Hụt tiền đền bù từ KCN VSIP III, lãi ròng năm 2023 của Cao su Phước Hòa (PHR) giảm mạnh

Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR) vừa cho biết lãi ròng quý 4/2023 giảm 63% so với cùng kỳ năm trước khi khoản tiền đền bù từ dự án Khu công nghiệp VSIP III giảm mạnh.
Cao su Phước Hòa
Tính chung cả năm 2023, lãi ròng của Cao su Phước Hòa giảm gần 29% so với năm 2022.

Công ty Cổ phần Cao su Phước Hòa (mã cổ phiếu PHR - sàn HoSE) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 với doanh thu thuần đạt 461 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá vốn hàng bán chỉ giảm 14%, khiến lợi nhuận gộp của Cao su Phước Hòa giảm mạnh 38,5%, chỉ còn hơn 88 tỷ đồng trong quý 4/2023.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này trong quý 4/2023 cũng giảm mạnh 51%, còn 44 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí bán hàng và chi phí quản lý lần lượt giảm 27% và 29%, nhưng chi phí tài chính lại tăng hơn 15% so với quý 4/2022.

Kết quả, Cao su Phước Hòa ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 158 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước.

Ban lãnh đạo Cao su Phước Hòa cho biết, trong quý 4/2022, công ty ghi nhận 408,8 tỷ đồng từ khoản tiền đền bù, hỗ trợ thiệt hại do thực hiện dự án Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III). Tuy nhiên, trong quý 4/2023, khoản đền bù này chỉ còn 83,6 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận ròng của Cao su Phước Hòa sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022.

Như vậy, tính chung cả năm 2023, Cao su Phước Hòa ghi nhận tổng cộng 1.353,6 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế 663,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 22,6% và giảm 28,6% so với năm 2022.

Các con số này gần tương đương với mức dự báo của của một số hãng chứng khoán đưa ra trước đó. Theo đánh giá gần đây của hãng Chứng khoán Vietcap, trong năm 2024, doanh thu của Cao su Phước Hòa có thể sẽ ở mức tương đương nhưng lãi ròng sẽ giảm 15% so với năm 2023.

Mặc dù mảng cao su dự kiến sẽ phục hồi tích cực nhờ giá mủ cao su và nhu cầu hồi phục, nhưng mảng khu công nghiệp sẽ suy giảm mạnh do Cao su Phước Hòa không còn đất để cho thuê. Khu công nghiệp Tân Bình của doanh nghiệp này hiện đã được lấp đầy hoàn toàn.

Cao su Phước Hòa
Bản đồ KCN VSIP III, các KCN xung quanh (khu vực màu xanh) và đất cao su của Cao su Phước Hoà đã hoặc sẽ chuyển đổi sang phát KCN (khu vực màu xanh lá cây). (Nguồn: Cao su Phước Hoà, Vietcap)

Xem thêm: "Dự kiến Cao su Phước Hoà (PHR) sẽ ghi nhận lợi nhuận bán đất KCN VSIP III trong năm 2024" trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Triển vọng mảng khu công nghiệp của Cao su Phước Hòa hiện phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ hoàn thành thủ tục pháp lý của các dự án mới. Trong đó, Khu công nghiệp Tân Lập (200 ha, đang chờ phê duyệt quy hoạch tổng thể 1/2.000), Khu công nghiệp Tân Bình Mở rộng (1.055 ha, đang chờ phê duyệt đầu tư), và Cụm công nghiệp Tân Định (300 ha, đang chờ phê duyệt đầu tư), kỳ vọng có thể đưa vào khai thác và đóng góp doanh thu từ 2025 - 2026.

Hiện tiến độ pháp lý của các dự án này trong năm 2024 được kỳ vọng sẽ được cải thiện sau khi quy hoạch tổng thể của tỉnh Bình Dương được phê duyệt.

Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng tài sản của Cao su Phước Hòa đạt gần 6.161 tỷ đồng, giảm 2,7% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn (toàn bộ là tiền gửi ngân hàng), giảm gần 12%, còn hơn 1.997 tỷ đồng, tương đương 32% tổng tài sản.

Hàng tồn kho của Cao su Phước Hòa ở mức hơn 324 tỷ đồng, gần như không đổi so với hồi đầu năm, chiếm hơn 5% tổng tài sản.

Ở phía bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của Cao su Phước Hòa đã giảm 19% so với hồi đầu năm 2023, còn 2.344 tỷ đồng, chủ yếu do nợ ngắn hạn giảm. Đáng chú ý, Cao su Phước Hòa đang có khoản doanh thu chưa thực hiện dài hạn ở mức 1.338 tỷ đồng.

Duy Quang