Israel bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với mặt hàng sữa, cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam

Động thái này nhằm chấm dứt tình trạng thiếu sữa trong các siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Israel những tuần gần đây, đồng thời mở cửa thị trường, tăng cường nguồn cung và gia tăng tính cạnh tranh để góp phần làm giảm giá bán mặt hàng sữa cho người tiêu dùng.

Thương vụ Việt Nam tại Israel cho biết, ngày 13/7/2023, ông Bezalel Smotrich - Bộ trưởng Tài chính Israel đã ký lệnh bãi bỏ mức thuế nhập khẩu 40% đối với các loại sản phẩm sữa trong thời hạn 3 tháng, kéo dài từ nay cho đến ngày 09/10/2023 sau khi kỳ nghỉ lễ truyền thống kết thúc.

Đây được cho là một quyết định lịch sử và biện pháp này được thực hiện với sự thận trọng cũng như trách nhiệm cần thiết để loại bỏ tình trạng thiếu sữa trên các kệ hàng trong các hệ thống siêu thị cũng như tại các cửa hàng bán lẻ mà người dân Israel đang gặp phải trong những tuần gần đây.

mặt hàng sữa
Do thói quen và tập quán tiêu dùng, các loại sữa là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với người dân ở Israel nhưng nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ. Ảnh: israelhayom

Nỗ lực chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung mặt hàng sữa

"Động thái này là bước đi đúng đắn nhất để chấm dứt tình trạng thiếu hụt nguồn cung, do trong những năm gần đây đã nhiều lần xảy ra tình trạng thiếu hụt sữa trên thị trường. Sữa là sản phẩm được bán nhiều nhất ở Israel, vì thế không thế chấp nhận được tình trạng thiếu hụt sữa trong mùa hè khi trẻ em được nghỉ hè và trước kỳ nghỉ lễ truyền thống", Bộ trưởng Tài chính Israel nhấn mạnh.

Việc giảm thuế nhập khẩu còn nhằm mục đích mở cửa thị trường, tăng cường nguồn cung và gia tăng tính cạnh tranh để góp phần làm giảm giá bán mặt hàng sữa cho người tiêu dùng. Cùng với đó, theo đề xuất của Bộ trưởng Kinh tế, Chính phủ Israel sẽ có kế hoạch tiếp tục thay đổi hệ thống nhập khẩu của Israel để tương thích với các phương thức quản lý và tiêu chuẩn của châu Âu, đồng thời tiến hành cắt giảm thủ tục quan liêu đối với hàng hóa nhập khẩu do Bộ Kinh tế và Công nghiệp cùng với Văn phòng Thủ tướng giám sát thực thi.

Trong các năm qua, từng có nhiều ý kiến cho rằng về mặt kỹ thuật không thể nhập khẩu sữa lỏng do thời hạn sử dụng ngắn. Sau khi Bộ Tài chính đã trao đổi, các nhà nhập khẩu và các chuyên gia Israel đều cho rằng điều này thực sự có tính khả thi. Thực tế cho thấy, do thiếu hụt, có những nhà nhập khẩu sẵn sàng nhập khẩu sữa ngay cả khi phải chịu thuế nhập khẩu và việc giảm thuế có thể để mang lại số lượng cần thiết với mức giá phù hợp.

Để bảo hộ sản xuất trong nước, ngành công nghiệp sữa của Israel được quản lý, điều hành thông qua kế hoạch tập trung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Hội đồng các nhà sản xuất sữa. Hai cơ quan này phối hợp với nhau trong việc phân bổ hạn ngạch sản xuất cho từng trang trại bò sữa và không được vượt quá tổng hạn ngạch do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng hạn ngạch nhập khẩu mặt hàng sữa và mức thuế đánh vào mặt hàng sữa nhập khẩu ngoài hạn ngạch thường là rất cao. Với cơ chế trợ giá, người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng nhận được mức giá tối thiểu, trong khi người tiêu dùng được bảo vệ bởi mức giá tối đa do chính phủ quản lý. Điều này khiến cho ngành công nghiệp sữa trở nên khác biệt so với các ngành sản xuất khác ở Israel cũng như so với ngành công nghiệp sữa ở hầu hết các nước phương Tây.

Cơ hội tốt cho các nhà sản xuất Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sữa sang Israel

Giá sữa ở Israel là một vấn đề nhạy cảm và đã gây ra những phản ứng thường biến thành các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chi phí sinh hoạt cao. Năm 2011, “cuộc biểu tình phô mai” đã từng gây ra nhiều tuần lễ bất ổn xã hội, dẫn đến việc các siêu thị phải hạ giá bán các mặt hàng sữa cùng với các cải cách chính sách của chính phủ nhằm giảm chi phí tiêu dùng. Trong thực tế, Israel điều tiết giá một số sản phẩm sữa chủ yếu được sản xuất trong nước bao gồm sữa, phô mai trắng mềm và bánh mì thiết yếu, thường đắt hơn so với giá ở các nước châu Âu.

Tình trạng thiếu sữa các loại gần đây xảy ra sau khi giá các sản phẩm sữa do Chính phủ điều tiết đã tăng hơn 9% trong tháng 5/2023, khi Bộ trưởng Tài chính đạt được thỏa thuận vào phút cuối với các nhà sản xuất sữa của Israel về mức tăng dự kiến 16% sẽ được thực hiện rải ra trong một số năm.

Các nhà sản xuất sữa đã và đang phàn nàn rằng giá ngũ cốc thức ăn cho gia súc, chiếm một phần đáng kể trong chi phí sản xuất các mặt hàng sữa, đã tăng vọt dẫn tới làm tăng chi phí. Một cuộc kiểm toán của cơ quan quản lý nhà nước được công bố vào tháng 5/2023 đã làm sáng tỏ chi phí sữa nguyên liệu leo thang. Cuộc kiểm toán cho thấy giá sữa nguyên liệu ở Israel cao hơn khoảng 24% so với mức trung bình của Liên minh châu Âu. Ngoài ra, chênh lệch giá giữa một lít sữa thông thường đối với người tiêu dùng Israel và giá trung bình ở các nước OECD đứng cao ở mức đáng kinh ngạc là 77%.

Đồng thời với việc bãi bỏ thuế nhập khẩu cho mặt hàng sữa, Bộ trưởng Bezalel Smotrich cũng nhắc lại cam kết của Chính phủ đối với ngành nông nghiệp Israel. Theo đó, nông nghiệp và nông dân có ý nghĩa rất quan trọng đối với Chính phủ Israel - những người làm những công việc khó khăn nhất để bảo vệ đất đai và duy trì an ninh lương thực.

Trong ngân sách phê duyệt gần đây nhất, Bộ trưởng Tài chính Israel đã quyết định tài trợ hàng tỷ USD cho đầu tư vốn và hoạt động đổi mới sáng tạo trong ngành nông nghiệp Israel những năm tới đây.

Trong khi đó, với xu thế bảo hộ trong nước, Hội đồng các nhà sản xuất sữa Israel không hoan nghênh động thái bãi bỏ thuế nhập khẩu của Bộ trưởng Tài chính và cho biết, trước đó vài ngày, cơ quan này đã thông báo với Bộ trưởng Tài chính, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc các công ty sữa trên cao nguyên Golan đang gia tăng sản lượng sản xuất sữa dưới sự giám sát chặt chẽ của họ và vì vậy sẽ đáp ứng tất cả các nhu cầu trên thị trường Israel.

Tuy nhiên, Chính phủ đã chọn hành động đơn phương giảm thuế nhập khẩu và thay vì hỗ trợ sản xuất trong nước. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng có thể tiết kiệm trả ít hơn một shekel, nhưng về lâu dài người dân có thể sẽ bị phụ thuộc vào hoạt động của các nhà nhập khẩu và giá cả sẽ tăng lên như đã từng xảy ra đối với mặt hàng bơ, khi giá thực tế gây tổn thất nghiêm trọng cho doanh nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, ông Bezalel Smotrich cho biết thêm, trong ba tháng tới, Bộ Tài chính sẽ xem xét tác động của lệnh bãi bỏ thuế nhập khẩu đối với thị trường cả về số lượng và giá cả. Bộ Tài chính Israel sẽ tổ chức đối thoại chuyên sâu với tất cả các bên tham gia vào hoạt động trong ngành công nghiệp sữa để xem xét những điều chỉnh cần thực hiện nhằm đảm bảo nguồn cung cấp thường xuyên cũng như mức giá tối ưu cho mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Việc bãi bỏ thuế nhập khẩu dự kiến cũng không dẫn đến thất thu thuế, vì mức thuế cao đã ngăn cản việc nhập khẩu sữa và các sản phẩm khác từ sữa vào Israel. Đồng thời, nông dân trong nước sẽ không bị thiệt hại, vì các công ty sữa sẽ tiếp tục mua hạn ngạch sữa hiện tại với mức giá mục tiêu hiện hành.

Do thói quen và tập quán tiêu dùng, các loại sữa là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao đối với người dân ở Israel. Tuy nhiên những năm gần đây, do nguồn cung trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng gia tăng mạnh nên thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu hụt bơ sữa khiến cho giá cả mặt hàng sữa tăng cao và Israel phải liên tục điều chỉnh chính sách quản lý bằng cách tăng thêm hạn ngạch nhập khẩu hoặc giảm thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này tại nhiều thời điểm khác nhau.

Với việc thực hiện giảm thuế nhập khẩu của Bộ Tài chính Israel, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất sản phẩm sữa các loại của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Israel trong thời gian tới.

Việt Hằng