các chuỗi toàn cầu, phát triển nguồn nhân lực chất lượng; Nhấn mạnh nhu cầu hợp tác phát triển bền vững nhằm xây dựng một MK Xanh. Trọng tâm bao gồm hợp tác phòng ngừa thảm họa, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước, phát triển nông nghiệp thông minh, nâng cao năng lực triển khai Chương trình nghị sự Liên Hợp Quốc 2030 và tăng cường hợp tác với Ủy hội MK.

1.3. Hợp tác giữa Hàn Quốc và 5 quốc gia Đông Nam Á lưu vực MK

Sau cuộc họp cấp cao thường niên lần thứ 7 tại thành phố cảng Busan ngày 1/9/2018, Hàn Quốc và 5 quốc gia Đông Nam Á lưu vực MK đã đồng ý tăng cường hợp tác ngoại giao và kinh tế.

Hàn Quốc đã khẳng định tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của khu vực Đông Nam Á, trong đó có các nước lưu vực MK sẽ thúc đẩy việc thực hiện Cộng đồng ASEAN một cách nhanh chóng.

Điều này cũng là mối quan tâm của Hàn Quốc vì sự thịnh vượng của Cộng đồng ASEAN sẽ thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Hàn Quốc, trong đó có các nước lưu vực MK với Hàn Quốc, lại tạo ra lợi ích cho người dân trong khu vực.

Chính phủ Hàn Quốc cam kết mang lại sự hồi phục “phép lạ sông Hàn” của Hàn Quốc đến lưu vực MK và đưa khu vực MK thành động cơ tăng trưởng mới không chỉ đối với Đông Á mà còn cho nền kinh tế toàn cầu [5].

Về định hướng thời gian tới, Hàn Quốc tiếp tục hợp tác tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách phát triển và nâng cao năng lực phát triển bền vững. Hàn Quốc nhấn mạnh triển khai Chính sách hướng Nam mới và quyết tâm tăng cường hợp tác với khu vực MK, tăng ODA cho các nước ASEAN và nguồn tài chính cho Quỹ hợp tác MK - Hàn Quốc. Hàn Quốc và 5 nước trong lưu vực MK nhất trí về việc nâng cấp cơ chế làm việc và khả năng tổ chức Hội nghị Cấp cao MK - Hàn Quốc lần thứ nhất vào năm 2019.

Nội dung hợp tác trong thời gian tới của Hàn Quốc bao gồm: (i) Chú trọng hợp tác bảo vệ môi trường, phòng ngừa và xử lý hiệu quả, kịp thời những thảm họa xảy ra trên MK, quản lý bền vững nguồn nước MK và mở rộng hợp tác với Ủy hội MK. Hàn Quốc có thể chia sẻ kinh nghiệm phát triển xanh của mình để thúc đẩy phát triển bền vững tại tiểu vùng MK; (ii) Chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn và tăng cường hỗ trợ từ Hàn Quốc trong việc nâng cấp hệ thống giáo dục, xây dựng thế hệ “lao động trí thức” trước các tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; (iii) Đẩy mạnh hợp tác công nghệ, nhất là hợp tác về công nghệ nông nghiệp hiện đại; (iv) Tăng cường kết nối khu vực qua các hành lang giao thông quốc tế và hệ thống logistics hiệu quả, bao gồm hợp tác phát triển hành lang kinh tế Đông - Tây, Hành lang kinh tế phía Nam và xây dựng tuyến đường sắt từ Viêng Chăn, Lào tới cảng Vũng Áng, Việt Nam.

1.4. Hợp tác Hoa Kỳ và các quốc gia thuộc tiểu vùng lưu vực MK

Hạt nhân trong mối quan hệ Hoa Kỳ - Đông Nam Á hiện nay chính là “Sáng kiến hạ lưu MK (LMI)” mới được thiết lập - với mục tiêu kêu gọi nỗ lực của các bên trong việc cải thiện chất lượng giáo dục, môi trường, sức khỏe và cơ sở hạ tầng trong khu vực. Chính sách này rõ ràng cũng có mục tiêu địa chính trị nhằm cân bằng ảnh hưởng bên ngoài đối với khu vực ASEAN - nơi mà ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng gia tăng trong suốt thập kỉ qua. Mặc dù chi tiết của LMI mới chỉ ở giai đoạn khởi thảo, nhưng một số cơ quan của Hoa Kỳ đã tiến hành nghiên cứu những vấn đề quan trọng, có thể ảnh hưởng đến tương lai của vùng hạ lưu MK (bao gồm: Campuchia, Đông Thái Lan và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam). Công việc còn lại là thiết lập cơ cấu quản lý chặt chẽ các hoạt động đa dạng này.

Cơ quan Khảo sát Địa chất của Hoa Kỳ (USGS) đã phát triển một công cụ đa phương tiện mới mang tên “Dự báo MK” nhằm mô tả rõ những tác động từ của các hiện tượng biến đổi khí hậu và phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là từ các dự án đập đối với MK và đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, mối quan hệ kết nghĩa giữa 2 dòng sông Mississippi và MK cũng đã được thiết lập, nhằm phát triển năng lực vùng bằng các công cụ, kỹ thuật mô hình hóa lưu vực tiên tiến, kết hợp đồng thời với việc xây dựng năng lực thể chế.

Vai trò đầy thách thức nhưng mang tính xây dựng của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy các quốc gia trong lưu vực MK cùng nhau hợp tác phát triển, hướng đến việc xây dựng “Tiêu chuẩn MK” nhằm đánh giá các đề xuất thủy điện trong lưu vực. Lý tưởng hơn nữa, phía Hoa Kỳ có thể tạo điều kiện hình thành một diễn đàn tập hợp các bên liên quan và áp dụng các công nghệ mô hình hóa tiên tiến cùng các kỹ thuật đánh giá lợi ích - chi phí xã hội, môi trường nhằm tạo ra những tiêu chuẩn mực cho các đánh giá tác động môi trường đi liền với cơ sở hạ tầng nguồn nước.

Hoa Kỳ đã tài trợ 50 triệu USD cho Sáng kiến Hạ nguồn MK giai đoạn 2013 - 2015 và cam kết tài trợ 1,25 triệu USD để khởi động Chương trình Đối tác cơ sở hạ tầng bền vững (SIP) giai đoạn 2016 - 2018.

1.5. Hợp tác của Trung Quốc với các nước lưu vực MK

Với sức mạnh tài chính dồi dào, Trung Quốc cam kết dành các khoản vay lên tới 12 tỷ USD cho các đối tác tại hạ nguồn MK, gồm Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar và Việt Nam.

Tới nay, 60% các khoản vay ưu đãi của Trung Quốc được dành cho 5 nước hạ nguồn MK với nhiều dự án cơ sở hạ tầng và phát triển công nghiệp. Thái Lan đang tìm kiếm nguồn tài chính cho một sáng kiến bảo tồn, trong khi Campuchia cần tiền để đối phó với tình trạng đất bạc màu.

Tầm nhìn của Hợp tác MK - Lan Thương (MLC) đối với hội nhập kinh tế khu vực càng làm tăng sự ảnh hưởng về kinh tế của Trung Quốc lên các đối tác Đông Nam Á. Báo cáo của chính phủ Trung Quốc cho thấy kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước hạ nguồn MK trong 10 tháng đầu năm 2017 đã tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2016, trong khi tổng mức đầu tư cũng tăng 2,68 tỷ USD, tương đương 22% [6].

Bên cạnh Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững lưu vực MK và sự hiện diện của Ủy hội MK quốc tế, các bên có liên quan đã ký nhiều hiệp định đa phương khác, đáng chú ý là:

- Chương trình Hợp tác Tiểu vùng MK mở rộng (GMS) gồm 6 quốc gia trong lưu vực MK tham gia. Mục đích cuối cùng của GMS là tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế bền vững và cải thiện đời sống, xóa đói nghèo, với các mục tiêu cụ thể: (1) nhận biết và tăng cường các cơ hội phát triển; (2) khuyến khích đầu tư, thương mại giữa các quốc gia GMS; (3) giải quyết hoặc giảm thiểu các vấn đề xuyên biên giới; (4) đáp ứng các nhu cầu chung về chính sách và nguồn lực; Hiệp định Hợp tác về giao thông thủy thượng lưu MK được ký kết giữa 4 nước (Trung Quốc, Lào, Myanma và Thái Lan) nhằm thiết lập cơ chế tự do cho tàu thuyền của 4 nước đi lại trên đoạn sông dài 881 km từ Si-Mao (Trung Quốc) với Luang-Prabang (Lào).

- Tổ chức chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady - Chao Phraya - MK (ACMECS) là tổ chức chính trị, kinh tế và văn hóa được thành lập năm 2003 với sự tham gia của Thái Lan, Myanma, Lào và Campuchia nhằm mục đích tăng cường các hoạt động hợp tác kinh tế giữa các nước ở khu vực Đông Nam Á lục địa.

Trong một thời gian ngắn, từ tháng 3 - 10/2007, Lào và Campuchia đã ký 12 Biên bản ghi nhớ nghiên cứu chuẩn bị cho xây dựng hàng loạt các công trình thủy điện trên dòng chính hạ lưu MK. Cụ thể là vào tháng 3/2007 ký với công ty Mega First Malalaysia xây dựng thuỷ điện Đôn Sahong (tỉnh Chămpasak); tháng 5/2007 ký với công ty Karnchang Public Company Ltd Thái lan xây dựng thuỷ điện Xayabouri (tỉnh Xayabouri); tháng 6/2007 ký với Sinnohdro Corporation China National Electronics, Trung Quốc xây dựng thuỷ điện Pak Lay (tỉnh Xayaburi); tháng 8/2007 ký với công ty Datang International Power Generation Co. Ltd, Trung Quốc xây dựng thuy điện Pakbeang (tỉnh Oudomxay); tháng 10/2007 ký với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xây dựng thủy điện Luang Prabang (tỉnh Puang Prabang). Campuchia đã ký biên bản ghi nhớ với Trung Quốc nghiên cứu thủy điện Sambor. Thái Lan đang tiến hành nghiên cứu xây dựng thủy điện Ban Koum. Các hoạt động sôi động này đều được thực hiện qua hợp tác song phương ngoài khuôn khổ hợp tác MK. Tổng công suất lắp máy từ 12.920 MW (phương án thấp) đến 21.300 MW (phương án cao).

Có thể nhận thấy, việc Trung Quốc tham gia hợp tác với các nước lưu vực MK không những mang lại những lợi ích cho Trung Quốc mà còn làm cho vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế được nâng cao hơn. Là một nước có phần lãnh thổ nằm ở thượng nguồn sông quốc tế MK, Trung Quốc cần tuân thủ các nguyên tắc về quản lý nguồn nước của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc không nên coi việc xây dựng các đập thủy điện ở thượng lưu MK là gây sức ép đối với các nước ở hạ lưu MK. Cũng rất đáng hoan nghênh vì gần đây Trung Quốc đã có những thay đổi đối với Ủy hội MK (MRC). Tại hội nghị thượng đỉnh gần đây, Trung Quốc một lần nữa bày tỏ sự sẵn lòng làm việc với MRC và tất cả các nước ven sông, và mời MRC đóng vai trò tích cực trong hợp tác nguồn nước Lan Thương - MK. Song, cần lưu ý rằng sự hợp tác vẫn cần phải mạnh mẽ hơn. MRC quyết tâm thể hiện sự hợp tác chặt chẽ và loại bỏ những nghi ngờ giữa MRC và hợp tác Lan Thương - MK (LMC). MRC mời Trung Quốc làm việc chặt chẽ hơn với MRC trên thực tế chứ không phải chỉ trên những lời phát biểu tại hội nghị.

1.6. Các hợp tác quốc tế khác đối với các nước lưu vực MK

Hợp tác quốc tế đối với các nước thuộc lưu vực MK bao gồm cả hình thức song phương và đa phương. Lĩnh vực hợp tác nhằm phát triển bền vững kinh tế - xã hội với lợi ích cho cả nhà đầu tư và đối tác đầu tư.

Trong lĩnh vực ngành nước, các nhà tài trợ chính trong những năm qua là: Chính phủ của các nước Úc, Đan Mạch, EU,  Phần Lan, Đức, Nhật Bản, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Anh, Hoa Kỳ, Hà Lan, và các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) v.v. Các nhà tài trợ quốc tế nói trên tập trung cấp kinh phí cho những hoạt động của ngành nước và mới chỉ tập trung tài trợ vào những nghiên cứu kỹ thuật, chưa chú ý đến việc phát triển khai thác và quản lý nguồn nước MK theo hướng quản lý nước thông minh trong bối cảnh thời đại 4.0 cũng như thúc đẩy Trung Quốc và Myanma tham gia trực tiếp vào Ủy hội MK.

1.7. Nhận xét chung về Hợp tác quốc tế với các nước thuộc lưu vực sông Mê Kông

Lưu vực MK có ý nghĩa chiến lược trong hợp tác quốc tế đối với các nhà đầu tư và chính phủ các nước trên thế giới. Quan hệ hợp tác quốc tế mang lại những cơ hội phát triển kinh tế xã hội đối với các nước trong khu vực và mang lại những lợi ích cả về kinh tế, chính trị đối với các đối tác quốc tế. Mặc dù có những cơ hội tốt đối với phát triển, nhưng các nước trong khu vực cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn. Là một lưu vực sông liên quốc gia, bất cứ một sự phát triển nào, đặc biệt phát triển thủy điện, khai thác sử dụng nguồn nước ở thượng nguồn sẽ gây tác động lớn đến hạ lưu. Các nước trong khu vực cần phải xem xét, đồng thuận, cùng nhau giải quyết những thách thức này. Chính phủ các nước đối tác cần hợp tác với tinh thần đôi bên đều có lợi, không nên dùng áp lực kinh tế để áp đặt các điều kiện chính trị khác. Trung Quốc cần thể hiện cao hơn nữa trách nhiệm của một nước có lãnh thổ ở thượng lưu lưu vực MK nếu Trung Quốc muốn vị thế của mình cao hơn trên thế giới. Trung Quốc cần phải gia nhập trực tiếp vào Ủy hội MK. Trung Quốc không nên dùng “vũ khí nguồn nước” để gây sức ép đối với các nước trong khu vực.

  1. Việt Nam cần hành động như thế nào?

Không phải đến bây giờ Việt Nam mới nhận thức được tính nguy cấp của tình hình. Việt Nam từng nỗ lực nhiều lần để trì hoãn tiến độ xây đập Xayaburi tại Lào và khuyến cáo các nước Thái Lan, Campuchia cùng phối hợp để khai thác dòng sông bền vững. Tuy nhiên bài toán kinh tế được mất của các quốc gia này không giống Việt Nam. Và họ không thể ngồi yên hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để duy trì tính bền vững của con sông khi Trung Quốc đã có những tác động đến nó trên thượng nguồn. Trong mọi tình huống, Việt Nam phải chấp nhận thực tế rằng nguồn nước chảy về Việt Nam trên lưu vực MK sẽ ngày càng giảm trong mùa khô hạn.

Nguồn nước suy giảm trên MK, tình trạng xâm nhập mặn tăng nhanh và nguy cơ nước biển dâng đang là những đe dọa sống còn đến vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, thực sự đây đã là một lời nguyền MK đối với vựa lúa lớn nhất của Việt Nam. Và ngày 10/03/2016, trước tình trạng khô hạn trên diện rộng ở miền Tây, thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng buộc phải gửi công hàm cho Trung Quốc để đề nghị Trung Quốc xả đập thượng nguồn giúp cải thiện tình hình.

Cần có một tư duy khác trong việc phát triển và khai thác đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam. Việt Nam trước hết phải xây dựng các chiến lược và kế hoạch dựa vào chính mình, chứ không thể để lệ thuộc vào các nước khác. Chúng ta phải chủ động hợp tác với các nước khu vực trong quy hoạch và quản lý nguồn nước trên lưu vực MK, không nên bị động trước các hoạt động đã xảy ra rồi. Việt Nam cần biến các thách thức thành các cơ hội. Chúng ta cần chủ động ứng phó với mọi tình huống, ví dụ như chuyển đổi thời vụ canh tác, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng (chuyển canh tác lúa thành nuôi trồng thủy sản), tạo ra các giống cây trồng chịu hạn v.v. Một khi Việt Nam đủ sức để thích ứng với mọi tình huống thì sợ gì việc phụ thuộc vào nước ngoài. Nói như thế không có nghĩa là chúng ta hành động một cách đơn độc. Chúng ta cần cộng tác chặt chẽ và thân thiện với các nước trong Ủy hội MK theo những nguyên tắc quản lý tổng hợp nguồn nước trên lưu vực sông liên quốc gia.

Trong hội nghị cấp cao 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi “Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác để MK mãi mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn, bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực”. Muốn thực hiện được điều này, Việt Nam cùng Lào, Thái Lan và Campuchia cũng cần phải kiên trì đấu tranh với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với Trung Quốc để nước này phải có trách nhiệm tham gia vào Ủy hội MK, có trách nhiệm đối với việc phát triển nguồn nước ở thượng lưu MK theo đúng các thỏa thuận của quốc tế đối với lưu vực sông liên quốc gia.

  1. Kiến nghị

Trước hết, đối với Việt Nam, Việt Nam cần phải thể hiện tinh thần chủ động, mạnh mẽ và quyết liệt hơn với tầm nhìn chiến lược sâu sắc và sắc bén hơn trong Ủy hội về các vấn đề khai thác và quản lý nguồn nước trên  lưu vực MK.

MK là một con sông liên quốc gia. Các nước trên thế giới đã nhất trí nguyên tắc quản lý và khai thác nguồn nước không thể theo địa giới lãnh thổ, địa giới hành chính mà phải theo lưu vực sông. Nguồn nước phải được khai thác và quản lý từ đầu nguồn đến cuối nguồn. Với nguyên tắc cơ bản đó, nguồn nước trên lưu vực MK dù thuộc Trung Quốc và Myanma, nhưng vẫn phải được khai thác và quản lý chung theo hình thức hợp tác của tất cả các nước trong lưu vực sông này. Trung Quốc và Myanma cần tham gia trực tiếp vào Ủy hội MK với vai trò là thành viên chính thức vì lợi ích chung và lợi ích của chính đất nước họ. Đến năm 2020, cùng lắm đến 2025, hy vọng việc này sẽ trở thành hiện thực. Trên thực tế, Trung Quốc đã có những bước tiến mới trong hợp tác với MRC nên hy vọng việc tham gia của Trung Quốc và Myanma vào MRC là hoàn toàn khả thi.

Các nhà tài trợ quốc tế có tác động quan trọng trong việc thúc đẩy Trung Quốc và Myanma tham gia trực tiếp vào Ủy hội MK. Việc này quan trọng hơn nhiều so với những tài trợ cho những nghiên cứu riêng lẻ đối với MK. Trên cơ sở tất cả các nước trong lưu vực MK cùng tham gia vào một tổ chức, việc chia sẻ thông tin về nguồn nước MK và các vấn đề liên quan sẽ trở nên hiệu quả hơn, quản lý thông minh nguồn nước MK sẽ từng bước thực hiện được. MK sẽ là dòng chảy mang lại phồn vinh và hạnh phúc đến tất cả 6 quốc gia trong lưu vực sông này.

Trước mắt cơ chế tổ chức của Ủy hội MK bao gồm thêm Trung Quốc và Myanma có thể vẫn tạm theo hình thức hiện tại. Vai trò chủ tịch Ủy hội và trụ sở của Ủy hội vẫn có thể là luân phiên. Văn phòng thường trực Ủy hội MK nên đặt ở Thành phố Hồ Chí Minh vì Việt Nam là điểm cuối của MK và là nơi chịu tác động mạnh mẽ của các hoạt động trên toàn bộ MK. Văn phòng thường trực Ủy hội MK đặt ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ thuận tiện hơn cho các quan chức, cán bộ của Ủy hội hiểu rõ hơn tình hình thực tế đối với đồng bằng sông Cửu Long - nơi rất nhậy cảm đối với nguồn nước MK. Thành phố Hồ Chí Minh cũng là một đầu mối giao thông thuận tiện đối với các nước thành viên. Các điều kiện về làm việc, ăn ở đều thuận lợi đối với một cơ quan, tổ chức quốc tế đặt trụ sở tại đây.

Ủy hội MK hiện tại đang có website (http://www.mrcmekong.org). Tuy nhiên, để giúp cho Ủy hội làm việc có hiệu quả hơn và các nước thành viên trao đổi thông tin thường xuyên và cập nhật thông tin kịp thời hơn, cần phải thiết kế một hệ thống thông tin sao cho các Ủy ban Quốc gia của các nước thành viên có thể truy cập và cập nhật các số liệu, thông tin trong nước mình và của các nước thành viên khác. Chúng ta đang ở thời đại 4.0, không thể giữ mãi cách làm việc như trước đây.

Trước mắt, Ban Thư ký của Ủy hội và Ban Thư ký của Ủy ban Quốc gia của các nước thành viên cần trao đổi thông tin qua các email hàng ngày nhằm chia sẻ, tổng hợp dữ liệu, thông tin. Cần thiết có giao ban trực tuyến hàng tuần; Giao ban trực tuyến hàng tháng nhằm đánh giá chung tình hình trong tháng; Thảo luận sâu những vấn đề nổi cộm; thảo luận phương án giải quyết các vấn đề nổi cộm; Giao ban trực tuyến hàng quí nhằm đánh giá chung tình hình trong quý, thảo luận những vấn đề nổi cộm và bàn thống nhất phương án giải quyết các vấn đề này qua hệ thống trực tuyến.

Để công tác quản lý nguồn nước MK hiệu quả hơn, cần thiết phải có trạm Radar và các điểm đo mưa, mực nước tự động dày đặc hơn trên lưu vực. Các thiết bị đo tự động này đã được các nước phát triển trên thế giới đã lắp đặt trên các lưu vực sông của họ. Số liệu quan trắc từ các thiết bị này được truyền lên vệ tinh và từ vệ tinh truyền về các trung tâm trên mặt đất. Nếu Ủy hội MK có được một ngân hàng dữ liệu (database) cập nhật thường xuyên các dữ liệu này thì các cơ quan thuộc các nước thành viên có thể truy cập trực tiếp vào ngân hàng dữ liệu này. Nếu Ủy hội MK cũng xây dựng được các mô hình toán mưa-dòng chảy, mô hình thủy lực 1D, 2D trên từng tiểu lưu vực và trên toàn lưu vực thì các dữ liệu từ các điểm đo sẽ tự động nhập vào các mô hình với thời gian thực và cho các nhà quản lý và các hộ sử dụng nước biết hiện trạng nguồn nước trên các tiểu lưu vực cũng như trên toàn lưu vực. Nếu làm được như vậy, dự báo thủy văn trên các sông nhánh và trên dòng chính sẽ chính xác hơn, đáng tin cậy hơn, thời gian dự kiến sẽ dài hơn. Trên cơ sở các dữ liệu quan trắc tự động được truyền về các trung tâm xử lý thông tin, các hồ chứa sẽ được vận hành một cách tự động và thông minh đáp ứng yêu cầu của nhà quản lý cũng như yêu cầu của các hộ dùng nước.

Quản lý nước thông minh thời 4.0 cần phải được sớm áp dụng đối với MK kể cả đối với dòng sông chính và các dòng sông nhánh một cách đồng bộ trên toàn lưu vực.

Quản lý nước thông minh đối với lưu vực MK thực chất là một quá trình sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông và /hoặc các phương tiện khác để có được sự phối hợp có hiệu quả và hiệu lực việc quản lý, phát triển và bảo vệ nguồn nước và các hệ sinh thái dưới nước nhằm cải thiện các lợi ích sinh thái và kinh tế một cách công bằng mà không ảnh hưởng đến tính bền vững của hệ sinh thái phụ thuộc và quyền lợi của các nước thành viên.

Quản lý thông minh nước lưu vực MK là một định hướng chiến lược có khả năng tích hợp và quản lý toàn bộ quá trình của chu trình nước từ việc phân tích các tình huống hiện tại để làm sạch, phân phối, cũng như sử dụng và tái sử dụng tài nguyên nước một cách khoa học và theo hệ thống.

Quản lý thông minh nước đối với lưu vực MK là một công cụ đắc lực trong quá trình khắc phục những thách thức trong khai thác, sử dụng, quản lý nguồn nước hiện tại và tương lai.

Quản lý thông minh nước là phương tiện, công cụ phục vụ cho cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước có hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, thuận tiện hơn, phù hợp với quá trình phát triển của xã hội của các nước thành viên trong lưu vực MK.

Các nhà tài trợ quốc tế cần tài trợ vào các hoạt động quản lý thông minh nước trong lưu vực MK.

Các nước thành viên đã có đóng góp tài chính để Ủy hội MK hoạt động. Tuy nhiên, để Ủy hội có thể hoạt động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn, mỗi nước thành viên nên đóng góp 500.000 USD/năm. Kinh phí của Ủy hội cần được sử dụng hiệu quả hơn, thiết thực hơn, không nên trải đều mà cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề mang tính chiến lược, cấp thiết đối với lưu vực MK.

Đề xuất cơ cấu tổ chức của Ủy hội MK có thêm thành viên chính thức Trung Quốc và Myanma. (Hình 2).

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bách khoa toàn thư mở Wikipedia. Ủy hội Mê Kông.
  2. Wang Yan. 4 May 2018. Mê Kong River Commission reaches out to China to avert dam damage.
  3. Wang Yan 4 May 2018. Mê Kong River Commission reaches out to China to avert dam damage.
  4. Website https://news.zing.vn/thu-tuong-de-xuat-xay-dung-mang-luoi-sang-tao-MK-nhat-ban
  5. Website: https://baomoi.com/mang-phep-la-song-han-den-luu-vuc-song-MK
  6. Website:https://news.zing.vn/trung-quoc-manh-tay-chi-tien-thuc-day-hoi-nhap-kinh-te-tai-MK-post811287.html

THE INTERNATIONAL COOPERATION AMONG COUNTRIES IN THE MEKONG RIVER BASIN AND VIETNAM’S SOLUTIONS

Ph.D TRAN NHON

Vietnam Water Resources Development Association

ABSTRACT:

After presenting the situation of exploting and managing water resources of Meking River (Results of scientific research and technology application No.6 issued in April, 2019), this article is to analyze the international cooperation among countries in the Mekong River Basin and what Vietnam should do regarding to the management of water resources of Mekong River issue. This article also proposes some strategic recommendations towards a unified and smart management of water resources of Mekong River to ensure the sustainable economic, social and environmental development across the entire Mekong Basin.

Keywords: Mekong River, Mekong River Commission, hydropower, smart management.